Một thế hệ “lost generation” vì Covid-19?

Thùy Chi| 28/09/2021 06:41

Cứ 2 người chết vì Covid-19 thì có 1 đứa trẻ đối mặt với việc mất cha, mẹ hoặc người chăm sóc” - TS. Susan Hillis thuộc Nhóm Ứng phó Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) chia sẻ.

Anh-1-3569-1632822086.jpg

Một em bé đang đứng trước bức tường tưởng niệm "Naming The Lost" ở nghĩa trang Green-Wood, Brooklyn, New York. "Naming The Lost" là hoạt động tưởng niệm những người đã mất vì Covid-19. Những “đài tưởng niệm” nhỏ như thế này được thực hiện ở nhiều địa điểm công cộng, nơi người dân có thể đến và dán lên đó tên. hình ảnh những người thân của họ đã qua đời vì Covid-19. Ảnh: Reuters

Susan Hillis cũng là người dẫn dắt mô hình nghiên cứu công bố vào 31/7 vừa qua trên The Lancet (tạp chí y khoa lâu đời, được đánh giá là một trong những tuần san y khoa uy tín nhất thế giới), về dự tính tối thiểu số trẻ em mồ côi vì Covid-19.

Theo số liệu từ nghiên cứu nói trên công bố, tính từ ngày 1/3/2020 đến 30/4/2021, có khoảng 1.134.000 trẻ đã mất ít nhất cha hoặc mẹ, hoặc cả hai so với 3 triệu ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu. Với những trẻ mất cha, mẹ, ông bà, hoặc người thân khác sống trong gia đình và là người chăm sóc trực tiếp, con số này là 1.562.000 trẻ.

Tính đến ngày 20/9 số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu đã lên đến 4,5 triệu người, cho nên số trẻ mồ côi vì Covid chắc chắn sẽ nhiều hơn những gì đã thống kê. Và bởi lẽ, nghiên cứu trên chỉ được thực hiện dựa trên số liệu tử vong và các số liệu liên quan của 21 quốc gia - những nơi tổng số ca mắc Covid-19 chiếm tới hơn 76% số ca mắc toàn cầu. Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia đến từ CDC, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Ngân hàng thế giới (The World Bank), Đại học College London và nhiều đơn vị khác.

Trong cơn khủng hoảng vì dịch bệnh, tất cả quốc gia đều đang tập trung vào hoạt động phòng ngừa, phát hiện và ứng phó. Phần lớn người mắc bệnh và tử vong đều là người trưởng thành nên các vấn đề liên quan đến trẻ em mãi cho đến gần đây mới được phát đi cảnh báo lo ngại.

Những nỗi đau từ hữu hình đến vô hình

Khi mất cha, hoặc mẹ, hoặc cả cha lẫn mẹ, hoặc mất người chăm sóc chính, đứa trẻ sẽ mất đi nguồn chu cấp tài chính, đảm bảo điều kiện phát triển cơ bản về sinh sống, học hành.

Shawez  (18 tuổi) sống ở thành phố Murad Nagar, Ấn Độ có em gái lên 9. Shawez đã sớm bỏ học để làm việc cùng cha của cậu tại các công trường xây dựng. Khi cha mẹ cậu có dấu hiệu nhiễm Covid-19 vào tháng 4, Shawez đưa họ đến gặp một bác sĩ địa phương. Bác sĩ đề nghị làm xét nghiệm và nhập viện nhưng do quá nghèo, cha mẹ của Shawez quyết định tự điều trị.

Link bài viết

Sống trong một căn nhà thuê lụp xụp, cha mẹ tự cách ly bên trong, anh em Shawez nằm ngoài hiên nhà. Bệnh tình trở nặng, vài ngày sau cha mẹ Shawez qua đời. Khi Shawez trở về nơi trọ, chủ nhà không cho anh em Shawez vào và nhắc đến khoản nợ tiền thuê nhà.

Hoàn cảnh của Shawez không phải là đơn lẻ. Trong đợt bùng phát dịch tại Ấn Độ vào tháng 4 vừa qua, tỷ lệ trẻ em mồ côi tăng gấp 8 lần so với tháng trước đó. Những đứa bé mồ côi phải sống dựa vào họ hàng. Những đứa lớn hơn một chút, tầm tuổi Shawez và nhỏ hơn một vài tuổi trở thành người chăm sóc, chỗ dựa cho các em.

