Toàn cảnh

Bản tin chiều 5/5: Đề xuất bố trí 44.000 tỷ đồng để chi cho sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Thanh An 05/05/2025 17:45

Tin tức đáng chú ý chiều 5/5: Đề xuất bố trí 44.000 tỷ đồng để chi cho sắp xếp, tinh gọn bộ máy; Bộ Xây dựng ban hành kế hoạch hành động phát triển khoa học và chuyển đổi số; Việt Nam chi hơn 1,8 tỷ USD nhập khẩu hơn 17 triệu tấn than; Bộ Tài chính ban hành quy định về mức giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán; Đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho hơn 2.200 dự án với tổng vốn khoảng 235 tỷ đô la Mỹ.

Đề xuất bố trí 44.000 tỷ đồng để chi cho sắp xếp, tinh gọn bộ máy

Sáng 5/5, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024, cùng tình hình triển khai kế hoạch năm 2025 trong những tháng đầu năm.

Một trong những nội dung đáng chú ý là đề xuất bố trí 44.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương năm 2025 để chi trả chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình sắp xếp, kiện toàn bộ máy.

Đa số ý kiến cơ quan thẩm tra nhất trí với đề xuất này. Trường hợp tổng kinh phí phát sinh vượt quá mức 44.000 tỷ đồng, Chính phủ được kiến nghị báo cáo Quốc hội hoặc nếu cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định giữa hai kỳ họp.

f1-1.jpeg

Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng tán thành với đề xuất chuyển nguồn dự toán chi thường xuyên chưa sử dụng của năm 2024 sang năm 2025 để thực hiện chính sách miễn học phí và các nhiệm vụ phát sinh từ việc sắp xếp bộ máy.

Theo phương án cải cách, sau khi tinh gọn, cơ cấu Chính phủ sẽ còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ và cơ quan ngang bộ); giảm 13 tổng cục, 519 cục, 219 vụ, 3.303 chi cục và 203 đơn vị sự nghiệp công lập. Dự kiến biên chế tại các bộ, ngành giảm khoảng 22.000 người, tương đương 20%.

Về thu ngân sách, các khoản thu nội địa đang đạt tiến độ khá, với 34/63 địa phương đạt trên 40% dự toán. Tuy nhiên, tổng nợ thuế nội địa tính đến ngày 30/4/2025 vẫn còn cao, ở mức khoảng 222.700 tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2024. Chính phủ được đề nghị cần có giải pháp quyết liệt hơn nhằm thu hồi nợ thuế, đảm bảo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Bộ Xây dựng ban hành kế hoạch hành động phát triển khoa học và chuyển đổi số

Bộ trưởng Trần Hồng Minh vừa ký ban hành Kế hoạch hành động của Bộ Xây dựng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Kế hoạch gồm 7 nhóm nhiệm vụ chính. Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn ngành về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ ba, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Thứ tư, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

cds-1714993683297703904014.jpg

Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.

Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng.

Thứ bảy, tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ nghiêm túc quán triệt, cụ thể hóa nội dung Kế hoạch và tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Các hoạt động phải bảo đảm tiến độ, chất lượng, có sản phẩm cụ thể, có thể đo lường được.

Trọng tâm là phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phải được triển khai một cách thực chất, hiệu quả và gắn với đổi mới, cải cách thể chế.

Việt Nam chi hơn 1,8 tỷ USD nhập khẩu hơn 17 triệu tấn than

Theo Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu than trong quý I/2025 tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái, song kim ngạch giảm 7,7% do giá nhập khẩu trung bình chỉ đạt 105,18 USD một tấn, giảm hơn 20%.

Indonesia tiếp tục giữ vai trò là nhà cung cấp than lớn nhất cho Việt Nam, chiếm hơn 40% tổng lượng nhập trong quý I. Sản lượng than từ Indonesia đạt 6,98 triệu tấn, trị giá 579 triệu USD, tăng mạnh về cả khối lượng và giá trị. Giá nhập trung bình từ Indonesia dao động quanh mức 82,9 USD một tấn, thấp hơn mặt bằng chung.

Theo sau là Australia với hơn 5,36 triệu tấn, trị giá 693,7 triệu USD, chiếm 31% tỉ trọng nhập khẩu. Tuy tăng mạnh về lượng, nhưng kim ngạch lại giảm do giá trung bình chỉ còn 129,3 USD một tấn.

than-anh-tkv-3635.jpg

Nga là đối tác lớn thứ ba, cung cấp 1,44 triệu tấn than, trị giá hơn 206 triệu USD. Trong khi lượng tăng không đáng kể, giá giảm gần 28%, xuống còn 142,3 USD một tấn.

Được biết, sở dĩ Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập khẩu than chủ yếu để phục vụ sản xuất điện, đặc biệt là tại các nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ đốt hiện đại, đòi hỏi loại than có nhiệt trị cao - vốn không phổ biến trong nước. Trong đó, than khai thác trong nước thường có chất lượng thấp hơn, phù hợp với một số lĩnh vực như xi măng hoặc sản xuất nhỏ lẻ.

Những năm gần đây, nhu cầu than cho phát điện tăng mạnh do quy mô các nhà máy nhiệt điện mở rộng, trong khi khai thác nội địa ngày càng gặp khó khăn, trữ lượng dễ khai thác cạn dần, việc khai thác xuống sâu làm tăng chi phí và giảm hiệu quả kinh tế.

Năm nay, Việt Nam dự kiến sản xuất khoảng 37 triệu tấn than sạch, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ lên tới 50 triệu tấn, chủ yếu phục vụ các nhà máy nhiệt điện. Do đó, Việt Nam tiếp tục tăng cường nhập khẩu, đặc biệt là than nhiệt từ Indonesia và Australia. Mặc dù có xu hướng chuyển sang năng lượng tái tạo, than vẫn đóng vai trò chủ lực trong cơ cấu năng lượng quốc gia đến năm 2030.

Bộ Tài chính ban hành quy định về mức giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành biểu mức giá dịch vụ mới và chi tiết cho lĩnh vực chứng khoán. Khung giá này áp dụng thống nhất tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), hai Sở Giao dịch con (HNX và HoSE), và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).

Theo đó, tại thị trường chứng khoán cơ sở, giá dịch vụ quản lý thành viên tại VNX là 20 triệu đồng/năm.

Tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE), giá dịch vụ đăng ký niêm yết lần đầu đối với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư là 10 triệu đồng; chứng quyền có bảo đảm là 5 triệu đồng.

Phí quản lý hằng năm giao động từ 15 triệu đến tối đa 50 triệu đồng/năm cho cổ phiếu, tùy quy mô công ty.

Giá dịch vụ thay đổi đăng ký niêm yết đối với cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, chứng chỉ quỹ đầu tư, công cụ nợ là 5 triệu đồng, chứng quyền có bảo đảm là 2 triệu đồng.

ck.jpg

Giá dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu là 150 triệu đồng/thành viên; giá dịch vụ duy trì kết nối định kỳ là 50 triệu đồng/thành viên.

Phí giao dịch (khi nhà đầu tư mua bán), đối với cổ phiếu niêm yết trên sàn HNX và HoSE: Mức phí là 0,027% tính trên giá trị giao dịch.

Đối với cổ phiếu trên thị trường UPCOM (thuộc HNX): Mức phí thấp hơn, 0,018% giá trị giao dịch. Đối với Chứng chỉ quỹ ETF và Chứng quyền (giao dịch tại HoSE): Cũng áp dụng mức phí 0,018% giá trị giao dịch.

Giá dịch vụ đấu thầu phát hành trái phiếu chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương là 0,0125% giá trị danh nghĩa trái phiếu/công trái phát hành theo phương thức đấu thầu nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/phiên đấu thầu (bao gồm cả phiên gọi thầu bổ sung nếu có).

Theo quyết định mới, phí lưu ký cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm tính theo tháng tại Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC) là 0,27 đồng/cổ phiếu/tháng, với trái phiếu là 0,18 đồng (tối đa 2 triệu đồng) và công cụ nợ là 0,14 đồng (tối đa 1,4 triệu đồng).

Bên cạnh đó, quyết định cũng quy định về các mức phí khác như phí chuyển khoản, thực hiện quyền, chuyển nhượng đặc biệt...

Đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho hơn 2.200 dự án với tổng vốn khoảng 235 tỷ đô la Mỹ

Báo cáo tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ đã hoàn tất rà soát, đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho hơn 2.200 dự án, với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng (khoảng 235 tỷ đô la Mỹ).

Các dự án bị vướng mắc trải dài ở nhiều lĩnh vực như bất động sản, hạ tầng, đầu tư công, PPP (đối tác công tư). Một số dự án tồn đọng, kéo dài, gây lãng phí nổi bật như dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM, cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức và Bạch Mai…

Về tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết thế giới tiếp tục biến động phức tạp, đặc biệt Mỹ bất ngờ áp thuế đối ứng diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và chuỗi cung ứng.

20221202204148-15.jpg

Trong nước, GDP quý I/2025 ước tăng 6,93%, cao nhất từ 2020; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Thu ngân sách 4 tháng đạt 944.000 tỷ đồng, xuất siêu hơn 5 tỷ đô la Mỹ, FDI thực hiện trên 6,7 tỷ đô la Mỹ - mức cao nhất 5 năm qua.

Cả ba khu vực kinh tế đều tăng trưởng tích cực; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1%. Thương mại, dịch vụ, thương mại điện tử đều khởi sắc; du lịch đạt kỷ lục với 7,7 triệu lượt khách quốc tế.

Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, với 80 công trình trọng điểm được khởi công, khánh thành, nổi bật là ga T3 Tân Sơn Nhất và 5 dự án cao tốc Bắc - Nam.

Chính phủ và Thủ tướng đã triển khai quyết liệt việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả. Bộ máy Chính phủ đã tinh gọn còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 8 đơn vị); đồng thời tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bản tin chiều 5/5: Đề xuất bố trí 44.000 tỷ đồng để chi cho sắp xếp, tinh gọn bộ máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO