Lần đầu tiên sau 30 năm, chỉ số phát triển con người đi xuống

Tuỳ Phong| 25/05/2020 06:30

Năm 2020 sẽ là năm đầu tiên Chỉ số Phát triển Con người (HDI) đi xuống, kể từ khi thước đo này được ra đời vào năm 1990 bởi Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP).

Lần đầu tiên sau 30 năm, chỉ số phát triển con người đi xuống

Trước tác động của đại dịch Covid-19 trên cả 3 khía cạnh là y tế, giáo dục và thu nhập, đà tăng của HDI nhiều khả năng sẽ chấm dứt.

Báo cáo mới nhất từ UNDP cho biết, dưới tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 đến nền kinh tế thế giới, kéo theo sự suy giảm thuộc nhiều lĩnh vực, HDI sẽ lần đầu đi xuống sau 3 thập niên.

Được khởi xướng từ năm 1990, HDI là thước đo tổng hợp nhằm đánh giá sự phát triển của con người trên phương diện sức khỏe (thể hiện qua tuổi thọ trung bình từ lúc sinh), tri thức (thể hiện qua chỉ số học vấn) và thu nhập (thể hiện qua tổng thu nhập bình quân đầu người).

Trong suốt 30 năm, chỉ số này liên tục tăng qua các năm, ngay cả vào những giai đoạn tồi tệ nhất như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Tuy nhiên, trước tác động của đại dịch Covid-19 trên cả 3 khía cạnh là y tế, giáo dục và thu nhập, xu hướng vừa nêu nhiều khả năng sẽ chấm dứt.

Link bài viết

Giám đốc UNDP Achim Steiner cho biết, hầu hết các quốc gia trên thế giới, bất kể giàu nghèo, đều đang nhận thấy sự suy giảm trong các lĩnh vực phát triển con người cơ bản; trong đó, mức độ suy giảm tại các quốc gia đang phát triển sẽ cao hơn, do năng lực ứng phó với các tác động kinh tế và xã hội từ đại dịch thấp hơn những nước giàu có. Thêm vào đó, các nước đang rơi vào 'khủng hoảng dịch' cũng sẽ chứng kiến sự sụt giảm cao nhất.

Cụ thể, báo cáo từ UNDP cho biết, thu nhập bình quân đầu người trên toàn thế giới nhiều khả năng sẽ giảm 4% vào năm 2020; trong khi Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng, Covid-19 có thể đẩy 60 triệu người lâm vào tình trạng 'cực kỳ nghèo đói', tức có mức sống tối đa 1,90 USD/ngày.

Đồng thời, UNDP cũng trích dẫn dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho rằng một nửa số người lao động ở thời điểm hiện tại trên thế giới có thể sẽ mất việc trong vài tháng tới, với thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho nền kinh tế toàn cầu vào khoảng 10.000 tỷ USD. Riêng Chương trình Lương thực Thế giới dự báo, 265 triệu người sẽ phải đối mặt với nạn đói ở mức khủng hoảng nếu không có các biện pháp cứu trợ trực tiếp.

Covid-19 có thể đẩy 60 triệu người lâm vào tình trạng 'cực kỳ nghèo đói', tức có mức sống tối đa 1,90 USD/ngày.

Covid-19 có thể đẩy 60 triệu người lâm vào tình trạng 'cực kỳ nghèo đói', tức có mức sống tối đa 1,90 USD/ngày.

Về khía cạnh giáo dục, trước diễn biến của dịch bệnh và các biện pháp phong toả, trường học ở nhiều quốc gia không thể hoạt động, cộng với năng lực triển khai các khoá học trực tuyến không đồng đều sẽ càng làm khoảng cách giáo dục giữa các nước giàu - nghèo rộng ra.

Theo ước tính của UNDP, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiểu học không được đến trường (đã tính cả những trẻ không được học trực tuyến) sẽ là 60% -  mức bình quân toàn cầu cao nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước. Được biết, khoảng 86% trẻ em trong độ tuổi tiểu học ở các nước nghèo, có HDI thấp, hiện không thể tới trường vì dịch bệnh; trong khi tỷ lệ này ở nhóm các nước giàu, có HDI cao hơn, chỉ là 20%.

"Đối với nhiều khu vực trên toàn cầu, đại dịch sẽ để lại những vết sẹo rất sâu. Nếu không có sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế, chúng ta có thể chứng kiến sự đảo ngược của những gì đã tích luỹ được trong suốt hai thập niên qua, và cả một thế hệ phải chịu thua thiệt", ông Steiner nhận định.

Còn theo Giám đốc Văn phòng Phát triển con người của UNDP Pedro Conceicao, cuộc khủng hoảng gây ra bởi Covid-19 cho thấy, nếu thế giới không thể đảm bảo tính công bằng trong các công cụ chính sách hỗ trợ, nhiều người sẽ bị bỏ lại phía sau.

Và, để ứng phó với các tác động về kinh tế lẫn xã hội trong ngắn hạn, UNDP đã đưa ra một hướng dẫn khung với 5 bước ưu tiên, gồm bảo vệ hệ thống và dịch vụ y tế; tăng cường bảo vệ xã hội; bảo vệ việc làm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các lao động phi chính thức; xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô có thể ứng dụng với mọi người dân; và thúc đẩy quản lý thân thiện, hiệu quả và đáng tin cậy để gắn kết xã hội.

Đồng thời, UNDP cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng đầu tư cho các nước đang phát triển để nâng cao năng lực thực hiện 5 bước đi này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lần đầu tiên sau 30 năm, chỉ số phát triển con người đi xuống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO