Xây dựng giá trị bền vững trong doanh nghiệp trẻ

Mỹ Huyền| 12/02/2021 01:00

Vượt lên trên các mô hình kinh doanh và tư duy truyền thống, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang có nhiều đột phá để tạo dựng cơ nghiệp. Trò chuyện với các doanh chủ này mới thấy giá trị họ quan tâm nhất không chỉ là sự bền vững của doanh nghiệp mà còn là trách nhiệm với xã hội...

Huỳnh Công Thắng - người sáng lập Tổ chức Giáo dục Lead The Change (LTC): "Giúp người trẻ để họ giúp lại cộng đồng là giá trị khó lụi tàn theo thời gian"

Anh-Huynh-Cong-THang-4593-1612338644.jpg

Ngày cuối cùng của tháng 12/2020, một cô sinh viên đã gửi thư đến LTC bày tỏ cám ơn. Cô đặc biệt gửi lời cảm ơn tới anh Huỳnh Công Thắng - người sáng lập LTC không vì lợi nhuận. Trong thư, cô viết: "Nhờ chương trình Lead The Change Exchange Trip tại Singapore mà tôi đã có những kỹ năng, tư duy hội nhập trong thời đại mới. Anh Thắng là một mentor "rất khó chịu" nhưng nhờ anh mà tôi đã tiến gần hơn với mục tiêu mong muốn". 

Từ năm 2016, nhiều bạn trẻ biết đến  Huỳnh Công Thắng như là một mentor và chuyên gia tư vấn cho nhiều chương trình khởi nghiệp. Là người sáng lập và CEO của Công ty Tư vấn VICGO, anh đã truyền lại kinh nghiệm khởi nghiệp cho các bạn trẻ tại LTC và một số tổ chức không vì lợi nhuận khác như vườn ươm khởi nghiệp InnoLab Asia - nơi anh đồng sáng lập. Nhờ những đóng góp cho giáo dục và công nghệ tại các cơ sở đổi mới sáng tạo này mà anh đã nhận được giải thưởng Edutech Leadership 2017 tại Đại hội Edutech toàn cầu ở Mumbai, Ấn Độ. Năm 2018, anh là người Việt Nam duy nhất được chính phủ Israel mời tham gia chương trình đào tạo về "tư duy thiết kế và đổi mới sáng tạo" cùng với 28 lãnh đạo doanh nghiệp trẻ ở 22 quốc gia khác. 

Huỳnh Công Thắng tâm đắc với lời nói của bà Mary Tarnowka - Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM rằng: "Bạn không thể kiểm soát sự thay đổi trên thế giới trong tương lai nhưng bạn cần biết cách dẫn dắt sự thay đổi của chính mình". Vì thế mà theo Thắng, để giúp người trẻ "dẫn dắt sự thay đổi" là giúp họ thay đổi tư duy, nhằm tạo thêm cơ hội để phát triển chính mình. 

5435345345-4204-1612338644.jpg

Thắng quan niệm, muốn biết một quốc gia có hùng cường hay không thì không cần phải nhìn vào sức mạnh quân sự hay những thành phố nguy nga, mà hãy nhìn vào nội lực của người trẻ ở đất nước đó. Một xã hội phát triển theo hướng tốt đẹp không phải xã hội có những người giàu nhất nhì trên thế giới, mà phải mang lại nguồn lực để phát triển cho nhiều người. Từ đó, họ có thể đóng góp trở lại cho cộng đồng. 

Thắng nói: "Bất kể sự cho đi nào từ tâm đều có giá trị. Mà cái tâm của một vài người thì đâu có đủ. Không phải cứ làm ông này bà kia, doanh thu vài tỷ đô mới làm từ thiện được. Chỉ cần chung tay có thể làm nên điều lớn lao. Vì vậy, chiến lược thay đổi tư duy của người Việt trẻ của tôi dựa trên nguyên tắc tích tiểu thành đại, như giọt nước nhỏ vào đá sau một vài tháng chưa có gì, nhưng sau nhiều năm, mặt đá sẽ có vết hằn".

