Nghị định về tín chỉ carbon rừng: Thúc đẩy thị trường carbon nội địa
Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng đang được Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) xây dựng dự thảo và lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện. Khi được ban hành, Nghị định được kỳ vọng sẽ “cởi trói” cho các chủ tín chỉ carbon, cho phép họ chủ động hơn trong việc trao đổi, chuyển nhượng hoặc bù trừ tín chỉ carbon.
Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm góp ý Dự thảo Nghị định do Hội Chủ rừng Việt Nam phối hợp với Tổ chức Forest Trends tổ chức ngày 15/7 tại Hà Nội. Đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, dự thảo nhằm hoàn thiện khung pháp lý để cụ thể hóa cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực lâm nghiệp, đặc biệt sau khi Việt Nam công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo là quy định rõ bên cung ứng dịch vụ carbon rừng có thể là chủ rừng nhà nước (UBND xã, các tổ chức công lập) hoặc tư nhân (cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp). Bên sử dụng dịch vụ là các tổ chức, cá nhân trong hoặc ngoài nước có nhu cầu bù đắp lượng phát thải carbon.
Việc trao đổi, chuyển nhượng kết quả giảm phát thải hoặc tín chỉ carbon rừng sẽ được thực hiện thông qua hợp đồng dân sự hoặc sàn giao dịch carbon trong nước. Tín chỉ được tính theo đơn vị 1 tấn CO₂ tương đương. Khung giá khởi điểm sẽ do UBND tỉnh ban hành dựa trên hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Trong trường hợp rừng liên tỉnh, mức giá sẽ được áp theo khung cao nhất. Nếu chưa có hướng dẫn cụ thể, các bên có thể đàm phán và trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân, UBND cấp tỉnh hoặc Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đại diện triển khai dự án carbon rừng. Trong khi đó, với rừng thuộc quyền sử dụng của cá nhân, tổ chức, cộng đồng, chủ rừng có thể trực tiếp tham gia hoặc ủy quyền cho đơn vị có tư cách pháp nhân thực hiện dự án. Đặc biệt, các hộ dân, cá nhân có rừng trồng liền kề với các dự án carbon do tỉnh triển khai cũng có thể tự nguyện tham gia, được xác nhận diện tích và chia sẻ lợi ích từ kết quả giảm phát thải.

Nguồn thu từ bán tín chỉ carbon sẽ được phân bổ thông qua chi trả trực tiếp hoặc qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam và các quỹ cấp tỉnh. Với chủ rừng là tổ chức, khoản thu sau khi trừ chi phí sẽ được tính là nguồn thu hợp pháp, sử dụng theo quy định tài chính hiện hành.
PGS-TS. Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm khẳng định, khi được ban hành, nghị định sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng, giúp các chủ tín chỉ carbon chủ động hơn trong các giao dịch chuyển nhượng, không chỉ trong nước mà còn với các đối tác quốc tế.
Góp ý tại tọa đàm, ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chủ rừng Việt Nam đề xuất tách bạch hai cơ chế cung ứng dịch vụ và thị trường giao dịch tín chỉ carbon, nhằm đảm bảo tính minh bạch và phù hợp với định hướng pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường và lâm nghiệp.
Theo ông Ngãi, cơ chế cung ứng dịch vụ nên được xem như một quan hệ dân sự - hợp đồng, trong đó tín chỉ carbon rừng được trao đổi giữa chủ rừng và doanh nghiệp phát thải thông qua thỏa thuận có sự điều tiết giá từ Nhà nước. Cách làm này tương tự như cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng đang áp dụng, vừa đảm bảo lợi ích các bên, vừa tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho người dân và cộng đồng địa phương.
Ngược lại, trong cơ chế thị trường, tín chỉ carbon rừng được đưa lên sàn giao dịch để các doanh nghiệp tự do mua bán, bù trừ phát thải theo nhu cầu. Ở cơ chế này, ông Ngãi cho rằng Nhà nước không nên can thiệp vào mức giá mà để giá tín chỉ hình thành theo nguyên tắc thị trường hoặc thông qua đấu giá.
“Nếu không tách bạch rõ ràng hai cơ chế, rất dễ phát sinh xung đột trong phương thức định giá và chia sẻ lợi ích, gây khó khăn cho việc triển khai thực tế”, ông Ngãi nhấn mạnh.
Ông Tô Xuân Phúc - Giám đốc Điều hành Chương trình Chính sách, Thương mại và Tài chính Lâm nghiệp của Tổ chức Forest Trends (Mỹ) cũng cho rằng, việc xây dựng nghị định kỳ vọng sẽ có thêm nguồn tài chính mới, không chỉ từ nguồn quốc tế mà còn từ các nguồn tư nhân trong nước, thông qua việc vận hành thị trường carbon. Việt Nam đã cam kết những đóng góp do quốc gia tự quyết định trong khuôn khổ Công ước của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Phần còn lại ngoài cam kết sẽ được phép giao dịch trên thị trường carbon.
Hiện, có 15 quốc gia đã ký thỏa thuận chuyển nhượng, mua bán kết quả giảm phát thải với Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp. Trong đó, 9 quốc gia đã hoàn thành thẩm định và đã được chi trả cho số tín chỉ carbon đã được thẩm định, bao gồm Ghana, Costa Rica, Lào, Mozambique, Việt Nam, Indonesia, Madagascar… và mới đây nhất là Chile với tổng số tiền được chi trả trên 179 triệu USD.