Cố Thủ tướng Shinzo Abe - một đời người, một di sản

Doanh Doanh| 09/07/2022 07:10

Di sản của cố Thủ tướng Shinzo Abe - người ở vị trí thủ tướng lâu nhất Nhật Bản, sẽ còn được thế giới nhắc đến rất lâu kể cả sau khi ông qua đời.

Cố Thủ tướng Shinzo Abe - một đời người, một di sản

Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Ở tuổi 67 và không còn giữ vị trí chính thức trong Chính phủ Nhật Bản, Shinzo Abe vẫn phủ bóng lên đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và các di sản của ông tiếp tục định hình Nhật Bản và cả khu vực. Là người giữ nhiệm kỳ thủ tướng lâu nhất ở Nhật Bản, ông Abe nỗ lực hồi sinh đất nước bằng chính sách kinh tế quyết liệt và chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự.

Với nhiều chính sách cải cách đột phá, trong đó có "Abenomics" nổi tiếng, ông Abe đã xây dựng nhiều thành tựu lớn cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Ông đồng thời là người có công lớn trong việc giúp Nhật Bản đăng cai Olympic 2020 tại Tokyo và thậm chí còn xuất hiện với tư cách nhân vật Mario tại lễ bàn giao tại Olympic Rio 2016.

Xuất thân từ gia tộc chính trị và 2 lần làm thủ tướng

Sinh ngày 21/9/1954 trong một gia đình có truyền thống chính trị tại Tokyo, ông Abe có ông nội Kishi Nobusuke từng là Thủ tướng Nhật giai đoạn 1957-1960, trong khi Sato Eisaku - chú của ông, từng giữ chức vụ này giai đoan 1964-1972. Cha của ông là Shintaro Abe từng giữ chức ngoại trưởng.

Trong ảnh, ông Abe (trái) chụp ảnh cùng cha, mẹ và anh trai năm 1957. Ảnh: Getty.

Trong ảnh, ông Abe (trái) chụp ảnh cùng cha, mẹ và anh trai năm 1957. Ảnh: Getty.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Seike ở Tokyo năm 1977, ông Abe tới Mỹ, theo ngành khoa học chính trị tại Đại học Nam California ở Los Angeles. Năm 1979, ông về Nhật Bản và gia nhập tập đoàn Kobe Steel. Tiếp nối truyền thống chính trị của gia đình, ông Abe trở thành thành viên tích cực trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) và được bầu vào Hạ viện Nhật Bản năm 1993, trước khi giữ loạt chức vụ trong chính phủ.

Ông trở nên nổi tiếng toàn quốc vì lập trường cứng rắn đối với Triều Tiên, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng năm 2002 tiết lộ đã bắt 13 công dân Nhật Bản trong thập niên 1970-1980. Truyền thống của gia đình còn ảnh hưởng đến tầm nhìn trọn đời của ông Abe, khi cả ông và ông nội - cựu Thủ tướng Kishi, đều mong muốn thay đổi hiến pháp hòa bình của Nhật Bản - bản hiến pháp do Mỹ viết nên.

Năm 2003, ông Abe được bổ nhiệm làm Tổng thư ký đảng LDP. Khi Koizumi Junichiro rời ghế Thủ tướng và lãnh đạo LDP năm 2006, ông Abe lúc đó 52 tuổi đã kế nhiệm, trở thành thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản sinh ra sau Thế chiến II, cũng là lãnh đạo chính phủ trẻ nhất của nước này. Tuy nhiên, chỉ 1 năm sau, Thủ tướng Abe thông báo từ chức, khi thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện và tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp. Ông Fukuda Yasuo là người kế nhiệm ông.

Dù vẫn giữ ghế trong Hạ viện, nhưng nhiều năm sau đó ông Abe giữ im lặng về chính trị, đặc biệt sau khi liên minh do đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lãnh đạo nắm quyền kiểm soát chính phủ năm 2009. Song, mọi thứ thay đổi vào tháng 9/2012, khi ông lần nữa được bầu làm lãnh đạo LDP. 

Sau khi LDP giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện tháng 12/2012, con đường để ông Abe trở lại làm Thủ tướng thay thế Noda Yoshihiko của đảng DPJ đã mở ra. Trở lại chính trường với các chính sách đối nội và đối ngoại quyết liệt để "hồi sinh" Nhật Bản sau thời gian dài trì trệ về kinh tế, ông Abe đã đạt nhiều thành công hơn trong giai đoạn cầm quyền này. Trong đó, phải kể đến chiến lược kinh tế mang thương hiệu của vị cố thủ tướng để đẩy lùi lạm phát trầm kha và khôi phục tăng trưởng kinh tế - Abenomics.

Ông Abe Shinzo trong chuyến công tác Triều Tiên dưới cương vị Chánh văn phòng nội các. Ảnh: NHK

Ông Shinzo Abe trong chuyến công tác Triều Tiên dưới cương vị Chánh văn phòng nội các. Ảnh: NHK

Gần một thập niên theo đuổi Abenomics

Đến nay, hiệu quả của Abenomics vẫn còn được tranh luận, nhưng theo nhà quan sát Nobuko Kobayashi từ hãng kiểm toán Ernst & Young, chiến lược này vẫn giúp nền kinh tế Nhật phần nào thoát khỏi tình trạng trì trệ trong nhiều thập niên. Thông qua nhiều biện pháp như tăng tỷ lệ lạm phát, giảm giá trị đồng YEN so với USD và các loại ngoại tệ khác, tăng cung tiền và chi tiêu chính phủ cho các dự án công cộng lớn, Abenomics dường như đã phát huy tác dụng trong năm 2013 và nửa đầu năm 2014.

Tuy nhiên, đợt tăng thuế tiêu dùng quốc gia thứ 2 trong kế hoạch 2 bước vào tháng 4/2014 đã góp phần làm suy giảm nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian còn lại của năm. Đến mùa thu năm 2014, Nhật Bản rơi vào suy thoái và tỷ lệ ủng hộ ông Abe giảm mạnh. Ông quyết định giải tán Hạ viện, tổ chức bầu cử quốc hội sớm, giúp LDP giành chiến thắng với cách biệt lớn. Tháng 9/2015, ông được bầu làm lãnh đạo đảng thêm một nhiệm kỳ mà không vấp sự phản đối đáng kể nào.

Nhiều bê bối vào đầu năm 2017 đã khiến mức ủng hộ cố Thủ tướng Abe giảm xuống kỷ lục, nhưng đã phục hồi vào cuối mùa hè, khi LDP giành thế đa số ở cả Thượng và Hạ viện. Nhiều người kỳ vọng chiến thắng này sẽ giúp ông thúc đẩy việc sửa đổi hiến pháp hòa bình, nhưng sự phản đối của dư luận khiến nó bị trì hoãn vô thời hạn.

Đến tháng 11/2019, ông Abe trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất ở Nhật Bản. Bước sang năm 2020, khủng hoảng kép do đại dịch Covid-19 gây ra đã phá hỏng kế hoạch tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, khiến nước này trải qua lần suy giảm kinh tế sâu nhất. Cùng năm ấy, ông Abe từ chức cũng với lý do căn bệnh viêm đại tràng, nhưng vẫn tại vị cho tới khi LDP tìm được người kế nhiệm.

Dù không còn giữ chức thủ tướng, cố Thủ tướng Abe vẫn có nhiều ảnh hưởng trong LDP. Không giống các chính khách khác rút lui khỏi chính trường sau khi rời vị trí quyền lực nhất, ông Abe vẫn xuất hiện trước công chúng. Ngay trước khi bị bắn, ông đang vận động cử tri ủng hộ LDP trong cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới.

Cố Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu tại Nara trước khi bị ám sát, ngày 8/7/2022. Ảnh: CNN

Cố Thủ tướng Nhật Shinzo Abe phát biểu tại Nara trước khi bị ám sát, ngày 8/7/2022. Ảnh: CNN

"Sức mạnh của Abe là ông có một tầm nhìn dài, đầy tham vọng đối với Nhật Bản và vị thế toàn cầu của nước này. Ngoài việc thúc đẩy Nhật Bản là nước đi đầu về tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương, ông ấy cũng muốn đất nước khẳng định lại vị thế quân sự và đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực", Shihoko Goto - nhà phân tích của Trung tâm Wilson, từng nhận xét về thành tựu của Shinzo Abe.

Tham vọng còn dang dở

Chịu ảnh hưởng lớn bởi truyền thống của gia đình, có thể nói giấc mơ lớn nhất của ông Abe là đưa Nhật Bản - quốc gia vốn nằm dưới chiếc ô hạt nhân Mỹ và bị giới hạn trong khuôn khổ hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình, trở thành cường quốc quyết đoán hơn và tương tác nhiều hơn với thế giới. Đặc biệt, ông cho rằng điều 9 trong Hiến pháp Nhật Bản, vốn bác bỏ chiến tranh và cấm Nhật Bản có quân đội, là vật cản ngăn Tokyo có vai trò tương xứng với vị thế là cường quốc khu vực.

Song, bất chấp ảnh hưởng chính trị, ông Abe không thể tập hợp đủ sự ủng hộ để tổ chức trưng cầu dân ý về việc sửa đổi hiến pháp. Dù vậy, trong giai đoạn ông cầm quyền, nước Nhật đã có sự chuyển mình mạnh mẽ về vấn đề an ninh, thông qua các cải cách như lần đầu ra đời chiến lược an ninh quốc gia năm 2013, hay thông qua đạo luật mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào năm 2015.

Ông Abe cùng các học sinh ở thành phố Chiba tham gia cuộc diễn tập thảm họa toàn quốc ngày 1/9/2013. Ảnh: AP.

Ông Abe cùng các học sinh ở thành phố Chiba tham gia cuộc diễn tập thảm họa toàn quốc ngày 1/9/2013. Ảnh: AP.

"Chính quyền thứ hai của ông Abe cũng chứng kiến Nhật Bản bắt đầu thể hiện sức mạnh địa kinh tế một cách chiến lược”, Robert Ward - học giả cấp cao về nghiên cứu an ninh Nhật Bản thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), viết. Khái niệm "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", vốn thường xuất hiện trong tuyên bố của các nước phương Tây hiện nay, cũng khó có thể tồn tại nếu không có ông.

"Việc Nhật Bản cứu hiệp định TPP sau khi Mỹ rút lui và việc tái khởi động hiệp định ấy thành CPTPP là một thành tựu đáng nhớ của chính quyền Abe thứ 2", ông Ward nhận định. Đồng thời, cố Thủ tướng Nhật cũng là một trong những người sớm nhận ra tác động tới từ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Năm 2014, bài phát biểu dẫn đề của ông tại Đối thoại Shangri-La cho thấy tầm nhìn từ sớm của vị cố thủ tướng khi kêu gọi "pháp quyền cho tất cả".

Bất chấp một số thất bại như trong chính sách đối ngoại với Nga hay Hàn Quốc, di sản của ông Abe đã khiến Nhật Bản trở thành nguồn ủng hộ không thể thiếu đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ tại vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo ông Ward. 

Và, đến ngày 8/7 qua, hai phát súng vang lên giữa con phố ở tỉnh Nara không chỉ cắt ngang bài phát biểu của ông, nó còn làm thế giới rúng động. Vài tiếng sau, viễn cảnh mọi người lo sợ trở thành sự thật: Ông Abe, 67 tuổi, qua đời sau vụ ám sát. Thế nhưng, có một điều chắc chắn rằng, di sản của cố Thủ tướng Shinzo Abe - người giữ nhiệm kỳ thủ tướng lâu nhất ở Nhật Bản, sẽ còn được thế giới nhắc đến rất lâu kể cả sau khi ông qua đời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cố Thủ tướng Shinzo Abe - một đời người, một di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO