Làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Đông Nam Á xuất phát từ một thực tế là khu vực này đang sở hữu cơ cấu dân số vô cùng hấp dẫn cũng như cơ hội để tạo ra các doanh nghiệp đủ sức tạo bước nhảy vọt so với phần còn lại của thế giới |
Theo dữ liệu từ Refinitiv, tổng vốn đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) đổ vào các công ty công nghệ Đông Nam Á đạt 3,4 tỷ USD trong nửa đầu 2019, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, dòng vốn mạo hiểm đến từ các quỹ đầu tư Trung Quốc chiếm xấp xỉ 20%, đạt 667 triệu USD, so với mức 148 triệu USD cùng kỳ 2018.
Ước tính, dòng vốn ĐTMH từ Trung Quốc rót vào các startup công nghệ Đông Nam Á đã tăng hơn 4 lần, trong bối cảnh hoạt động ĐTMH tại Trung Quốc sụt giảm do tác động của chiến tranh thương mại với Mỹ, cùng những lo ngại xung quanh đà tăng trưởng giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Được biết, dòng vốn ĐTMH rót vào các công ty công nghệ Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2019 đã giảm tới 60% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 9 tỷ USD.
Bên cạnh đó, cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ thâm nhập Internet di động và số lượng người tiêu dùng trực tuyến ngày một tăng tại Đông Nam Á cũng là những yếu tố hấp dẫn, thu hút dòng vốn đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc.
Làn sóng đầu tư mạnh mẽ này “xuất phát từ một thực tế là Đông Nam Á đang sở hữu cơ cấu dân số vô cùng hấp dẫn cũng như cơ hội để tạo ra các doanh nghiệp đủ sức tạo bước nhảy vọt so với phần còn lại của thế giới”, ông Itamar Har -Even - đồng CEO của Ion Pacific (trụ sở tại Hồng Kông), nơi chuyên đầu tư vào các công ty công nghệ và quỹ ĐTMH - nhận định.
Hiện một số quỹ ĐTMH lớn nhất Trung Quốc đã bắt đầu mở văn phòng đại diện tại Singapore. Được biết, cũng chính những quỹ đầu tư này là người từ sớm đã rót tiền vào các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Alibaba, Xiaomi và Meituan-Dianping. Vài cái tên trong số đó là Qiming Ventures và GGV Capital - hai nơi đang quản lý nguồn vốn tổng cộng lên đến 10,2 tỷ USD.
Bà Helen Wong - một đối tác của Qiming Ventures - cho biết, một trong những yếu tố chính, tạo sức hút quan trọng cho Đông Nam Á là “tỷ lệ thâm nhập Internet di động cao và rất nhiều người sử dụng Internet”.
Với khoảng 350 triệu người sử dụng Internet, nền kinh tế số Đông Nam Á được dự báo đạt giá trị hơn 240 tỷ USD vào năm 2025, theo một báo cáo gần đây của Google và quỹ đầu tư nhà nước Singapore Temasek.
Trong khi đó, tăng trưởng Internet di động tại Trung Quốc đang chậm lại và sắp sửa đạt đến ngưỡng bão hòa. Do đó, rất nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đang nhắm đến Đông Nam Á như một thị trường tiếp theo, bà Wong cho biết.
Những năm gần đây, các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc như Alibaba và Tencent đều đã mạnh tay đầu tư vào Đông Nam Á, giúp nuôi dưỡng một thế hệ startup kỳ lân mới (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) như công ty thương mại điện tử Tokopedia hay Go-Jek của Indonesia.
Peng T. Ong - Giám đốc Công ty Monk's Hill Ventures tại Singapore - nói: “Với diễn biến môi trường vĩ mô hiện nay, sẽ ngày càng khó để đầu tư vào Trung Quốc, trong khi đó đầu tư ở Đông Nam Á lại ngày càng trở nên dễ dàng. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm Trung Quốc rót vốn vào các startup trong khu vực”.
Ông Hans Tung - một đối tác quản lý của GGV Capital - cho biết, đầu năm nay, GGV Capital đã mở một văn phòng đại diện ở Singapore và đang có kế hoạch phân bổ một phần nguồn vốn trị giá 1,8 tỷ USD vào các thị trường mới nổi, bao gồm các nước Đông Nam Á.
Link bài viết
Ngoài ra, các quỹ đầu tư tư nhân và ĐTMH nước ngoài khác cũng đang chú ý đến thị trường Đông Nam Á. Tháng trước, quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus (Mỹ) đã thông báo thành lập một quỹ đầu tư với số vốn 4,25 tỷ USD dành cho Trung Quốc và Đông Nam Á. Trong khi đó, Sequoia Capital India cũng đang rục rịch rót tiền vào khu vực này.
Khi Trung Quốc trải qua sự chuyển đổi từ Internet sử dụng máy tính cá nhân sang Internet di động, quá trình này đã giúp thúc đẩy đổi mới trong truyền thông, thương mại điện tử, cũng như các mô hình kinh doanh liên quan đến trải nghiệm khách hàng khác, và giúp tạo nên một số gã khổng lồ Internet của ngày nay. Một bộ phận lớn dân số trên khắp châu Á - Thái Bình Dương, mà cụ thể là Đông Nam Á, vẫn đang trong quá trình chuyển từ Internet sử dụng máy tính cá nhân sang Internet di động; thế nên người ta hoàn toàn có thể mong đợi một quỹ đạo phát triển tương tự như tại Trung Quốc vào vài năm trước, ông Jixun Foo - một đối tác quản lý của GGV Capital - cho biết.
Cơ hội tại Đông Nam Á sẽ nằm ở các lĩnh vực “có giá trị cao và khó mô phỏng mô hình kinh doanh” như bảo hiểm, logistics, giáo dục, du lịch và chăm sóc sức khỏe, thay vì các lĩnh vực “có giá trị thấp và dễ mô phỏng mô hình kinh doanh” như đi nhờ xe và giao thức ăn, ông Foo nhận định.