Văn hóa DN là "vũ khí” để DN trường tồn
Chia sẻ tại Hội nghị Triển khai Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam khu vực Tây Nam Bộ tại Đồng Tháp ngày 19/4/2022 vừa qua, với tư cách là diễn giả tại tọa đàm, ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn khẳng định: "Thương hiệu DN là kết tinh của chất lượng sản phẩm và văn hóa DN. Một thương hiệu tốt không chỉ là tài sản của DN, mà còn là tài sản quốc gia. Quốc gia có nhiều thương hiệu uy tín thì thương hiệu quốc gia cũng được nâng tầm uy tín. Thực tế cho thấy, có sự tương tác mạnh mẽ giữa thương hiệu quốc gia với thương hiệu DN và văn hóa DN. Và điều đáng mừng là nhiều năm qua, nhiều DN Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc xây dựng và hình thành văn hóa trong kinh doanh, tạo nên những thương hiệu Việt Nam mang tầm quốc tế”.
Dẫn ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc diễn ra vào ngày 24/11/2021: "Văn hóa còn là dân tộc còn. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc", ông Trần Hoàng diễn giải: "Văn hóa DN là văn hóa được xây dựng và gìn giữ trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của mỗi DN, được xem là truyền thống riêng của DN, tạo nên sự khác biệt giữa các DN và từng nền văn hóa khác nhau. Nếu như cơ sở vật chất là "phần xác" thì văn hóa chính là "phần hồn" của DN và nó là một tài sản vô hình tạo nên sức mạnh lớn cho DN.
Ông Hoàng cũng nhấn mạnh: "Trong thời đại hội nhập và cạnh tranh thế giới gay gắt, DN muốn phát triển bền vững thì trước hết phải tồn tại và văn hóa DN chính là "vũ khí” quan trọng giúp DN không chỉ tồn tại mà còn phát triển bền vững và tạo được uy tín, sự gắn kết giữa DN và người lao động. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, rất nhiều DN khó khăn nhưng đã thể hiện rõ văn hóa chia sẻ, trách nhiệm, văn hóa kinh doanh vì cộng đồng, vì người lao động...
Ông Trần Hoàng, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh và các diễn giả tham gia tọa đàm |
Chính vì vậy, dù dịch bệnh nguy hiểm nhưng nhiều nhà máy vẫn kiên trì hoạt động, công nhân vẫn đến nhà máy, người dân vẫn có lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu để yên tâm chống dịch. Thậm chí, có những DN phải giảm lương, đóng cửa nhưng nhân viên vẫn một lòng đi cùng DN. Đó chính là giá trị văn hóa mà mỗi DN Việt Nam đã tạo dựng được. Bên cạnh đó, các DN này còn thể hiện rõ sự minh bạch và trung thực, từ đó giúp DN có thêm niềm tin của người dùng.
Như vậy có thể nói, DN nào xây dựng tốt văn hóa thì sẽ giúp cho DN ấy vượt qua khó khăn khi gặp khó khăn và phát triển trường tồn khi DN đang phát triển. Làm thế nào để xây dựng văn hóa DN Việt Nam khác với văn hóa DN các nước với bản sắc rất Việt Nam là nội hàm mà DN Việt Nam nên chú ý xây dựng.
Xây dựng văn hóa DN - Bài học từ doanh nhân Nhật Bản
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh - Tổng giám đốc Dale Carnegie dẫn chứng hình ảnh của những thương nhân Omi Shonin từ khoảng thế kỷ XV-XIX. Khởi xướng từ 100 thương nhân nhỏ lẻ ở vùng Omi, Nhật Bản, họ mang những sản phẩm vùng đất của mình sang vùng đất khác của Nhật Bản để có thể chào bán và sau những chuyến đi ấy, họ lại mang những sản phẩm, đặc sản của những vùng đất khác về.
Những thương nhân này hiểu để có thể bán được hàng hóa thì họ phải tạo ra rất nhiều mối quan hệ tốt đẹp với các vùng tỉnh khác, vừa đóng góp cho cộng đồng và tạo ra những thay đổi tích cực cho những vùng đất họ đã đến hợp tác. Và Omi Shonin đã trở thành niềm tự hào của Nhật Bản, tạo ra được một văn hóa kinh doanh mang đặc sắc riêng của Nhật Bản. Văn hóa đó gọi là văn hóa Sanpo Yoshi mà triết lý cốt lõi của nó đó chính là sự hài lòng ba chiều.
Để xây dựng văn hóa kinh doanh, họ đã xây dựng triết lý kinh doanh dựa vào ba chữ "tốt": tốt cho người bán; tốt cho người mua và tốt cho cộng đồng, xã hội xung quanh.
