Có nhiều lý do để kỳ vọng dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ chảy vào Việt Nam. Song, liệu Việt Nam có phải là điểm đến thực sự hay chỉ là nơi tạm trú của các dòng vốn này?
Ông Ong Seng Yeow, Giám đốc Nghiên cứu phân tích toàn cầu, Tập đoàn Maybank Kim Eng - MBKE (Malaysia) tâm sự: “Chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên của tôi cách đây khoảng hai năm rưỡi, khi đó chúng tôi nói với các nhà đầu tư rằng, chưa nên đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam vì thị trường chưa thuận lợi. Tuy nhiên, chúng tôi rất ngạc nhiên với sự tăng trưởng của thị trường này trong năm 2013, cũng như những tháng đầu năm 2014”.
Ông Ong Seng Yeow, Giám đốc Nghiên cứu phân tích toàn cầu Tập đoàn Maybank Kim Eng |
Theo số liệu của MBKE, giá trị danh mục đầu tư nước ngoài năm qua tăng 3,3 tỷ USD và đạt 12 tỷ USD. Riêng giá trị vốn hoá của của các quỹ đầu tư chỉ số (ETF), tăng 24,3% lên 375,8 triệu USD và con số này tiếp tục tăng lên 479,8 triệu USD đến cuối tháng 2/2014.
Theo ông Ong Seng Yeow, có nhiều lý do giải thích sự tăng điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2013.
Thứ nhất, những nỗ lực của Chính phủ trong việc tái cấu trúc nền kinh tế trong 2 năm 2011 và 2012 bắt đầu có tác dụng và phát huy hiệu quả.
Thứ hai, các chỉ số kinh tế vĩ mô ổn định, như thâm hụt ngân sách ở mức vừa phải, lạm phát được kiềm chế, đồng tiền ổn định, dự trữ ngoại hối tăng...
Ông Ong Seng Yeow nhận xét lạc quan rằng, năm 2014 sẽ chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực về chính sách, như tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước sẽ được đẩy nhanh, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ mua nợ xấu của các ngân hàng tăng gấp 3-4 lần so với con số khoảng 35.000 tỷ đồng của năm ngoái, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ được ký kết…
Riêng với thị trường chứng khoán, ông kỳ vọng việc cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết sẽ giúp tăng đáng kể tính thanh khoản, tương tự như trường hợp Thái Lan cho phép phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết cho nhà đầu tư nước ngoài trước đây.
Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, đại diện nhiều quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng, sẽ rất rủi ro nếu chỉ đầu tư vào một nước duy nhất, mà thay vào đó, họ đầu tư vào một nhóm nước hoặc một khu vực. Lấy ví dụ như Dragon Capital, dù gắn bó với Việt Nam từ nhiều năm, nhưng đến nay, cũng đã mở rộng các khoản đầu tư vào nhiều nước khác như Thái Lan, Campuchia, Lào, Bangladesh và sắp tới, có thể là Myanmar và Philippines.
Mới đây, khi trao đổi với phóng viên, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital cho biết, giới đầu tư ngày càng nhắc nhiều đến khu vực ASEAN, thay vì Trung Quốc và Ấn Độ như 10 năm trước đây, do vị thế kinh tế và chính trị của khối này ngày càng lớn.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Ong Seng Yeow, Thái Lan đang gặp bất lợi do tình hình chính trị bất ổn, Indonesia thì sắp diễn ra cuộc bầu cử tổng thống và các nhà đầu tư muốn chờ đợi một viễn cảnh rõ ràng hơn về đất nước này sau bầu cử, còn ở Philippines thì giá cổ phiếu đang ở mức khá cao… Vậy liệu những yếu tố này có khiến các quỹ đầu tư để mắt đến Việt Nam không?
“Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng, không có quỹ nào đầu tư vào chỉ một quốc gia, mà thay vào đó, sẽ phân bổ vào nhiều nền kinh tế. Việt Nam hiện có lợi thế, vì nhiều nước xung quanh đang có tình hình chính trị bất ổn, nhưng ngay khi những bất ổn này được giải quyết, thì dòng vốn có thể sẽ quay lại những nước đó. Nhiều khả năng, Việt Nam là nơi để các dòng vốn tạm trú”, ông Ong Seng Yeow nhận định.