Từng làm việc và tiếp xúc với nhiều môi trường, Thắng nhận thấy thế hệ trẻ (Millennials, Gen Z...) Việt Nam không hề kém cạnh về tài năng, trí thông minh với thế hệ trẻ ở các quốc gia phát triển. Khi lực lượng trụ cột tương lai này của đất nước được hỗ trợ, họ có thể tạo ra thay đổi khó mà hình dung được. Nhưng họ lại thiếu một nền tảng tư duy đa chiều, môi trường trải nghiệm thực tế để phóng tầm mắt ra xa. Môi trường để họ phát triển bản thân nhanh nhất và hiệu quả nhất không phải là sự an toàn trong chính ngôi nhà của họ, mà phải là môi trường có thể cọ xát với thế giới rộng lớn. 

Thắng cho biết đã "gõ cửa" nhiều công ty và tập đoàn ở một số nước để họ đồng ý cho các bạn trẻ Việt Nam đến học tập và trải nghiệm. Cuối cùng một số tổ chức ở Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines đã đồng ý hỗ trợ LTC đón một số người. Google APAC HQ, Facebook APAC HQ, AWS (Amazon Web Service), Singapore Airlines, Apple, Walton International, Siam Commercial Bank đã mở cửa cho 200 bạn trẻ từ Việt Nam đến trải nghiệm môi trường thực tế. 

Bản thân Thắng cũng phải làm mới mình trong môi trường quốc tế để có tư duy sáng tạo cố vấn cho một doanh nghiệp hay tại LTC. Thắng đã tham gia làm cố vấn của Quỹ Phát triển tư bản Liên Hiệp Quốc tại Malaysia, cố vấn Chương trình Khởi nghiệp của Đại học Quốc gia Singapore, chuyên gia tại diễn đàn doanh nghiệp vừa và nhỏ APEC tổ chức tại Đài Loan và cố vấn tại hội nghị ALLI Summit 2019 Tokyo tổ chức bởi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Nhật Bản... 

LTC luôn truyền tải tới thành viên thông điệp "Cho đi, đóng góp cho cộng đồng". LTC đã giúp thành viên triển khai chương trình gây quỹ cộng đồng Give It Back trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành. Give It Back đã quyên góp giúp các tổ chức hỗ trợ cộng đồng yếu thế (người già, trẻ em, người khuyết tật) để họ có tiền sinh sống. Give It Back còn phối hợp với Công ty Du lịch Hà Giang Trẻ ủng hộ 57 bồn nước cho đồng bào vùng cao nguyên đá Đồng Văn trong chương trình "Gửi nước về bản".

"Chúng tôi đang quyên góp để trồng thêm cây ở Vườn Quốc gia Bến Én (Thanh Hóa). Hiện nay, chúng tôi đã trồng được 1.000 cây xanh góp phần nhân rộng môi trường bền vững tại Việt Nam", Thắng chia sẻ.

Phan Hồng Minh - người sáng lập Công ty CP Phát triển dịch vụ nhà sạch HMC: "Góp phần thay đổi cuộc sống của phụ nữ Việt Nam"

Phan-Hong-Minh-1151-1612338644.jpg

Cuối năm ngoái, tổ chức phi chính phủ CARE International đã hợp tác với ứng dụng JupViec.vn (JV) của Công ty CP Phát triển Dịch vụ Nhà sạch HMC nhằm kết nối người giúp việc là những phụ nữ nông thôn di cư tìm kiếm việc làm tiếp cận dịch vụ tài chính chính thống.

Chọn hợp tác cùng JupViec.vn vì CARE International tin rằng doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ này có thể đem đến những giải pháp sáng tạo để tiếp cận nhiều người. JupViec đã giúp CARE tiếp cận 3.000 người lao động, trong khi 5 năm CARE làm thủ công mới tiếp cận được 100 người.   

JupViec.vn là nền tảng công nghệ đầu tiên và duy nhất trong lĩnh vực lao động phổ thông nhận được đầu tư từ Quỹ Đầu tư Nhật Bản CyberAgent Ventures. 

Phan Hồng Minh cho biết: "Ngay những ngày đầu thành lập, JV đã chọn sứ mệnh góp phần thay đổi cuộc sống phụ nữ nghèo ở nông thôn và phụ nữ bận rộn ở thành thị. Phụ nữ nghèo ở nông thôn thì cần có việc làm ổn định, môi trường làm việc an toàn và tử tế. Phụ nữ bận rộn ở thành thị thì cần được giải phóng khỏi công việc nội trợ, vệ sinh nhà cửa sau cả ngày làm việc ở công sở. Họ cần thời gian để chăm sóc gia đình và học tập, từ đó tạo ra những giá trị lớn hơn cho xã hội. Từ sứ mệnh ấy, tôi đã định hướng công ty tối ưu hóa công nghệ để kết nối người lao động tự do đến nguồn việc làm. Nguyên tắc đơn giản của chúng tôi là cứ làm những việc tốt, có ích cho xã hội và có lợi cho người dùng thì hiệu quả và lợi ích kinh tế sẽ đến, chứ không đặt nặng doanh thu ngay từ đầu".

Theo khảo sát của tổ chức CARE International tại Việt Nam, vào năm 2018, trong hơn 1.000 lao động khu vực phi chính thức tại Hà Nội thì có 50,4% lao động nữ di cư. Những người này đang phải vay mượn tiền để trang trải cuộc sống gia đình và kinh doanh nhỏ lẻ. 

Phan Hồng Minh đã làm việc trực tiếp với hàng nghìn nữ lao động giúp việc gia đình trong nhiều năm qua nên thấu hiểu gánh nặng tài chính mà họ phải gánh. Do đó, HMC đã hợp tác với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), tổ chức CARE tại Việt Nam, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt thực hiện chương trình Sáng kiến hỗ trợ tiếp cận dịch vụ tài chính và việc làm cho phụ nữ di cư (U-ME Capital) tại Việt Nam để giúp người lao động trong khu vực phi chính thức, những người khó tiếp cận dịch vụ ngân hàng chính thống. Cuối năm 2020, HMC đã nâng cấp ứng dụng JupViec.vn để giúp đối tác giúp việc của JV quản lý tài chính của mình. HMC đã nâng cấp và tích hợp API (Application Programming Interface) giữa ứng dụng JupViec.vn với Ngân hàng số LienViet24h để thực hiện chương trình này.

Theo đó, đối tác giúp việc của JV có thể mở tài khoản tiết kiệm, ứng trước thu nhập, nạp tiền điện thoại, thanh toán hóa đơn và các tiện ích khác. Nhờ đó, người lao động trong mảng giúp việc đã linh hoạt hơn trong việc kiểm soát tình hình tài chính của mình. 

JupViec.vn giúp tìm kiếm và kết nối đối tác giúp việc để thực hiện công việc từng lần hoặc từng buổi theo quyền lựa chọn và tại các thời điểm khác nhau. Đến nay, mỗi năm JV tạo ra hơn 2 triệu giờ làm việc để phục vụ hơn 100.000 gia đình, giải quyết công việc mưu sinh cho nhiều nữ lao động di cư tại Việt Nam. Sau 8 năm hoạt động, JV đã tạo việc làm giúp việc ổn định cho hơn 2.000 lao động phổ thông nữ, độ tuổi từ 30-50 tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương. 

"Dù lao động giúp việc làm theo thời vụ nhưng phải bảo đảm an toàn nên chúng tôi đã tổ chức đào tạo kỹ năng phòng chống quấy rối tình dục, kỹ năng xử lý tình huống, phòng chống cháy nổ cho họ. Để người giúp việc có thêm thu nhập và có tay nghề cao hơn, chúng tôi đào tạo họ những kỹ năng làm việc nhà trong môi trường hiện đại. Chúng tôi đã yêu cầu công ty dùng chất tẩy rửa an toàn cho sức khỏe người lao động và chủ nhà. Khi có mâu thuẫn phát sinh giữa người lao động và chủ nhà thì JV làm trung gian để giải quyết một cách công bằng, đảm bảo lợi ích cả hai bên. Trong đại dịch Covid-19, chúng tôi đã kết hợp với CARE tại Việt Nam kêu gọi sự hỗ trợ từ MasterCard hơn 1,6 tỷ đồng. Theo đó, gần 1.000 người lao động hợp tác với chúng tôi đã nhận được mỗi người từ 1,5-3 triệu đồng, phần nào giúp các chị vượt qua khó khăn", Phan Hồng Minh bộc bạch.

