Thương vụ Việt Nam tại Algeria cho biết, Algeria hiện phải nhập khẩu cà phê, hạt tiêu, hạt điều... để phục vụ cho tiêu dùng trong nước do không sản xuất được. Ước tính mỗi năm Algeria nhập khẩu khoảng 130.000 tấn cà phê hạt, trị giá khoảng 300 triệu USD, chủ yếu là dạng hạt thô, sau đó chế biến theo thị hiếu của người Algeria.
Trong năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 56.545 tấn cà phê sang Algeria, kim ngạch đạt 99,68 triệu USD, tăng 6,3% về khối lượng, nhưng giá trị lại giảm khoảng 1 triệu USD. Cà phê Robusta là chủng loại Algeria nhập khẩu khối lượng lớn nhất, chiếm tới 85%. Đây cũng là chủng loại cà phê Việt Nam sản xuất nhiều nhất (chiếm 90% tổng sản lượng). DN cà phê của Việt Nam quan tâm đến thị trường Algeria có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu.
Đối với hạt tiêu, hạt điều, thị trường Algeria trung bình mỗi năm nhập khẩu trị giá khoảng 40 triệu USD (hạt tiêu 30 triệu USD, điều 10 triệu USD), chủ yếu là hạt tiêu đen và điều nhân. Mỗi năm Algeria cũng nhập khoảng 100.000 tấn gạo, 32.000 tấn thủy sản (cá tra phile, mực và tôm bóc vỏ) và một số loại thực phẩm khác.
Thương vụ Việt Nam đánh giá khả năng thanh toán của các đối tác nhập khẩu của Algeria là tương đối tốt. Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố tiềm năng, cơ hội mở thì xuất khẩu sang Algeria cũng có những yếu tố bất lợi, đòi hỏi DN phải có kế hoạch khai thác thị trường này một cách hợp lý mới có hiệu quả. Nguyên nhân bởi Algeria chưa phải là thành viên WTO nên thuế quan nhập khẩu rất cao, bình quân khoảng 30%, thuế VAT khoảng 19%. Chẳng hạn, tổng mức thuế, phí nhập khẩu đối với điều nhân hiện nay (đây là sản phẩm tiêu dùng xa xỉ tại Algeria do mặt bằng thu nhập không cao) lên đến 83%; cà phê 63%; thủy sản 53%; gạo cũng có mức thuế 5% (áp dụng với Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan, Argentina), chưa kể nhiều mặt hàng phải chịu các loại thuế nội địa từ 30-200%.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Algeria tăng khoảng 8% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 59,8 triệu USD.
Xuất khẩu hàng hóa sang Algeria, DN Việt Nam cũng phải cạnh tranh quyết liệt với hàng hóa cùng loại từ các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và các nước có FTA với Algeria. Ngôn ngữ sử dụng giao dịch, trên nhãn mác, bao bì phải là tiếng Ả Rập và tiếng Pháp. Đó là chưa kể do khoảng cách địa lý, giá cước vận chuyển vào Algeria khá cao, nông sản thô khó bảo quản.
Ông Hoàng Đức Nhuận - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Algeria khuyến nghị DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này nên tìm kiếm đối tác qua các kênh thông tin chính thức của hai bên, hoặc trên cổng thông tin thị trường nước ngoài của Bộ Công Thương.
Khi chào hàng cần sử dụng văn bản có đóng dấu, có đủ thông tin liên hệ kèm theo catalogue (ấn phẩm giới thiệu sản phẩm); đưa ra mức giá đàm phán hợp lý do thuế nhập khẩu vào thị trường này khá cao. Bao bì, nhãn mác phải ghi rõ thương hiệu, tên mặt hàng, trọng lượng tịnh, xuất xứ và các thông tin liên quan.
Nên lựa chọn phương thức thanh toán L/C có xác nhận của ngân hàng và đề nghị đối tác đặt cọc ít nhất 25% để đảm bảo tính an toàn, hạn chế rủi ro bị lừa đảo. Trước khi giao dịch cần xác minh kỹ đối tác, chú ý tới giấy phép kinh doanh, mã số thuế và thông tin ngân hàng của đối tác. Hàng hóa liên quan đến sức khỏe như thực phẩm, hóa chất, dược phẩm, đồ uống, mỹ phẩm... khi xuất khẩu vào Algeria, trên nhãn mác cần phải có thêm các thông tin về ngày hết hạn, thành phần của sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Tư vấn Xuất khẩu Nguyễn Anh Group, khi xuất khẩu sang Algeria, nên tiếp xúc trực tiếp với thị trường, đối tác để giới thiệu sản phẩm thì cơ hội thành công sẽ cao hơn. Trước khi xuất khẩu, cần phải nghiên cứu kỹ tiềm năng thị trường rồi lập kế hoạch khai thác một cách hợp lý nhất, phù hợp với năng lực kinh doanh của DN.