Xây dựng trường ĐHKN: Bắt đầu từ chương trình đào tạo
Việc xây dựng và phát triển trường đại học khởi nghiệp cần thay đổi thực chất, bắt đầu từ chương trình đào tạo. Khi đào tạo cần ưu tiên tích hợp kiến thức đa ngành và bám sát nhu cầu của thị trường lao động trong 5-10 năm tới.
Đại học khởi nghiệp: Cần thực chất, tránh phong trào
Đại học khởi nghiệp là “cái nôi” đào tạo ra lớp nhân lực có tư duy tốt về khởi nghiệp, có khả năng đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, từ đó đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Chính vì vậy, các trường cần triển khai tốt hai nhiệm vụ cơ bản là đào tạo và nghiên cứu trước khi tiến tới xây dựng mô hình đại học khởi nghiệp.
Với các trường đang tiến tới xây dựng mô hình khởi nghiệp, cần xác định hướng đi đúng để đảm bảo thực chất, tránh phong trào, tích cực tham khảo những mô hình thành công trên thế giới để áp dụng phù hợp với thực tế tại từng trường. Do xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là bước đi bền vững trong lộ trình phát triển thành đại học đa ngành, từ năm 2019, lãnh đạo Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) đã có những chuyến tham quan mô hình hoạt động của các trường đại học tiên tiến ở Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, từ đó đã lựa chọn những mô hình tốt để tham khảo khi triển khai thực hiện tại Trường, điển hình là xây dựng Viện Đổi mới sáng tạo UEH (UII) nhằm triển khai kế hoạch hỗ trợ sinh viên, giảng viên.
Việc xây dựng và phát triển trường đại học khởi nghiệp cần những thay đổi từ thực chất, trong đó có việc đổi mới chương trình đào tạo.
Chương trình đào tạo cần tích hợp đa ngành
Chỉ một môn học không thể tạo dựng được tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Do đó, khi xây dựng chương trình đào tạo phải phù hợp định hướng đại học khởi nghiệp, các trường cần hoạch định hướng đi bền vững thông qua việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cùng với phát triển chuỗi chương trình đào tạo mà ở đó sẽ truyền tải ý thức, năng lực, văn hoá khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho người học.
Hiện nay, khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, cùng với việc xã hội có nhiều yếu tố bất định, nhu cầu của thị trường lao động dễ dàng thay đổi trong một khoảng thời gian ngắn. Một kiến thức chuyên sâu không thể giải quyết được một vấn đề mà cần có sự hội tụ và tích hợp bởi nhiều kiến thức, từ kinh tế, quản lý, kỹ thuật, công nghệ và cả nghệ thuật. Khi xây dựng các chương trình đào tạo, đối với kiến thức chung, cần phải hướng tới những kỹ năng cần thiết của người lao động, có thể kể đến như tư duy thiết kế, khoa học dữ liệu, kỹ năng mềm, kỹ năng am hiểu và phát triển bền vững, tâm lý học… và chắc chắn là phải có kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Để từ đó, trường đại học trang bị cho sinh viên hành trang vững chắc, giúp sinh viên dễ dàng thích ứng được với các yêu cầu của thị trường lao động đầy biến động trong tương lai gần.
Các trường nên coi một chương trình đào tạo giống như cách doanh nghiệp làm ra sản phẩm. Khi xây dựng và đổi mới, cần dự báo được nhu cầu của thị trường lao động trong thời gian từ 5-10 năm tới. Đây là bước quan trọng mà các trường không thể bỏ qua để đảm bảo chương trình được cập nhật, luôn có tính mới và phù hợp với yêu cầu của môi trường, xã hội nhiều biến động.
Cần thí điểm những chính sách hỗ trợ đại học khởi nghiệp
Nhìn vào vấn đề xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo, có thể thấy cơ chế tự chủ đại học hiện nay đã tạo thuận lợi hơn cho các trường. Cụ thể, việc này thuộc quyền tự chủ của các trường, miễn là đảm bảo đúng quy định, công khai, minh bạch thông tin, cam kết với người học về chuẩn đầu ra của những chương trình này. Đây là ưu điểm lớn so với thời điểm cách đây 10 năm. Các yếu tố như cơ sở vật chất, con người, tầm nhìn chiến lược… hoàn toàn trong khả năng đáp ứng của các trường đại học khi cần xây dựng hoặc đổi mới chương trình đào tạo.
Nhìn tổng thể vấn đề xây dựng và phát triển đại học khởi nghiệp, bên cạnh nhiều thuận lợi nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian qua, vẫn còn một số vướng mắc mà các trường đang đối mặt. Điển hình, một số trường đã và đang phát triển sản phẩm khoa học - công nghệ có khả năng thương mại hoá nhưng không thể giao cho doanh nghiệp bên ngoài sản xuất, kinh doanh mà bắt buộc phải thông qua một doanh nghiệp spin-off (pháp nhân độc lập được thành lập bởi một tổ chức mẹ để khai thác tài sản trí tuệ) điều hành bởi lãnh đạo nhà truờng. Tuy nhiên, Luật Viên chức quy định những người quản lý trong các viện, trường công lập thì không được tham gia điều hành doanh nghiệp. Một số vướng mắc trong quy định sử dụng nguồn tài sản công để thực hiện, thương mại hóa kết quả nghiên cứu cũng cần được xem xét thay đổi cho phù hợp với bối cảnh mới.
Thời gian tới, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế sở hữu trí tuệ, cơ chế thương mại hóa sản phẩm, những chính sách ưu đãi cho giai đoạn từ ý tưởng khởi nghiệp đến khi hình thành dzoanh nghiệp startup, cơ chế về liên kết hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… Những cơ chế này nên được thí điểm tại một số đại học tiêu biểu, sau đó điều chỉnh hợp lý và áp dụng rộng rãi. Từ đó, các trường sẽ được tiếp thêm động lực trong quá trình hướng tới xây dựng, phát triển mô hình đại học khởi nghiệp tại Việt Nam.
(*) Phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM
Khánh Hưng (lược ghi)