Vũ Anh Tú - đồng sáng lập Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội Hành trình các giác quan (Journey of The Senses - JOS): "Doanh nghiệp xã hội vẫn có thể đảm bảo lợi nhuận bền vững

Vu-Anh-Tu-6582-1612338644.jpg

Dù không phải là công ty công nghệ nhưng JOS đã đoạt được nhiều giải thưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2019, JOS nhận giải thưởng Hòa nhập cao do Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Hội đồng Anh tại Việt Nam trao tặng trong chương trình tìm kiếm, tôn vinh và lan tỏa các sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững Én Xanh. 

Theo đánh giá của bà Phạm Kiều Oanh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), mô hình JOS đang mang lại những tác động xã hội tích cực và cộng đồng người khuyết tật. JOS đã chứng minh được rằng một doanh nghiệp xã hội vẫn có thể đảm bảo lợi nhuận kinh doanh bền vững và mang lại nhiều việc làm cho cộng đồng. Đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản là một điểm cộng của JOS.

Bằng bốn mô hình chính, JOS đã tạo ra việc làm cho nhiều người khiếm thị và khiếm thính tại chuỗi nhà hàng, spa, cửa hàng hoa và tiệm cà phê. Nhà hàng Noir, nhà hàng Blanc, nhà hàng Đu Đủ Xanh, Là Hoa, Noir Spa và Noir, Cà phê In The Dark là nơi tạo việc làm cho nhóm người yếu thế này. Tại đây, khách sẽ cảm nhận về hoạt động trong bóng tối như người khiếm thị cảm nhận, hoặc giao tiếp với người khiếm thính qua ngôn ngữ ký hiệu cơ bản mà JOS cung cấp. Qua đó, khách thấy được khả năng người khiếm thị, khiếm thính làm việc hiệu quả ra sao. 

Vũ Anh Tú kể: "Tôi có dịp tìm hiểu về sự khó khăn của người khuyết tật khi họ tìm kiếm việc làm. Tỷ lệ bỏ học và thất nghiệp ở nhóm khiếm thị là hơn 90% và ở nhóm khiếm thính là hơn 65%. Cơ hội việc làm cho họ rất mong manh. Nhiều nơi sẵn sàng thu nhận trẻ mồ côi, trẻ em đường phố, phụ nữ dân tộc ít người, nhưng nhóm người khuyết tật lại bị bỏ qua vì còn khá nhiều định kiến về khả năng làm việc của họ. Ngay cả khi người khiếm thị hay khiếm thính có việc làm thì cũng bấp bênh vì rất dễ bị sa thải. Tiếp xúc nhiều với họ, tôi hiểu rằng họ cần việc làm để làm chủ cuộc sống chứ không cần người nâng đỡ. Quan trọng hơn, họ muốn được sự bình đẳng trong đối xử. Khi họ nuôi sống được bản thân hay gia đình sẽ giảm áp lực cho xã hội. Chúng tôi nghĩ rằng, muốn kinh doanh bền vững thì các mô hình trong JOS phải tăng trưởng bền vững. Do đó phải mang lại được giá trị cho khách hàng và tránh kinh doanh dựa trên lòng thương hại".

Điểm khác biệt của JOS là tương tác giữa người phục vụ và khách hàng được thiết kế sao cho khách hàng hiểu được hoạt động của người khuyết tật qua trải nghiệm dịch vụ. JOS đã đào tạo nhân viên bài bản như trong ngành nhà hàng khách sạn để họ làm tốt công việc của mình.

Người khuyết tật có nhiều khả năng làm việc nên cần có cơ hội được thể hiện. Chỉ cần giúp họ "chạm" - tiếp xúc nhiều hơn với dụng cụ, thì họ sẽ học rất nhanh. Do đó, JOS đã thiết kế các bài đào tạo dựa theo ngành nhà hàng, khách sạn nhưng chú trọng khả năng tiếp xúc với vật thể của họ. 

"Chúng tôi mong muốn tạo ra một môi trường mà ở đó người khuyết tật được đối xử bình đẳng và không ai bị bỏ lại phía sau. Vì vậy, người khiếm thị còn  được học ngoại ngữ để giao tiếp. Khi được trang bị đủ kỹ năng thì họ có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp hơn. Họ cũng được luân chuyển giữa những vị trí trong các mô hình của JOS để có kinh nghiệm làm việc phong phú hơn", Vũ Anh Tú chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng giá trị bền vững trong doanh nghiệp trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO