Nguyên tác: Business Brilliant Tác giả: Lewis Schiff Người dịch: Nguyễn Thị Kim Diệu NXB Trẻ ấn hành quý I/2014 |
Để trả lời câu hỏi ấy, tác giả đã chỉ tập trung giới hạn nghiên cứu vào những người được hưởng rất ít, hoặc không có chút nào tài sản thừa kế của gia đình và giờ đây đang sở hữu giá trị tài sản ròng khoảng từ 1 triệu đến 10 triệu USD.
Bảy nguyên tắc tạo ra của cải được xác định trong Tài trí làm giàu không chỉ tập trung vào làm giàu, mặc dù với một số độc giả, đích xác đó là những chuyện sẽ xảy ra. Những nguyên tắc ấy nhắm vào việc tái tổ chức những cách thức phát triển sự nghiệp của ta cho phù hợp với thế giới ta sống ngày nay.
VỀ TÁC GIẢ
Lewis Schiff là giám đốc điều hành của Hội đồng Nghiệp chủ Inc., một tổ chức kiểu hành viên dành cho các doanh nhân và chủ các doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình hàng đầu của tạp chí Inc., ông còn duy trì một trang nhật ký trực tuyến về hành vi doanh nghiệp trên trang Inc.com.
Schiff là đồng tác giả của 2 cuốn sách The Influence of Affluence: The Rise of the New Rich và How They Are Changing America, lập biểu đồ sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu ngày càng giàu có ở nước Mỹ thông qua nghiên cứu và phân tích độc đáo; cùng cuốn The Armchair Millionaire, miêu tả một hệ thống tạo dựng sản nghiệp vận dụng những phương pháp luận giành giải thưởng Nobel.
NỘI DUNG CHÍNH
1. “Tài trí làm giàu”
Cuốn sách này không phải viết cho tất cả mọi người. Nó được viết riêng cho một phân khúc dân số rất đặc biệt: hàng triệu con người được học hành và ham học hỏi, kiếm vừa đủ sống nhờ tuân thủ những quy tắc mà giờ đây không còn mấy hiệu quả với họ nữa.
Mỗi chương trong cuốn sách đều đập tan một chuyện hoang đường phổ biến về gây dựng của cải, và hé lộ những bí quyết thành công của các triệu phú và tỷ phú tự thân mà họ không phải lúc nào cũng thiết tha chia sẻ.
2. Làm những gì ta thích, nhưng bám đuổi bạc tiền
Hơn 7 trong 10 người trả lời khảo sát ở tầng lớp trung lưu cho rằng “làm việc gì ta thích và để tiền bạc bám theo sau” đóng vai trò quan trọng vào thành công tài chính của họ. Chỉ 2 trong số 10 đối tượng trả lời khảo sát là triệu phú tự thân đồng tình với tuyên bố trên.
Nếu bạn ở vị trí cha/mẹ của Guy Laliberte hồi năm 1983, ắt hẳn bạn phải lo lắng ít nhiều về cậu con trai hai mươi ba tuổi của mình.
Cậu chàng Laliberte là người Canada gốc Pháp, đã bỏ qua đại học lúc hết trung học và chuồn tới châu Âu trong vòng 1 năm. Cậu tự trang trải bằng nghề biểu diễn đàn xếp trên phố, hay làm “nghệ sĩ hát rong” như cách gọi của người Anh. Lúc mới tới London, cậu có chưa đầy một nghìn đô la trong túi, và để bảo toàn số tiền đang có, cậu ngủ đêm trên một băng ghế trong Công viên Hyde.
Vốn tiếng Anh của Laliberte không mấy khá và chẳng bao lâu cậu đã đi tiếp sang Pháp. Ở đó, cậu nhập hội cùng những người hát rong khác, họ dạy cậu trò tung hứng, đi cà kheo, và khạc lửa - trò nguy hiểm nhất trong số các màn biểu diễn đường phố theo phong cách rạp xiếc.
Được nuôi dạy trong một gia đình trung lưu lớn đứng đầu là một ông bố làm quản lý doanh nghiệp, Laliberte luôn mong sẽ học tiếp lên đại học. Nhưng khi từ châu Âu trở về nhà, cậu lại gia nhập một nhóm phi lợi nhuận gồm các diễn viên đi cà kheo và nhào lộn có tên là Le Club des Talons Hauts (Hội Giày cao gót). Mấy mùa hè liền đó của cậu đều dành vào việc sống trong một quán trọ để giúp tổ chức các lễ hội đường phố Talons Hauts tại thành phố du lịch bé nhỏ Baie Saint Paul của Quebec. Tiền bạc và của cải chưa bao giờ có vẻ gì là quan trọng với Laliberte. Mỗi mùa đông cậu đều tiêu sạch mọi đồng cắc dành dụm được để chuồn đến các bãi biển Florida và Hawaii.
Đầu năm 1983, chính quyền Quebec công bố các kế hoạch chào mừng kỷ niệm 450 năm thành lập tỉnh sẽ diễn ra vào mùa hè năm đó. Kinh phí được đổ vào những hoạt động hội hè phô diễn các tài năng "cây nhà lá vườn" của Quebec, và Talons Hauts nhận được 1,6 triệu đô la cho một chương trình xiếc lưu động sẽ ghé thăm 14 thành phố khắp tỉnh Quebec trong vòng 12 tuần. Laliberte chịu trách nhiệm lập kế hoạch. Cậu thậm chí còn phát minh ra tên gọi cho nó: La Grand Tour du Cirque du Soleil (Chuyến lưu diễn lớn của Gánh xiếc Mặt Trời).
Chuyến lưu diễn vốn được ấp ủ là chương trình một năm, nhưng Laliberte nhất quyết duy trì hoạt động của Gánh xiếc Mặt Trởi. Anh thuyết phục chính quyền cam kết tài trợ thêm một mùa biểu diễn nữa vào năm 1985. Thế nhưng, bên ngoài Quebec, phản ứng lại trái chiều. Các buổi diễn ở Toronto và thác Niagara thưa thớt người xem, và Gánh xiếc Mặt Trởi này kết lại một năm với khoản nợ 750 ngàn đô la. Thế nhưng, chuyến lưu diễn qua 8 thành phố Canada trong năm tiếp theo diễn ra khả quan hơn nhiều, và kết thúc bằng một liên hoan trình diễn trong hội chợ thế giới tại Vancouver.
Ngày nay, Laliberte đứng đầu một tập thể gồm 3.000 nhân viên tại tổng hành dinh và trung tâm huấn luyện cực kỳ tối tân của Gánh xiếc Mặt Trời tại Montreal.
Nhóm quản lý của ông phát triển và điều phối 6 chương trình khác nhau trình diễn quanh năm tại Las Vegas, một chương trình thường xuyên khác tại công viên Disney World, cùng 9 đoàn lưu diễn khác biểu diễn trên toàn thế giới. 800 triệu đô la doanh thu bán vé thường niên của Gánh xiếc Mặt Trời sánh ngang với doanh thu phòng vé từ tất cả các nhà hát ở Broadway gộp lại.
Nhờ lợi tức từ cổ phần chủ yếu trong công ty mẹ của Ciruqe du Soleil, giá trị tài sản ròng của Laliberte ước đạt 2,5 tỷ đô la. Năm 2009, ông đã tiêu 35 triệu đô la trong khối tài sản cá nhân ấy cho một chuyến du ngoạn 12 ngày trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Đeo một chiếc mũi phồng đỏ chót và tự nhận mình là "anh hề đầu tiên trong không gian", Lilaberte nói với một người phỏng vấn khi đang ở trong quỹ đạo rằng, "Tôi đang làm điều mà mọi đứa trẻ ao ước - bỏ trốn và gia nhập gánh xiếc".
Câu chuyện của Laliberte thường được nêu gương như một thắng lợi kiểu nghèo bươm thành giàu bộn. Thành công ghê gớm của ông gợi ra rằng bất kỳ ai - dù là một nghệ sĩ đường phố - theo đuổi một viễn kiến bằng lao động cần cù và quyết tâm bền chí, cuối cùng cũng có thể sa vào một đống bạc tiền chất ngất.
Nhưng có nhiều thứ trong câu chuyện này hơn là chỉ đam mê và động lực. Suy cho cùng, có khối người đầy đam mê, đầy sáng tạo, làm việc quần quật cả đời và vẫn phải chật vật kiếm cho đủ ăn. Laliberte không trở thành một tỷ phú chỉ vì anh ta theo đuổi đam mê của mình trong suốt hơn hai chục năm ròng. Ông ta là tỷ phú bởi ông ta đã theo đuổi đam mê và cả bởi ông ta đã xoay sở để duy trì mức cổ phần lớn trong doanh nghiệp, thậm chí là gia tăng nó trong quá trình ấy nhờ mồ hôi công sức của những cộng sự khác nữa. Đó là lý do tại sao chương trình này được đặt tiêu đề "Làm những gì ta thích, nhưng bám đuổi bạc tiền".
3. Bớt dành dụm, thêm tiêu xài
Với các triệu phú tự thân, thành công tài chính giành được nhờ tăng thêm đầu vào, chứ không phải kìm bớt đầu ra. Tài khoản tiết kiệm là một thứ tốt đẹp, nhưng những người đã giàu lên đâu làm được những điều đó nhờ tiết kiệm. Tài khoản tiết kiệm và các khoản đầu tư chỉ bảo toàn những gì bạn kiếm được nhờ làm việc và bám đuổi tiền bạc.
Khi sếp cũ của tôi, W.Randall Jones, sáng lập viên tạp chí Worth, dành 2 năm phỏng vấn hàng chục tỷ phú cho cuốn sách The Richest Man in Town (tạm dịch: Người giàu nhất xứ) của mình, ông đã đưa ra 12 điều răn làm giàu rút ra từ những gì ông tìm hiểu được trong các cuộc phỏng vấn ấy. Không có điều răn nào trong số đó có căn cơ, tiết kiệm, hay đầu tư.
Ông trùm truyền thông người Anh Felix Dennis có lẽ là một kẻ bủn xỉn cuồng tín khi bàn đến chuyện điều hành một trong những cơ sở mới khởi nghiệp của ông. Ông khoe khoang về chuyện trả lương thấp cho nhân viên và tước đoạt của họ quyền sử dụng xe công ty và điện thoại di động. Thế nhưng Dennis chẳng cắt bỏ khoản chi dùng nào của bản thân. Ông viết trong cuốn How to Get Rich (tạm dịch: Làm sao để giàu) rằng ông chi tới 790.000 đô la chỉ riêng cho rượu vang Pháp trong vòng 20 năm qua.
Nếu như khả năng kiếm tiền trong năm tới của bạn chỉ gói gọn ở mức tiền lương hằng tuần, thì liệu cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm những gì có thể là hợp lý chăng? Đương nhiên là có. Việc đó hoàn toàn hợp lý. Nó chỉ không làm bạn giàu lên được. Tiền tiết kiệm vẫn cứ là tiền tiết kiệm. Có thì tốt nhưng nó không phải con đường dẫn tới giàu sang.
Tất cả các chuyên gia về căn cơ tằn tiện đều hiểu điều này vì họ cũng đều làm giàu cho bản thân bằng cách kiếm thêm, chứ không phải tiết kiệm nhiều hơn.
Theo quan điểm của tôi, thứ có hại nhất trong cẩm nang tiết kiệm là nó khiến người ta xao nhãng hành động – kiếm thêm tiền.
Cẩm nang tằn tiện khuyến khích bạn tự coi bản thân mình như là bên dễ tổn thương trong các cuộc đàm phán lương và bỏ qua sự mong manh của phía bên kia bàn thương lượng. Bạn muốn có công việc. Đó là điểm dễ tổn thương về phía bạn mà sếp của bạn khai thác bằng cách đề nghị ít tiền hơn so với mức bạn mong muốn. Nhưng nhà quản lý cũng muốn bạn nhận công việc. Đó là điểm dễ tổn thương của nhà quản lý, mà bạn cần phải khai thác bằng cách đòi hỏi số tiền khiến bạn hài lòng. Và để bắt đầu, bạn đề nghị một số tiền khiến bạn cảm thấy hơn cả hài lòng, vì có thể bạn sẽ được thỏa nguyện.
Khai thác điểm yếu của đối phương là một thực tế quan trọng trong đàm phán. Gần như tất cả các triệu phú tự thân đều chấp nhận và thấu hiểu điều này, trong khi đa số áp đảo nhóm trung lưu không hề và không thể làm vậy.
Đưa ra yêu cầu chính là một trong những chiến lược quyền năng nhất, bởi nó chẳng tốn kém gì và việc đề nghị chẳng làm hại đến ai.
4. Bắt chước thôi, đừng sáng tạo
Khoảng 7 trong 10 người trả lời khảo sát ở nhóm trung lưu nói họ tin rằng phải có “một ý tưởng lớn lao hay mới mẻ” thì mới làm giàu được. Chỉ 3 trong 10 triệu phú tự thân đồng tình.
Phía sau sự phát triển của bất cứ sáng chế vĩ đại nào mà bạn có thể kể tên - điện thoại, bóng đèn, ti vi - là lũ lượt những con người khánh kiệt và nản lòng thoái chí như Gary Kildall, những người có thể được coi là các nhà sáng chế "đích thực". Thomas Edison không hề sáng chế ra bóng đèn, Joseph Swan đã giữ bằng sáng chế của Anh suốt 18 năm ròng trước khi Edison giới thiệu "đèn điện cải tiến" của mình hồi năm 1878. Còn Henry Ford không hề sáng chế ra ô tô. George Selden ở Rochester (New York) đã được cấp bằng sáng chế "đầu máy chạy đường bộ an toàn, đơn giản và giá rẻ" vào năm 1895, trong khi Ford vẫn còn đang làm thuê ở vị trí một kỹ sư bậc trung ở công ty điện của Edison.
Những cái tên Swan, Seldel và Kildall giờ đây phần lớn đã bị lãng quên.
Các nhà nghiên cứu tìm hiểu các doanh nghiệp nhỏ khám phá ra rằng đa số áp đảo các công ty khởi nghiệp đều không hề sáng tạo dù ở mức cực nhỏ. Những nghiệp chủ thành công không phải những nhà sáng chế kiểu sói-đơn-độc theo đuổi những ý tưởng lớn lao. Họ là những kẻ bắt chước làm việc từ lĩnh vực chuyên môn của mình, vay mượn hoặc đánh cắp những gì họ học hỏi được từ chủ cũ của mình.
Bill Gates không bao giờ giỏi đoán trước những điều sắp xảy ra hay trực cảm được tương lai, bất chấp mọi thần thoại nói lên điều ngược lại. Thành tích dự đoán của ông về hầu hết mọi thứ luôn rất tệ hại, vì Gates là một người đi bắt chước, không phải một nhà sáng tạo. Ông có được sản nghiệp kếch xù không phải nhờ theo đuổi những viễn kiến mơ hồ về một thế giới tốt đẹp hơn, mà bằng cách nắm chặt lấy những cơ hội chắc chắn để bám đuổi tiền bạc. Và đấy hẳn là một tin gây cảm hứng cho đa số chúng ta, những kẻ chẳng phải nhà sáng tạo, cũng chẳng phải người có tầm nhìn.
5. Biết-cách thì tốt, biết-người tốt hơn
Gần 9 trong 10 người thuộc tầng lớp trung lưu trả lời phỏng vấn tin rằng thành công tài chính đòi hỏi phải mạo hiểm với tiền vốn của ta. Chưa tới 4 trong 10 triệu phú tự thân tin vào sự cần thiết không phải mạo hiểm chút tiền vốn nào.
Buffett đã được xưng tụng là nhà hiền triết xứ Omaha vì năng lực bề ngoài là có thể tiên đoán được phương hướng của thị trường chứng khoán trong suốt 50 năm qua. Giới đầu tư đã miệt mài nghiền ngẫm các phương pháp tuyển lựa cổ phiếu của Buffett trong suốt nhiều thập niên, gắng học hỏi chiến lược trứ danh của ông là mua cổ phiếu trong các công ty giá rẻ, ít được ưa chuộng. Cái tên Buffett đã trở thành một thương hiệu, được viện dẫn trong vô số cuốn sách tự hoàn thiện bản thân và những hội thảo hứa hẹn dạy đầu tư giá trị "theo phương pháp Warren Buffett". Tất cả đều quảng bá một ý niệm rằng có lao động cần cù và nghiên cứu cẩn thận, các nhà đầu tư riêng lẻ có thể học từ tấm gương Buffett và lựa chọn cổ phiếu để kiếm được cả gia tài cho mình.
Rắc rối với ý niệm này là ở chỗ nó cho rằng thành công trong đầu tư của Buffett hoàn toàn nhờ biết-cách lựa chọn cổ phiếu, trong khi sự thực là hàng tỷ tài sản của Buffett sẽ là bất khả thi nếu không có khả năng biết-người lão luyện của Buffett. Bí mật thực sự trong thành công của Buffett ngay từ đầu chính là ông sử dụng sức mạnh hung bạo của những đồng tiền các nhà đầu tư bỏ ra để bóp nặn lợi nhuận từ các công ty ông đầu tư vào. Ông kiếm được những khoản lời ngoại cỡ cho bản thân và các nhà đầu tư của mình thông qua những chiến thuật tay-không-chiến-đấu trong phòng họp ban giám đốc mà không một nhà đầu tư riêng lẻ nào từng thử. Đối với ban lãnh đạo của một số công ty bị định giá thấp hồi cuối thập niên 1950, Buffett đâu phải "nhà hiền triết xứ Omaha", ông là "ngáo ộp xứ Omaha".
Suốt đời, Buffett đã phát biểu một loạt những câu dí dỏm được những người hâm mộ say sưa nhắc đi nhắc lại. Một câu ưa thích là: “Quy tắc thứ nhất: không bao giờ mất tiền. Quy tắc thứ nhì: Không bao giờ được quên quy tắc thứ nhất”.
Dẫu vậy, đa số các chủ doanh nghiệp mới đều không bao giờ đưa về các nhà đầu tư bên ngoài để giúp tăng vốn và bảo vệ chính họ tránh rủi ro. Lý do chủ yếu là đa số họ đều không yêu cầu việc đó.
6. Thắng - thắng là chịu phần thua
Khoảng 7 trong 10 triệu phú tự thân nói “Tôi có thể dễ dàng từ bỏ một thỏa thuận làm ăn nếu thấy không ổn”. Với nhóm trung lưu, chuyện không đơn giản đến vậy. Chỉ 2 trong 10 nói họ có thể làm thế.
* Nguyên tắc lợi ích tối thiểu
Trong bất cứ mối quan hệ nào, đặc biệt là mối quan hệ làm ăn, người có lợi ích tối thiểu trong việc duy trì mối quan hệ chính là người có quyền năng lớn nhất để xác lập các điều khoản. Lợi ích của bạn càng yếu, đòn bẩy của bạn lại càng mạnh.
Những người thương lượng giỏi nhất luôn tỏ vẻ bề ngoài kiểu lợi-ích-tối-thiểu, ngụ ý rằng họ có thể bỏ ngang vào bất cứ lúc nào, thậm chí cả với những thương vụ thực lòng họ đã rất muốn chốt.
Mặt trái của nguyên tắc lợi-ích-tối-thiểu là khi bạn dựng lên một màn diễn lãnh đạm bất kể thỏa thuận thành hay bại, thì bạn khích động đối phương hình dung xem họ có thể mất gì. Đột nhiên đối phương nhìn thấy rủi ro ở những chỗ trước đây chưa từng thấy.
Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng một cái kết hạnh phúc kiểu "thắng-thắng" nên là mục tiêu tối thượng trong bất cứ cuộc thương thảo nào.
Mục tiêu hai bên cùng thắng có thể là một cái bẫy nguy hiểm, nhất là với những người đương đầu với một nhà đàm phán sành sỏi. Nếu bạn nỗ lực hoàn thành thỏa thuận từ quan điểm thắng-thắng với ai đó tỏ thái độ "tôi phải thắng" quyết liệt hơn, bạn có khả năng trở thành bên duy nhất phải chịu nhượng bộ nhằm bảo toàn thỏa thuận. Một khi bạn đưa việc đạt được một thỏa hiệp hợp lý trên cơ sở thắng-thắng làm ưu tiên của mình, thì những gì có vẻ là kết quả thắng-thắng thực ra là thắng-thảm, mà bạn là bên thua thảm.
Những người khởi đầu với mức cược mở màn cao hiếm khi đạt được những gì họ đòi hỏi, nhưng họ gần như luôn luôn đạt được nhiều hơn so với những người khởi đầu kiểu hợp tình hợp lý. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng không có mấy rủi ro khi ta đề nghị, kể cả với một bộ mục tiêu thái quá, miễn sao bạn yêu cầu theo cách nhã nhặn và tôn trọng.
Hãy đề nghị vừa đủ tử tế, và bạn có muốn đòi cả ông trăng cũng được.
Tuy thế, định ra những mục tiêu tham vọng mới chỉ là xuất phát điểm. Phần quan yếu nhất của xác lập mục tiêu có vẻ là một hành động đơn giản và căn bản - viết mục tiêu lên giấy.
Khi bạn đã có các mục tiêu được viết dưới dạng văn bản, nó đồng thời còn có các nhân tố tâm lý khiến bạn thêm khả năng bảo vệ những mục tiêu này.
Bước chung thứ hai trong đàm phá là tìm hiểu về động cơ và mong muốn của đối phương. Bạn càng nắm rõ những gì quan trọng với đối phương, thì càng nhiều khả năng bạn có thể đi tới một kết quả thắng-thắng với tổn thất tối thiểu về phía mình.
* Cái bẫy cảm thông
Một câu trích dẫn không rõ xuất xứ, thường được quy cho Bill Gates rằng, "Anh không giành được những gì anh xứng đáng trong làm ăn. Anh giành về những gì anh đàm phán được".
Quy tắc đàm phán có 3 nguyên tắc cốt lõi: Gắn chặt với những mục tiêu cao, thấu hiểu quan điểm của đối phương, và đặt ra giới hạn để từ bỏ.
Nguyên tắc có đi có lại là chuyện tử tế. Nó là đặc tính trung tâm trong nhân tính của chúng ta. Nhưng trong đàm phán làm ăn, xu hướng bẩm sinh này có thể dễ dàng bị sử dụng để chống lại bạn. Bên đối phương trong cuộc đàm phán sẽ nói với bạn rằng bạn thật công bằng và thấu tình đạt lý, và tiếp đến là liền một hơi đề nghị mức thỏa thuận thấp đến phi lý.
90% giám đốc tuyển dụng nói rằng họ sẵn sàng đàm phán mức lương dù cao để đảm bảo nhân viên mới chí ít cảm thấy hài lòng, nhưng chỉ trong trường hợp nhân viên này đề nghị với họ một con số.
7. San bớt công việc, chia sẻ giàu sang
Gần 9 trong 10 triệu phú tự thân nói rằng khi động tới những công việc họ không thực sự thạo giỏi, nhiều khả năng là họ sẽ ủy thác nhiệm vụ ấy cho những người thực hiện tốt hơn.
Ngược lại, 2 trong 3 người trả lời thuộc nhóm trung lưu nói rằng, khi đối mặt với những nhiệm vụ như vậy, khả năng là họ sẽ “dù thế nào cũng cố làm bằng được”.
* Lợi thế khiếm khuyết
Khảo sát Tài trí làm giàu tiết lộ rằng mong muốn giao phó nhiệm vụ được phát hiện thấy phổ biến nhất ở những người đạt thành công lớn nhất ở tài chính.
Một số người học cách chấp nhận những khuyết điểm của cá nhân mình từ khi còn rất trẻ. Họ thôi không gắng sức sửa chữa những khuyết điểm mà thay vào đó, họ tìm kiếm những cơ hội phô bày những gì mình giỏi nhất.
Tin tưởng người khác làm việc cho bạn, nhưng giữ lại mọi than phiền và trách nhiệm về phía mình.
“Thế mạnh”, theo Buckingham, có thể được định nghĩa đơn giản là thứ gì đó khiến bạn cảm thấy chắc chắn khi thực hiện.
* Trò bịp nghỉ hưu
Các triệu phú tự thân làm nhiều giờ đồng hồ hơn so với nhóm trung lưu. Điều này càng đặc biệt đúng với các triệu phú có tài sản ròng trong khoảng từ 1 triệu đến 10 triệu đô la.
Những thương nhân cực kỳ xuất sắc có xu hướng gắn chặt bản thân vào các thói quen trên con đường dẫn tới thành công. Họ được thôi thúc và có động lực mạnh mẽ đến nỗi, khi các trách nhiệm của họ trải rộng ra, họ vẫn tiếp tục nhận về mình thêm nhiều công việc dính dáng tới bất cứ thứ gì giúp họ thành công ngay từ ban đầu.
8. Không gì hiệu quả bằng thất bại
Khoảng 7 trong 10 tỷ phú tự lực nói rằng “trở ngại và thất bại đã dạy cho tôi biết mình giỏi cái gì”. Chưa tới 2 trong 10 thành viên nhóm trung lưu tán đồng.
Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng nếu bạn muốn học được thứ gì đó bổ ích về thất bại, hãy trò chuyện với người thành công nhất bạn quen biết.
Nếu bạn không thể nhận thức được mối quan hệ giữa thất bại và thành công, thì khả năng là bạn liên tục chuyển đổi dự án cứ mỗi lần có chuyện rối ren.
* Sự thật về thất bại
Bất cứ khi nào thứ gì đó trục trặc, bất kể là chuyện làm ăn hay cái máy nướng bánh, thất bại gây ra cảm giác không chắc tiếp theo phải làm những gì.
Nhưng nhìn từ góc độ lưu tâm, “bất định tạo nên tự do khám phá ý nghĩa”. Thành công có thể làm ra tiền cho bạn, nhưng thất bại bắt bạn phải động não.
Với hầu hết các triệu phú tự thân, thất bại là suối nguồn cơ hội vì mỗi thất bại lại sản sinh ra một loạt kết quả khó ngờ đủ loại - nào những bài học, kinh nghiệm, các mối quan hệ - đến mức việc sàng sẩy đống tro tàn và xem có thể tạo ra được gì từ đó có lẽ là một thách thức đầy hấp dẫn.
Để có thể học hỏi từ những quyết định làm ăn sai hỏng, 7 trong 10 triệu phú tự thân nói rằng thay đổi quan trọng nhất chính là từ bên trong con người họ. Chưa tới 2% nói rằng họ gắng sức biến đổi hành vi của các đối tác.
Y học vẫn tiếp tục là một lĩnh vực từ chối học hỏi từ thất bại, vì, trước nhất và trên hết, nó từ chối ngay cả việc thừa nhận thất bại.
* Tin tưởng thất bại
Tin tưởng rằng thất bại là cần thiết đối với thành công, một niềm tin được chia sẻ trong giới triệu phú tự thân chứ không phải nhóm trung lưu, có thể chính là khám phá quan trọng nhất mà khảo sát của chúng tôi đã tìm ra.
Tác giả Russ Prince nói: “Tôi không nghĩ có điều gì bào chữa được việc gắng né tránh thất bại trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu anh gặp may, tôi cho là anh có thể vỗ ngực mà nói với người khác rằng anh không vấp ngã bao giờ, nhưng chắc hẳn anh chẳng có gì để chứng minh điều ấy”.
9. Nắm vững đời thường
Nghiên cứu của tôi cho tôi biết rằng có 4 lĩnh vực rộng trong các hoạt động thường nhật mà các nghiệp chủ thực hiện một cách hiệu quả và nhất quán hơn đa số mọi người.
Tôi gọi đó là bốn bước bao gồm: Tìm hiểu (Learning), Kiếm tiền (Earning), Hỗ trợ (Assistance) và Kiên định (Persistence). Hợp lại bốn từ này đọc là LEAP (Bước nhảy).
Nếu bạn muốn một danh sách hành động ngắn gọn để giúp bạn bắt đầu hành trình, hãy thử và đảm bảo là bạn luôn làm ít nhất một trong số những điều sau đây mỗi ngày:
Tìm hiểu xem bạn làm gì giỏi nhất.
Kiếm tiền ít nhiều từ đó.
Tìm Hỗ trợ trong những việc bạn không thạo lắm.
Vận dụng Kiên định vượt qua nỗi nghi ngờ bản thân.
Tôi đã phân bốn hạng mục này thành danh sách của riêng mình gồm 17 Tài trí làm giàu căn bản:
17 tài trí làm giàu căn bản là:
1/ Viết mục tiêu của bạn ra;
2/ Gắn bó với những gì bạn làm tốt nhất;
3/ Bám đuổi tiền bạc;
4/ Trèo lên bậc thang hàng có tiền;
5/ Tính toán con số;
6/ Bảo vệ lợi nhuận của bạn;
7/ Tận dụng tối đa ưu thế;
8/ Trù tính trước việc ly dị;
9/ Duy trì mạng lưới nhỏ và tập trung;
10/ Quản lý mạng lưới của bạn hướng lên trên;
11/ Xây dựng một nhóm;
12/ Tìm một huấn luyện viên;
13/ Làm bạn với thất bại;
14/ Hãy giữ sự thay đổi ở chính mình;
15/ Thử, thử, thử, thử nữa;
16/ Chớ trì hoãn;
17/ Tự tạo vận may cho mình.
Xin hãy nhớ đời thường là hay nhất. Thời gian và sự tập trung - hai nguyên liệu quý giá cho bất cứ loại công việc trí óc nào - được bảo toàn nguyên vẹn nhờ thành thạo thứ công việc đời thường nhất này.
Nhưng chớ sa lầy vào tình trạng tê liệt vì phân tích trước khi bạn bắt đầu. Tốt nhất là cứ khởi sự với những gì giản đơn và đời thường.
(PHƯƠNG THANH tóm tắt)