ESG là tên viết tắt tiếng Anh Environmental - Social - Governance (môi trường - xã hội - quản trị). Bên cạnh việc đánh giá hiệu quả tài chính, ngày càng nhiều nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân nhấn mạnh việc xem xét doanh nghiệp có đạt các tiêu chí ESG trước khi quyết định đầu tư, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Về cơ bản, ESG dựa trên ba trụ cột với hàng chục chỉ tiêu cụ thể mà các công ty phải đáp ứng. Thứ nhất là tiêu chí môi trường, gồm biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm, thiết kế thân thiện sinh thái, đổi mới sáng tạo. Thứ hai là xã hội, gồm sức khỏe lao động, an toàn, sự đa dạng, quan hệ cộng đồng, từ thiện. Thứ ba là quản trị, gồm quyền cổ đông, cơ cấu thành phần và sự đa dạng của hội đồng quản trị, lương ban quản trị, gian lận và hối lộ.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và các doanh nghiệp thành viên đã kiên trì theo đuổi các tiêu chuẩn ESG suốt nhiều năm qua. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) bắt đầu quảng bá ESG đến 37 quốc gia thành viên từ năm 2017. Từ năm 2018, Liên minh châu Âu (EU) đã tích cực theo đuổi một chương trình tài chính bền vững gắn với biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Các quốc gia G7 cũng đang tiến tới thực hiện ESG.
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh hơn xu hướng này, khiến chiến lược đầu tư chuyển dịch sang ESG thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống. Theo Morningstar (công ty nghiên cứu đầu tư của Mỹ), năm ngoái các Quỹ ESG thu hút dòng tiền gấp đôi so với một năm trước đó. Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo tốc độ gia tăng tài sản tại các quỹ ESG sẽ nhanh hơn trong năm 2021, nhất là khi Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ đã thực hiện chương trình nghị sự bảo vệ môi trường. IIF cũng chỉ ra rằng, 80% chỉ số chứng khoán của các quỹ tuân thủ tiêu chí ESG vượt các chỉ số của các quỹ không tuân thủ ESG trong các đợt bán tháo do đại dịch.
Tại Việt Nam, IFC (Công ty Tài chính Quốc tế) đã bắt đầu truyền thông rộng rãi khái niệm ESG từ cách đây 10 năm. Quỹ Tundra Frontier cũng tập trung vào đầu tư ESG ngay từ khi thành lập, trong khi Quỹ Dragon Capital đã cải tiến chính sách ESG và phát triển khung đánh giá ESG dành cho các công ty niêm yết từ năm 2015. Mới đây nhất, Quỹ AFC Vietnam Fund thông tin sẽ bắt đầu áp dụng 8 tiêu chí ESG để đánh giá cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp kể từ năm 2021. Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã đưa ra chỉ số phát triển bền vững Việt Nam (Substainability Index - VNSI) vào tháng 7/2017 nhằm chọn ra 20 doanh nghiệp có thực hành ESG tốt nhất.
Thực tế là rất khó để các nhà đầu tư bình thường đo lường khách quan mức ESG của một công ty. Do đó, cần dựa vào các tổ chức đáng tin cậy để xếp hạng ESG. Dù vậy, việc thông qua báo chí, truyền thông cũng phần nào giúp nhà đầu tư có thêm góc nhìn về hoạt động của các doanh nghiệp vi phạm tiêu chí ESG.
Như cách đây vài năm, các quỹ đầu tư đã rút khỏi một doanh nghiệp tiếng tăm vì vi phạm về bảo vệ môi trường khi phá rừng. Hay gần đây hơn là xôn xao việc một số doanh nghiệp tận dụng dịch Covid-19 để nâng giá hàng hóa cũng có thể mang lại cái nhìn thiếu thiện cảm cho xã hội và ảnh hưởng đến quan hệ cộng đồng. Thực tế là giá cổ phiếu của doanh nghiệp này sau đó đã giảm sàn vì bị bán tháo sau những thông tin tiêu cực trên.
Trong bối cảnh đại dịch hiện nay, việc có nhiều doanh nghiệp hoạt động theo tiêu chuẩn ESG, trong đó đề cao sự chia sẻ càng thật sự cần thiết. Dù kinh doanh vì lợi nhuận là mục tiêu xuyên suốt vì những áp lực từ cổ đông, nhưng rõ ràng doanh nghiệp cũng phải xem trọng mối quan hệ với khách hàng và những đóng góp cho xã hội, nhất là trong những thời điểm như hiện nay.
Trong khi nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề vì phải giãn cách xã hội, thiết nghĩ các công ty không nên chăm chăm vào lợi nhuận mà nên có những chính sách nhân văn, khi đó mới có thể “đắc nhân tâm”, tăng thêm sự gắn bó của khách hàng và cộng đồng.