Vàng thế giới mất mốc 1.500 USD, giá vàng trong nước lao dốc

Gia Lê| 11/09/2019 07:20

Thị trường vàng quốc tế đã có 4 ngày sụt giảm liên tiếp và đánh mất mốc hỗ trợ ở 1.500 USD/oz từ hôm qua cho đến nay. Hiện tại, giá vàng đang nằm quanh vùng 1.490 USD/oz, giảm 60 USD, tương đương gần 4% so với giá  mở cửa phiên đầu tuần này. Việc Mỹ và Trung Quốc nối lại đàm phán thương mại vẫn đang là yếu tố gây áp lực lên giá kim loại quý này.

Vàng thế giới mất mốc 1.500 USD, giá vàng trong nước lao dốc

Vào đầu ngày hôm nay, các chuyên gia phân tích tại Citigroup trong một bản lưu ý gửi cho khách hàng đã nhận định giá vàng sẽ chinh phục kỷ lục mới trong hai năm tới, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục cắt giảm dần lãi suất cơ bản USD về mức 0 trở lại.

Bản báo cáo viết: "Chúng tôi dự báo giá vàng sẽ ngày càng tăng mạnh hơn nữa và có thể phá mốc 2.000 USD/ounce vào một thời điểm nào đó trong năm tới hoặc hai năm nữa". Hiện tại, mức kỷ lục của kim loại quý này nằm tại 1.921 USD/oz thiết lập trong năm 2011, cũng là thời điểm mà lãi suất cơ bản của FED đang nằm ở mức 0. Trước Citigroup, BNP Paribas cũng đưa ra dự báo tích cực về triển vọng giá vàng khi cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ hạ lãi suất 4 lần từ nay cho tới giữa năm 2020.

Theo kịch bản cơ bản, Citigroup nâng dự báo giá vàng trên sàn Comex lên 1.575 USD/ounce trong quý IV, cao hơn 125 USD so với trước đó. Giá trung bình cho năm 2020 được nâng lên 1.675 USD/ounce, tăng 14% so với trước đó. Còn theo kịch bản thận trọng hơn với việc Mỹ không tiếp tục nới lỏng chính sách hoặc đàm phán thương mại Mỹ - Trung có bước tiến đột phá và lĩnh vực sản xuất của thế giới cải thiện mạnh mẽ, đỉnh của giá vàng sẽ là 1.550 USD/ounce trong chu kỳ này.

Mối quan tâm vào vàng vẫn tiếp tục gia tăng gần đây khi mà lực mua từ các tổ chức gây chú ý, từ các ngân hàng trung ương cho đến các quỹ đầu tư. Truyền thông quốc tế hôm thứ hai đưa tin Quỹ Blackrock’s iShares Gold Trust đã tăng dự trữ vàng quy đổi ra tiền thêm 96 triệu USD trong tuần trước, đánh dấu tuần thứ 13 mua vào liên tiếp và là chuỗi mua ròng dài nhất của quỹ ETF này từ năm 2013 cho đến nay. Tuy nhiên, dữ liệu mới đây cũng cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa đã giảm số lượng mua trong tháng 8.

Dù vậy, thị trường vẫn đang trải qua giai đoạn điều chỉnh rất khó chịu. Hiện tại, tâm điểm của giới đầu tư sẽ hướng về cuộc họp của NHTW châu Âu (ECB) sắp diễn ra. Kết quả của cuộc họp được kỳ vọng sẽ có tác động lên giá vàng vào cuối tuần này, khi một số dự báo cho rằng ngân hàng này sẽ cắt giảm lãi suất như là một phần của gói kích thích lớn hơn để thúc đẩy kinh tế trong khu vực.

Về thương mại, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục dịu đi sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ mua thêm nhiều nông sản từ Mỹ để đổi lấy việc hoãn lại các hàng rào thuế bổ sung mà phía Mỹ dọa tung ra. Đồng thời, Bắc Kinh cũng yêu cầu phía Mỹ nới lỏng lệnh cấm đối với Huawei.

Diễn biến cùng chiều với giá vàng quốc tế, giá vàng trong nước trong hai hôm nay cũng tuột mốc 42 triệu đồng/lượng khi mất hơn 1 triệu đồng/ lượng. Hiện tại, giá vàng SJC trong hôm nay được niêm yết mua vào ở mức 41,3 triệu đồng/lượng và bán ra ở 41,7 triệu đồng/lượng, chênh lệch chỉ có 400.000 đồng/lượng.

Tuy nhiên, giao dịch cũng khá ảm đạm do các nhà đầu tư e ngại thị trường vẫn có thể tiếp tục giảm thêm khi mốc hỗ trợ 1.500 USD/oz trên thị trường quốc tế đã bị phá vỡ. Trong khi đó, giá USD trên thị trường quốc tế lẫn trong nước vẫn không có nhiều thay đổi trong hai ngày qua, với chỉ số USD Index vẫn xoay quanh mốc 98,4 điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vàng thế giới mất mốc 1.500 USD, giá vàng trong nước lao dốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO