Với một lượng lớn dữ liệu về tờ khai thuế của hàng nghìn người giàu nhất nước Mỹ trong hơn 15 năm, sự thật "sau bức màn nhung" về hàng loạt tỷ phú Mỹ đã hé lộ |
Theo ProPublica, một nguồn giấu tên mới đây đã gửi đến toà soạn này một lượng lớn dữ liệu từ Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) về những người giàu nhất đất nước, từ tỷ phú Warren Buffett, Bill Gates, Rupert Murdoch cho đến Mark Zuckerberg. Đối chiếu dữ liệu thuế nhận được với thông tin có sẵn từ các nguồn khác, tờ báo này cho biết, "trong tất cả trường hợp liên quan đến hồ sơ thuế của hơn 50 người riêng biệt mà chúng tôi có thể kiểm tra được, thông tin được cung cấp cho ProPublica trùng khớp với thông tin từ các nguồn khác".
Với lượng lớn dữ liệu về tờ khai thuế của hàng nghìn người giàu nhất nước Mỹ trong hơn 15 năm được ProPublica thu thập, sự thật "sau bức màn nhung" về hàng loạt tỷ phú Mỹ đã hé lộ. Và, nó đã phá vỡ nguyên tắc căn bản nhất của hệ thống thuế Mỹ, rằng mọi người đều đóng thuế một cách công bằng; người giàu nhất phải đóng thuế nhiều nhất. Hồ sơ thuế từ IRS cho thấy, những người giàu nhất có thể hoàn toàn "trốn thuế" một cách hợp pháp, khi mức thuế thu nhập mà họ phải đóng hằng năm chỉ bằng một phần rất nhỏ trong số hàng trăm triệu, nếu không nói là hàng chục tỷ USD tài sản tăng thêm.
Cụ thể hơn, từ năm 2014 đến 2018, tổng giá trị tài sản của 25 người giàu nhất nước Mỹ tăng 401 tỷ USD, theo dữ liệu từ Forbes. Tuy nhiên, tổng thuế thu nhập liên bang họ đóng trong 5 năm đó là 13,6 tỷ USD, tương đương thuế suất thực 3,4%. Ngược lại, cùng thời gian đó, tài sản ròng của một hộ gia đình làm công ăn lương ở độ tuổi trung niên điển hình tăng bình quân 65.000 USD sau thuế, chủ yếu do giá trị ngôi nhà họ ở tăng lên. Song, vì phần lớn thu nhập đến từ tiền lương, mức thuế mà họ phải đóng khi ấy xấp xỉ 62.000 USD, gần bằng mức tăng tài sản.
Lỗ hổng lớn trong luật pháp?
Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, khi tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo diễn ra gay gắt, cũng như môi trường chính trị Mỹ thay đổi, chính phủ liên bang đã bắt đầu mở rộng và thành lập nhiều cơ quan nhằm bình ổn nguồn lương thực và bảo vệ người làm công ăn lương. Một hệ thống như vậy cần nguồn ngân sách lớn, song mức thuế khi đó lại đang tạo ra gánh nặng lớn cho những người lao động bình thường hơn là cho những người giàu có.
Link bài viết
Theo đó, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ một đạo luật vào năm 1894 về việc đánh thuế thu nhập. Thế nên, Quốc hội chuyển sang sửa đổi Hiến pháp, và Tu chính án thứ 16 đã được phê chuẩn vào năm 1913, trao cho chính phủ quyền "đánh và thu thuế đối với thu nhập, từ bất kỳ nguồn nào có được".
Trong những năm đầu, thuế thu nhập cá nhân đã hoạt động như dự định của Quốc hội, đánh trực tiếp vào những người giàu nhất. Năm 1918, chỉ 15% gia đình Mỹ phải đóng thuế, trong khi 80% tiền thuế thu được đến từ nhóm 1% giàu nhất, theo sử gia W. Elliot Brownlee.
Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi bị bỏ ngỏ: "Thu nhập được tính như thế nào?". Năm 1916, một phụ nữ tên Myrtle Macomber nhận cổ tức cho số cổ phiếu của mình tại Standard Oil. Về căn bản, Macomber phải đóng thuế theo luật. Tuy nhiên, số cổ tức này lại không được trả bằng tiền mặt, mà dưới dạng 1 cổ phiếu tăng thêm cho mỗi 2 cổ phiếu mà cô ấy nắm giữ. Sau khi đóng thuế, Macomber đã trình đơn lên toà án, cho rằng dù đã giàu hơn, nhưng bản thân lại không nhận được bất cứ khoản tiền mặt nào. Do đó, Macomber lập luận rằng, mình không có "thu nhập".
Bốn năm sau, Tòa án Tối cao chấp nhận lập luận của Macomber, phán quyết rằng, thu nhập chỉ được tính từ số tiền thu được. Theo đó, một người cần bán tài sản, có thể là cổ phiếu, trái phiếu hoặc nhà, và thu về một số tiền trước khi nó có thể bị đánh thuế. Kể từ đó, khái niệm thu nhập chỉ đến từ số tiền thu được, tức sau khi lợi nhuận được "thể hiện ra", đã trở thành nền tảng cho hệ thống thuế Mỹ. Thế nên, tiền lương, cổ tức tiền mặt, lợi nhuận từ bán tài sản đều bị đánh thuế. Nhưng nếu một cá nhân không bán bất cứ thứ gì, thì sẽ không có thu nhập, và do đó không phải đóng thuế.
Ngoại trưởng Mỹ Cordell Hull, sau sự kiện này, đã cảnh báo việc trốn thuế sẽ dần trở nên phổ biến, khi phán quyết của Toà án Tối cao đã mở ra một lỗ hổng lớn, cho phép cá nhân xây dựng doanh nghiệp và mượn tiền để sống dựa trên số cổ phiếu mình sở hữu. Bất cứ ai cũng có thể "sống dựa trên giá trị" cổ phiếu doanh nghiệp của họ "mà không cần bán chúng, và tất nhiên, không bao giờ phải đóng thuế", Hull nói.
Từ thuế suất thu nhập thực tế 0,1%...
Và, viễn cảnh mà Hull cảnh báo, rốt cục đã trở thành hiện thực, khi hàng loạt tỷ phú giàu có nhất của thời đại này đang ngồi trên hàng núi lợi nhuận chưa "thể hiện ra", với quy mô biến động mỗi ngày cùng mức tăng/giảm giá cổ phiếu doanh nghiệp mà họ nắm giữ. Theo Emmanuel Saez và Gabriel Zucman - hai nhà kinh tế thuộc Đại học California, Berkeley, trong số 4.250 tỷ USD tài sản mà các tỷ phú Mỹ nắm giữ, khoảng 2.700 tỷ USD là lợi nhuận như thế.
Đơn cử, báo cáo thu nhập hằng năm của Warren Buffett trong giai đoạn 2015 - 2018 dao động từ 11,6 triệu USD đến 25 triệu USD. Theo dữ liệu của IRS, ít nhất 14.000 người phải nộp thuế ở Mỹ đã khai báo thu nhập cao hơn vị tỷ phú này vào năm 2015. Dù vậy, với số lượng cổ phiếu khổng lồ nắm giữ tại Geico, Duracell, American Express, Coca-Cola… thông qua Berkshire Hathaway, Buffett là một trong những người giàu nhất thế giới, với tổng tài sản ròng hơn 100 tỷ USD. Theo ProPublica, từ năm 2014 - 2018, Buffett đóng tổng cộng 23,7 triệu USD tiền thuế, trong khi tổng giá trị tài sản tăng thêm 24,3 tỷ USD, tương đương thuế suất thu nhập thực tế là 0,1%.
Tương quan giá trị tài sản tăng thêm và tổng thuế thu nhập phải đóng giữa Jeff Bezos và một hộ gia đình Mỹ điển hình |
Bằng cách thức tương tự, vô số tỷ phú giàu nhất nước Mỹ chỉ phải đóng một lượng thuế rất nhỏ, thậm chí bằng ‘0’, so với mức tài sản tăng hàng tỷ hay hàng chục tỷ mỗi năm. Ví dụ, trong cùng thời gian trên, người giàu nhất thế giới Jeff Bezos đóng 973 triệu USD tiền thuế, tức chưa tới 1% tổng giá trị tài sản tăng thêm 99 tỷ USD. Thậm chí, vào năm 2007 và 2011, Bezos không phải đóng một đồng thuế thu nhập liên bang nào, và còn nhận được 4.000 USD tín dụng thuế dành cho con cái.
Trong khi đó, thuế suất thu nhập thực của tỷ phú Elon Musk là 3,27%, tương đương 455 triệu USD, cho 13,9 tỷ USD giá trị tài sản tăng thêm và Musk hoàn toàn không phải nộp thuế thu nhập liên bang vào năm 2018. Ông trùm truyền thông Michael Bloomberg cũng đã thành công "lách luật", với thuế suất thu nhập thực chỉ 1,3%. Nhà đầu tư tỷ phú Carl Icahn có hai năm nộp thuế bằng ‘0’. Riêng trùm tài chính George Soros không phải đóng thuế trong 3 năm liên tiếp.
… đến mức lương 1 USD và không trả cổ tức
Bên cạnh việc nắm giữ cổ phiếu để "né" thuế một cách hợp pháp, một chiến lược nữa cũng được sử dụng để giảm mức thu nhập, đó là không trả cổ tức, như tại Berkshire Hathaway. Buffett luôn lập luận rằng, tốt hơn hết nên sử dụng số tiền đó để tìm kiếm các khoản đầu tư cho tập đoàn - điều sẽ thúc đẩy giá trị cổ phiếu mà ông và các nhà đầu tư khác nắm giữ. Nếu trong quá khứ, Berkshire chi trả cổ tức gần bằng với mức trung bình những năm gần đây, Buffett sẽ nhận hơn 1 tỷ USD thu nhập, đồng nghĩa ông sẽ phải đóng hàng trăm triệu USD tiền thuế mỗi năm.
Trên thực tế, nhiều công ty công nghệ thông tin và tại Thung lũng Silicon đã "bắt chước" mô hình của Buffett, tránh việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu bằng mọi giá, ít nhất là trong một thời gian. Trong những năm 1980 và 1990, Microsoft và Oracle không trả cổ tức. Google, Facebook, Amazon và Tesla cũng không trả cổ tức.
Hơn nữa, để tiếp tục cắt giảm thu nhập, các tỷ phú còn có thể hạ mức lương của mình xuống tối đa. Trên thực tế, cuộc đua giảm lương xuống tối đa giữa các tỷ phú là CEO, nhà sáng lập doanh nghiệp từng diễn ra trong nhiều năm. Điển hình như Steve Jobs nhận lương 1 USD khi trở lại Apple vào những năm 1990. Mark Zuckerberg của Facebook, Larry Ellison của Oracle và Larry Page của Google cũng đều đã làm như vậy.
Dữ liệu về giá trị tăng trưởng tài sản, thu nhập tổng thể, tổng thuế đã đóng và thuế suất thực tế của tỷ phú Warren Buffett, Jeff Bezos, Michael Bloomberg và Elon Musk - 4 cá nhân siêu giàu ở Mỹ, từ năm 2014 đến 2018 |
Với việc chính phủ liên bang xem hầu hết mỗi USD người lao động kiếm được là thu nhập, và tiền lương bị đánh thuế ở mức cao, thì đây hoàn toàn là hành động có tính toán. Theo dữ liệu của IRS, 25 người Mỹ giàu nhất vào năm 2018 kê khai mức lương nhận được là 158 triệu USD. Song, con số này chỉ chiếm vỏn vẹn 1,1% tổng thu nhập được báo cáo trên biểu mẫu thuế. Phần còn lại chủ yếu đến từ cổ tức và việc bán cổ phiếu, trái phiếu hoặc các khoản đầu tư khác, vốn bị đánh thuế ở mức thấp hơn tiền lương.
"Những người siêu giàu có thể lách hệ thống theo cách hoàn toàn hợp pháp. Họ có rất nhiều cách để tìm các khoản khấu trừ, tìm các khoản tín dụng và khai thác các lỗ hổng trong hệ thống" Jesse Eisinger - phóng viên, biên tập viên tại ProPublica, nói. Vì vậy, dù giá trị tài sản của họ tăng rất nhiều thông qua sở hữu cổ phiếu, nhưng tài sản đó không được xem là thu nhập. Ngoài ra, "họ cũng khấu trừ thuế rất nhiều, thường là do mượn tiền để sống".
Eisinger cho biết, các tỷ phú Mỹ mua một tài sản, xây dựng hoặc thừa kế một tài sản, và sau đó vay mượn dựa trên của cải của họ. Bởi vì họ không thể hiện bất kỳ khoản lợi nhuận hoặc bán bất kỳ cổ phiếu nào, họ không nhận bất kỳ khoản thu nhập nào để có thể bị đánh thuế. "Sau đó, họ đi vay từ một ngân hàng với lãi suất tương đối thấp, sống dựa vào khoản đó và có thể sử dụng chi phí lãi vay để khấu trừ vào thu nhập của mình," ông giải thích.