Triết lý kinh doanh cốt lõi này sau này được các tổ chức thế giới như Liên Hiệp Quốc đề xuất trong những mô hình được gọi là phát triển bền vững (Sustainable Development), CSR (Corporate Social Responsibility), CSV (Corporate Shared Value). Và đây cũng là một trong những bí quyết giúp các DN Nhật Bản trường tồn.
Năm 2008, có một ngân hàng trung ương Hàn Quốc làm một cuộc khảo sát cho thấy, trong số 33.000 công ty có tuổi đời trên 10 năm thì Nhật Bản chiếm hơn 40% và xét đến 500 năm thì Nhật Bản hầu như chiếm gần hết toàn bộ số đó với 140 công ty và hơn 19 công ty có tuổi thọ hơn 1.000 năm.
Năm 1960, tuổi thọ trung bình của các công ty S&P 500 lúc đó vào khoảng 60 năm nhưng đến bây giờ chỉ còn 16 năm. Vậy chúng ta có thể thấy việc tồn tại 50 năm hay 100 năm không chỉ là một nỗ lực, mà còn rất nhiều yếu tố then chốt khác tạo nên sự thành công bền vững này. Đối với những DN Nhật Bản lâu đời, được gọi là Shinise, bí quyết của họ là có 4 thành tố rất quan trọng. Đó là luôn tôn trọng truyền thống. Họ tôn trọng những giá trị truyền thống của Nhật Bản cho nên hầu hết mô hình kinh doanh của họ đều đại diện cho niềm tự hào của quốc gia, của dân tộc Nhật Bản. Họ đặt yếu tố ổn định lên đầu. Kinh doanh với mục đích cao hơn đạt được tăng trưởng và lợi nhuận.
Đặc biệt, yếu tố kế thừa mang tính quyết định trong các DN Shinise. Luôn có sự truyền thừa và gìn giữ cốt lõi kinh doanh, giá trị độc đáo qua nhiều thế hệ trong các DN này. Và cuối cùng là tôn trọng đối tác và luôn giữ uy tín trong mọi hành động và xem khách hàng là thượng đế đúng nghĩa. Tôn trọng và lắng nghe nhu cầu của đối tác để có thể tạo ra sự hợp tác mà tất cả các bên đều có lợi.
Báo cáo phát triển bền vững của các công ty S&P 500 từ năm 2011-2019 cho thấy, số lượng các công ty S&P 500 tham gia vào báo cáo phát triển bền vững gia tăng mạnh mẽ, từ 20% năm 2011 đến năm 2019 đã có đến 90% các công ty này tham gia vào các báo cáo phát triển bền vững. Chứng tỏ việc DN phát triển bền vững, quan tâm đến DN và những người xung quanh không phải là một xu thế mà là một điều kiện tiên quyết buộc phải có cho sự phát triển trường tồn.
Một điều nữa đó là nhiều công ty, hơn 200 công ty trong 500 này họ đã tham chiếu vào các chỉ tiêu và mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc đề ra cho các quốc gia thành viên để họ có thể phát triển những mục tiêu phát triển riêng cho họ trong những năm tới. Đây cũng là một trong những định hướng rất quốc tế phù hợp với định hướng toàn cầu hóa nhưng lại dung hòa và phát huy được tính chất nội địa, có chiến lược phát triển mang bản sắc riêng của DN.
Trong bức thư của Bác Hồ gửi cho giới công thương Việt Nam vào ngày 13/10/1945, khi kêu gọi giới công thương hãy gia nhập vào "Công thương cứu Quốc đoàn" để hỗ trợ đóng góp cho đất nước. Bác đã viết rằng: "Việc nước, việc nhà bao giờ cũng phải đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng". Lời dạy của Bác nêu bật sứ mệnh cao cả trong sự nghiệp làm giàu của giới công thương, làm kinh doanh cũng là làm những việc ích nước lợi dân, cần có đạo đức, văn hóa kinh doanh và trách nhiệm đối với xã hội.
Trước đó, câu chuyện về người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam - Lương Văn Can cũng đã nói rằng: "Nhà buôn cần phải có thương đức và thương tài thì mới có khả năng cạnh tranh được với tư bản thế giới" và 4 triết lý cốt lõi của đạo kinh doanh phải là: kinh doanh chính là phụng sự xã hội; kinh doanh phải minh bạch và chính đáng; cần kiệm là cái đạo lớn của người kinh doanh; sử dụng đồng tiền để phục vụ lại xã hội.