Mất đi người thân luôn để lại cảm giác khó khăn. Nhưng với trẻ em, nỗi mất mát này dẫn đến những bất ổn, chấn thương tâm lý nặng nề. Em gái của Shawez ngày nào cũng gọi điện thoại cho mẹ và nói chuyện như thể mẹ vẫn còn sống. Bản thân Shawez cũng thường giật mình trong đêm khi nghe em gái nằm mơ gọi mẹ.

Vào năm 2018, các nhà khoa học của Đại học Y Pittsburgh (Mỹ) công bố nghiên cứu kéo dài 7 năm trên các thiếu niên trong độ tuổi từ 7 đến dưới 18 tuổi có cha mẹ qua đời đột ngột trong vòng 24 giờ. Nghiên cứu này ghi nhận sự gia tăng tỷ lệ trầm cảm và chấn thương tâm lý ở những trẻ em mất cha mẹ. Trầm cảm thường xảy ra trong khoảng 2 năm đầu sau khi đứa trẻ mất cha mẹ, và dễ thấy ở trẻ 12 tuổi trở xuống. Các dấu hiệu của ý định tự tử cũng tăng cao.

Theo GS. Robin Gurwitch, thuộc khoa Khoa học tâm thần và hành vi tại trường Đại học Y khoa Duke (Mỹ), Covid-19 không những gây mất mát và đau thương cho trẻ nhỏ mà còn tạo ra những ám ảnh tâm lý nặng nề. Khác với việc mất người thân do tuổi tác hay các bệnh tật thông thường, trẻ mất cha mẹ, người thân do Covid-19 vẫn tiếp tục nghe về dịch bệnh - nguyên nhân gây ra cái chết của cha mẹ chúng mỗi ngày. Nghĩa là, nỗi đau ấy không bao giờ được quên lãng.

Các biện pháp hỗ trợ tâm lý

Theo bà Tracey Boseley, người dẫn dắt chương trình Phát triển Quốc gia trong lĩnh vực Giáo dục của Child Bereavement UK (tổ chức hỗ trợ gia đình và đào tạo chuyên gia hỗ trợ trong tình huống gia đình mất người thân là trẻ em, hoặc trẻ em phải đối mặt với việc mất người thân), rất nhiều trường học đã gửi yêu cầu hỗ trợ đến tổ chức của bà để được hướng dẫn cách giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi vì Covid-19.

Bà Boseley tiết lộ, khoảng 20.000 giáo viên và nhân viên làm việc trong các trường học tại Anh đã tham dự những hội thảo về chủ đề này từ tháng 4/2020 đến nay.

Lời khuyên của bà Boseley cũng như hướng dẫn của nhà Tâm lý học lâm sàng Lisa Damour được UNICEF đưa trên website và các tài liệu truyền thông trên kênh facebook của họ ở nhiều quốc gia, là cần thường xuyên trò chuyện để giúp trẻ đối mặt mất mát.

Với mỗi độ tuổi khác nhau, phương thức trò chuyện cũng khác nhau.

Người lớn cần nói chuyện với trẻ bằng thái độ trung thực và đồng cảm. Trẻ dưới 5 tuổi có thể chưa hiểu được khái niệm “chết” là thế nào, vì thế người lớn cần tránh dùng những từ ngữ hoa mỹ khiến trẻ bối rối và không hiểu được điều gì thực sự đang diễn ra.

Trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 11 đã có thể hiểu được tình huống và cần được giải thích rõ ràng, trung thực.

Trẻ từ 12 đến dưới 18 là lứa tuổi phát triển cảm xúc rất phức tạp và dữ dội, vì vậy chúng cần được trấn an và vỗ về.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, dù là lứa tuổi nào, trẻ cũng đều có thể hình thành cơ chế phòng vệ cảm xúc, do đó, chúng luôn cần được quan tâm bằng tình yêu thương và sự kiên nhẫn.

Tiềm ẩn nguy cơ về tệ nạn xã hội

Trẻ sinh ra trong các gia đình nghèo/ quốc gia kém phát triển khi mất người chăm sóc đối mặt rất lớn với nạn buôn bán người và tảo hôn - những vấn nạn thường kéo theo tình trạng lạm dụng sức lao động trẻ em, lạm dụng tình dục, bạo hành tâm lý và thể chất.

Trước khi đại dịch xảy ra, đây vốn đã là vấn đề gây nhức nhối ở các quốc gia như Ấn Độ và Brazil. Trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số người tử vong cao nhất thế giới, đẩy nhiều trẻ mồ côi thành nạn nhân của các tệ nạn trên.

Khi dịch mới bùng phát, tính đến tháng tháng 9/2020, Ấn Độ ghi nhận 1.127 trẻ được giải cứu khỏi tay bọn buôn người, 86 kẻ buôn người bị bắt giữ. Hồi tháng 4 vừa qua, khi tỷ lệ người tử vong vì Covid-19 tăng đột biến, trên mạng xã hội nước này tràn lan thông tin tìm cha mẹ nuôi cho trẻ. Nhà chức trách Ấn Độ đã phải đưa ra cảnh báo về việc cho/nhận con nuôi tự phát là bất hợp pháp. Nguy cơ rất cao những đứa trẻ này sẽ trở thành nạn nhân của việc buôn bán người.

Với những trẻ đã mất cả gia đình, việc xem xét cấp giấy chứng tử của người thân - là giấy tờ cần thiết để được nhận trợ cấp cũng gặp nhiều khó khăn. Đưa trẻ đến các tổ chức từ thiện là lựa chọn sau cùng. Trước hết, trẻ sẽ được xem xét đưa đến gia đình họ hàng, nơi phần nào tình thân sẽ cho trẻ cảm giác gần gũi, được yêu thương.

Nếu trẻ không còn bất cứ người thân nào, bên cạnh việc đưa đến các tổ chức từ thiện, một lựa chọn khác là giao trẻ cho những người muốn nhận con nuôi. Tuy nhiên đây không phải giải pháp hiệu quả vì người nhận nuôi thường chỉ chọn trẻ nhỏ tuổi. Do đó, chính phủ và nhiều tổ chức tôn giáo, tổ chức phi lợi nhuận đã xắn tay vào hỗ trợ.

Tại Ấn Độ, nơi có số ca tử vong cao thứ 2 trên thế giới, nhiều bang thông báo về khoản trợ cấp từ 7 - 68 USD mỗi tháng cho mỗi trẻ mồ côi, cùng những cam kết về thực phẩm và giáo dục miễn phí. Thủ tướng Narendra Modi từng tuyên bố sẽ "đảm bảo cuộc sống có phẩm giá và cơ hội" cho trẻ em.

Brazil, nước đứng thứ 3 trên thế giới về tỷ lệ người nhiễm và tử vong vì Covid-19 với tổng số 21,3 triệu ca mắc và hơn 594.000 ca tử vong. Số trẻ mồ côi do Covid-19 ở Brazil trong một thời gian ngắn đã lên đến hơn 130.000 trẻ, khiến chính quyền nước này lúng túng trong việc hỗ trợ.

Chính phủ Brazil sẽ hỗ trợ thực phẩm cho các gia đình họ hàng nhận nuôi trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Một số địa phương như bang Maranhão, chính quyền trợ cấp 100 USD mỗi tháng cho những gia đình nhận nuôi trẻ mồ côi vì Covid-19 đến khi đứa trẻ 18 tuổi. Tuy nhiên không phải địa phương nào cũng đủ khả năng chi trả những khoản trợ cấp như vậy.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều lo ngại khi sự quan tâm rơi dần theo thời gian, những đứa trẻ mồ côi vì Covid-19 sẽ một lần nữa bị bỏ rơi. Và với số trẻ mồ côi không ngừng tăng lên, khi con số hiện tại đã vượt hơn 1,5 triệu trên toàn cầu, trong khi Chính phủ các nước đang phải vật lộn với nhiều vấn đề trong đại dịch, từ cứu người, nghiên cứu vaccine, thuốc chữa trị cho đến đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi kinh tế, đâu mới là tương lai cho trẻ mồ côi vì Covid-19?

Có hay không, một thế hệ “lost generation” tiếp theo trong lịch sử nhân loại?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một thế hệ “lost generation” vì Covid-19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO