Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, khu vực doanh nghiệp có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Những năm qua, các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội. doanh nghiệp cũng chính là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải vật chất xã hội.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, vượt khó, tự lực, tự cường, nỗ lực thích ứng với hoàn cảnh khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm cho người lao động. Đồng thời, nêu cao tinh thần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, đồng hành, đóng góp với các địa phương trong phòng, chống dịch bệnh.
Nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19, từ khi dịch bùng phát vào đầu năm 2020, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch, đảm bảo mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, do biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh; các đợt dịch bùng phát khiến doanh nghiệp vốn dĩ đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Trong khi đó, nguồn dự trữ đang cạn kiệt dần, thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh, chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Sức sống của doanh nghiệp đang tiếp tục suy giảm. Theo đó, các chính sách, giải pháp cần nhanh, mạnh, kịp thời để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, “tiếp sức” cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị quyết dựa trên quan điểm, đảm bảo hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch và sản xuất, kinh doanh, theo tinh thần “chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch”. Trong triển khai thực hiện đảm bảo nguyên tắc “lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ” giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục đồng hành, chia sẻ, sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó có trách nhiệm tháo gỡ, giải quyết. Trường hợp vượt thẩm quyền, phải chủ động báo cáo cấp trên trực tiếp xem xét, xử lý; tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc trong sản xuất, kinh doanh với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất”, nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với khu vực doanh nghiệp.
Phát huy tính sáng tạo, chủ động trong việc áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh an toàn trong điều kiện đại dịch Covid-19. Trong hành động, luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đảm bảo hiệu quả, thực chất trong xử lý các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân.
Tập trung giữ vững các vùng an toàn dịch bệnh để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; ưu tiên thực hiện các cơ chế, chính sách, giải pháp kịp thời, hiệu quả để kiểm soát dịch Covid-19, ổn định sản xuất, kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, kiên quyết không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, chuỗi lao động.
Mục tiêu của Nghị quyết đưa ra là, sớm kiểm soát được dịch Covid-19 để khôi phục lại sản xuất, kinh doanh sớm nhất; hỗ trợ tháo gỡ kịp các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để giảm thiểu tối đa số doanh nghiệp tạm ngừng hoat động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, Nghị quyết đặt mục tiêu đến hết năm 2021, lũy kế khoảng 1 triệu doanh nghiệp, khách hàng được hưởng chính sách hỗ trợ ứng phó đại dịch Covid-19; khoảng 160.000 doanh nghiệp được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn giảm thuế, phí, tiền thuê đất; khoảng 50.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; hàng trăm nghìn doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách hỗ trợ về giảm tiền điện, nước, cước viễn thông, chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, đào tạo lao động…
Nhằm đạt được mục tiêu trên, theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ quyết nghị 4 nhóm giải pháp bao gồm: 1. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh; 2. Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng; 3. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp; 4. Về vấn đề lao động, chuyên gia, dự thảo Nghị quyết đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất chính sách linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng, phù hợp với diễn biến đại dịch Covid-19, với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm… |