Chùa không có sư trụ trì, chỉ một vị cao niên hiền lành coi sóc, dân trong làng đề cử. Ông tụng kinh hằng đêm, thỉnh chuông hai bận khi chiều tối và sáng sớm. Dân làng lắng nghe chuông chùa để thức dậy ra đồng vì hồi ấy hiếm nhà nào có đồng hồ.
Ngày rằm hằng tháng, mẹ tôi thường cắm hoa vào bình và nấu xôi, chè cúng Phật. Tôi còn nhớ hoa chỉ đơn giản là hoa phượng vàng, hoa mẫu đơn trồng trước sân nhà, có chi tốt nấy. Nấu xôi, chè thì dùng của nhà, không phải mua. Chỉ một sào nếp là đủ gói bánh, thổi xôi mỗi khi trong nhà giỗ kỵ.
Trước sân, ba tôi làm cái giàn vuông vức bằng tre cho những cây đậu ngự leo. Mỗi sáng sớm, sau khi tưới cho cây vài gàu nước giếng, ba lấy cái ghế cao đứng lên hái những trái đậu ngự đem phơi thật khô rồi bóc lấy hạt, đong từng lon để dành trong hũ sành.
Khi nấu chè, mẹ ngâm đậu ngự trước một đêm với nước ấm rồi bóc sạch vỏ, cho vào nồi, đổ nước xâm xấp, hầm với lửa nhỏ khoảng nửa giờ thì tắt bếp, vẫn đậy kín nắp để đậu tự mềm. Đổ hết nước cũ đi, cho nước mới vào, cũng xâm xấp mặt đậu và nấu khoảng nửa giờ nữa. Mẹ cho đường phèn và nước vào một cái nồi khác đun cho đường tan, xên vào nồi đậu ngự, đun thêm một lúc. Mẹ múc chè ra từng chén, xôi thì đơm ra dĩa, bảo tôi dâng lên bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên, bàn thờ thiên, trang thờ ông táo, thần tài. Sửa soạn đã xong cũng vừa lúc ba tôi vác cày, đánh trâu về tới nhà. Ông tắm rửa, mặc áo dài đen, chít khăn đóng, thắp hương khấn vái các nơi. Đêm rằm, trăng mùa hạ sáng vằng vặc. Tôi cùng các bạn trong xóm chơi trốn tìm, chờ cúng xong.
Vào những ngày Hè nắng nóng, gió nồm Nam oi bức mà có một chén chè đậu ngự để ăn thì quả là tuyệt vời.
Sau ngày giải phóng, ba mẹ tôi hiến thửa ruộng nếp “tư điền” để xây trường mẫu giáo trong làng, tôi không biết bắt buộc hay tự nguyện. Rồi ba mẹ không còn sức lao động. Tôi lên thành phố học. Không còn ai chăm sóc, giàn đậu ngự héo khô dần.
Cuối năm đó tôi về thăm nhà. Nghe kể ông già trụ trì chùa làng đau yếu đã qua đời, giữa một đêm Đông giá rét.