Phát biểu tại phiên họp của Nghị viện Anh, ông Pollard, nói: "SARS-CoV-2 không phải bệnh sởi. Nếu 95% dân số đã được tiêm vaccine phòng bệnh sởi, thì virus sẽ không thể lây lan trong cộng đồng. (Nhưng) Chúng tôi biết rất rõ rằng, biến chủng Delta vẫn có thể lây cho người đã tiêm chủng. Đồng nghĩa, bất kỳ ai chưa tiêm vaccine vào một thời điểm nào đó có thể sẽ nhiễm virus. Chúng ta không có bất kỳ thứ gì để ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm của virus. Với biến chủng hiện tại này, khả năng miễn dịch cộng đồng là không thể".
"Việc xóa sổ virus trong tương lai là không thể. Thực sự là bất khả thi", |
Miễn dịch cộng đồng dựa vào việc phần lớn dân số đạt được khả năng miễn dịch, thông qua tiêm vaccine hoặc nhiễm bệnh trước đó, khiến virus không còn có thể lây lan đáng kể cho phần còn lại của dân số. Do đó, với việc người đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19 vẫn có thể bị nhiễm biến chủng Delta rồi truyền cho người chưa tiêm, miễn dịch cộng đồng giờ đây đã là khái niệm không khả thi.
Theo Giáo sư Peter Doherty - người đoạt giải Nobel Y học năm 1996, vaccine được tiêm vào tay, nhưng để chống lây nhiễm SARS-CoV-2, kháng thể cần được duy trì cả ở mũi. "Kháng thể nhờ vaccine sẽ giúp ngăn chặn virus lây lan có hệ thống trong cơ thể, nhưng rất khó để giữ kháng thể ở mũi. Bạn cũng không thể duy trì mức độ kháng thể cao ở mũi bằng loại vaccine tiêm vào tay", ông Doherty nói.
Trên thực tế, dữ liệu công bố tuần trước từ Public Health England (PHE) cho thấy có rất ít sự khác biệt về lượng virus hiện diện ở người được tiêm và chưa được tiêm chủng dương tính với SARS-CoV-2. Theo đó, "một số phát hiện ban đầu cho thấy nồng độ virus ở người nhiễm biến chủng Delta đã được tiêm có thể tương tự mức độ tìm thấy ở người chưa tiêm".
Link bài viết
PHE cho biết, trong các trường hợp được xác nhận nhiễm biến chủng Delta đã nhập viện tại Anh từ ngày 19/7/2021, 55,1% chưa được tiêm, trong khi 34,9% đã được tiêm 2 liều vaccine Covid-19.
Kết luận của PHE cũng tương tự với phát hiện gần đây từ Mỹ, khi một nghiên cứu về đợt bùng dịch ở Massachusetts cho thấy lượng virus tương đương nhau trong số 127 người được tiêm đầy đủ và 84 người khác chưa được tiêm.
Do đó, "việc xóa sổ virus trong tương lai là không thể. Thực sự là khá bất khả thi", Giáo sư Fiona Russell - chuyên gia hàng đầu về vaccine tại Đại học Melbourne, Australia nhận định.
Các kịch bản kế tiếp?
Bình luận viên khoa học Liam Mannix của tờ Sydney Morning Herald cho rằng, trong trường hợp không loại bỏ được hoàn toàn Covid-19 bằng miễn dịch cộng đồng, thế giới sẽ chứng kiến 3 kịch bản của đại dịch. Một, Covid-19 sẽ chỉ gây cảm lạnh thông thường; hai, bệnh sẽ xuất hiện theo mùa và kịch bản tồi tệ nhất là ngày càng nhiều biến chủng nguy hiểm hơn xuất hiện.
Kịch bản thứ nhất dựa trên thực tế là hiện có ít nhất 4 loại virus corona gây cảm lạnh thông thường và không đáng lo ngại. Theo thời gian, Covid-19 có khả năng sẽ trở thành bệnh tương tự. "Khi tiếp xúc với virus thường xuyên, khả năng bảo vệ của hệ miễn dịch sẽ ngày càng tăng trong những lần tiếp xúc sau này, cả khi đối mặt với biến chủng", Jennie Lavine - nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Emory (Mỹ), cho biết.
Dù không triệt tiêu hoàn toàn sự lây nhiễm, song vaccine đã làm giảm đáng kể mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng, cung cấp mức độ bảo vệ cao chống lại việc nhập viện và tử vong, nên vì thế có thể khả năng tác động của Covid đối với xã hội sẽ mất dần theo thời gian, theo Paul Hunter - Giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia. "Covid ở lại nhưng có thể sẽ giống như các vius corona khác, là nguyên nhân gây cảm lạnh thông thường," ông này nói vào tháng trước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không chắc kịch bản này có thể thực sự xảy ra hay không, "do Covid-19 quá mới".
Trong kịch bản tồi tệ nhất, ngày càng nhiều biến chủng nguy hiểm hơn xuất hiện sẽ xuất hiện, đe doạ xoá sổ thành quả chống dịch đạt được trước đó. |
Nếu trở thành bệnh theo mùa, Covid-19 sẽ tương tự bệnh cúm, vốn đang bùng phát theo mùa và một số năm ghi nhận biến chủng nguy hiểm hơn. Kịch bản xấu nhất là biến chủng SARS-CoV-2 mới không ngừng xuất hiện, gây suy yếu lá chắn bảo vệ của vaccine. Bản thân Giáo sư Andrew Pollard cũng cho rằng, một biến chủng kế tiếp thậm chí còn "có thể lây truyền mạnh hơn giữa những người đã tiêm vaccine" có thể sẽ xuất hiện trong tương lai.
"Sáu tháng tới là giai đoạn củng cố thực sự quan trọng, trong quá trình chuyển từ dịch bệnh sang đặc hữu, đó là việc sống chung với Covid-19. Điều đó không có nghĩa là chúng ta sống chung với nó và chịu đựng nó - mà phải hỗ trợ những bệnh nhân mắc bệnh", ông Pollard nói.
Giải pháp khả thi
Do miễn dịch cộng đồng đã là kịch bản không thể, Giáo sư Pollard cho rằng, theo thời gian, cần phải chuyển từ xét nghiệm cộng đồng đối với các bệnh nhiễm trùng nhẹ sang xét nghiệm dựa trên lâm sàng đối với những người bị bệnh. "Chúng ta không cần phải tập trung nguồn lực đối với các ca nhiễm bệnh có triệu chứng nhẹ, vì điều này sẽ tăng cường khả năng miễn dịch của người dân. Thay vào đó, chúng ta chỉ cần tập trung điều trị lâm sàng các ca nhiễm Covid-19 nặng trong bệnh viện", ông nói.
Link bài viết
Đồng thời, để kiểm soát dịch và ngăn chặn kịch bản có thêm nhiều biến chủng nguy hiểm hơn, việc nhanh chóng tiêm vaccine cho toàn bộ dân số phải được đẩy mạnh. Giáo sư dược lý học tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London Stephen Evans cho biết, số lượng nhỏ người đã tiêm được đưa đến bệnh viện không phải là dấu hiệu cho thấy các vaccine kém, "chỉ là chúng không hiệu quả 100%". Thế nên, điều cấp bách hiện tại là tất cả dân số được tiêm đủ cả 2 liều vaccine ngay khi có thể.
Đồng thời, việc tiêm chủng rộng khắp và nhanh chóng cũng giúp làm giảm nguy cơ biến chủng nguy hiểm xuất hiện. Theo bác sĩ Anthony Fauci - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ, người chưa tiêm chủng đang tạo điều kiện làm xuất hiện thêm các biến chủng mới.
Ông Fauci khẳng định, virus càng lây lan trong nhóm chưa tiêm sẽ càng có nhiều cơ hội để biến đổi, có những đột biến "lành tính" nhưng cũng có đột biến nguy hiểm giúp chúng tránh hệ miễn dịch. Và, nếu biến chủng Delta tiếp tục lây lan, sẽ đến lúc một biến chủng mới nữa xuất hiện, gây nguy hiểm cho cả người chưa tiêm lẫn đã tiêm.
Trong khi đó, bác sĩ Gregory Poland - chuyên gia về vắcxin tại Mỹ, cho rằng, chỉ có thể đánh thắng Covid-19 khi và chỉ khi có siêu vaccine chặn được lây nhiễm. Theo ông Poland, mấu chốt là vaccine hiện tại có khả năng ngăn bệnh trở nặng nhưng không ngăn được virus lây cho người khác. Nguyên nhân vì virus vẫn có khả năng nhân lên trong mũi, cả ở người đã tiêm vaccine. Những người này sau đó có thể truyền bệnh khi hắt hơi, bắn các giọt li ti trong không khí.
Một số ý kiến cho rằng, thay vì tạo ra siêu vaccine, có thể kết hợp giữa vaccine tiêm bắp tay và vaccine xịt mũi. Điều này sẽ giúp bảo vệ cơ thể tốt hơn, ngăn virus nhân lên ở cửa ngõ xâm nhập.