Văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Phát triển văn hóa đọc trong doanh nghiệp - Chiến lược phát triển nhân sự (Bài 4)
Văn hóa đọc trong doanh nghiệp (DN) không chỉ là biểu hiện của sự trau dồi tri thức, mà còn là nền tảng nuôi dưỡng tư duy chiến lược, sáng tạo và khả năng thích nghi - những yếu tố sống còn trong thời đại biến động. Khi người lãnh đạo coi trọng việc đọc và lan tỏa tinh thần học tập, tổ chức không chỉ phát triển bền vững, mà còn hình thành một hệ sinh thái tri thức nơi mỗi cá nhân đều có cơ hội trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Trong kỷ nguyên kinh tế tri thức, một doanh nghiệp (DN) vững mạnh không chỉ dựa vào tài chính hay công nghệ, mà còn được xây dựng trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp. Trong đó, văn hóa đọc đóng vai trò then chốt, không chỉ giúp nâng cao kiến thức chuyên môn, mà còn hình thành tư duy chiến lược, nâng cao năng lực sáng tạo, khả năng ra quyết định và thích ứng với những thay đổi của thị trường.
Đọc sách không đơn thuần là tiếp thu kiến thức, mà còn giúp nhân sự hiểu sâu hơn về giá trị của tư duy hệ thống, tính bền vững trong quản trị và sự nhạy bén trong kinh doanh. Khi mỗi cá nhân trong DN duy trì thói quen đọc, họ không chỉ tiếp nhận tri thức từ những cuốn sách chuyên môn, mà còn học hỏi từ kinh nghiệm thực tiễn của những doanh nhân, nhà quản trị hàng đầu, giúp họ phát triển toàn diện về tư duy, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp.
Tri thức - Lợi thế cạnh tranh trong thời đại số
Trong môi trường kinh doanh đầy biến động hiện nay, một DN chỉ có thể duy trì lợi thế cạnh tranh nếu sở hữu đội ngũ nhân sự không ngừng học hỏi và phát triển. Đọc sách giúp mở rộng tư duy, mang đến những góc nhìn mới, giúp nhân sự tiếp cận với những bài học thành công và cả thất bại từ các DN khác trên thế giới.
Đặc biệt, với sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), việc tiếp cận tri thức trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn bao giờ hết. AI có thể hỗ trợ người đọc bằng cách chắt lọc nội dung, tóm tắt những điểm quan trọng, giúp rút ngắn thời gian đọc mà vẫn đảm bảo tiếp nhận đầy đủ thông tin cần thiết. Tuy nhiên, công nghệ chỉ là công cụ hỗ trợ; giá trị cốt lõi vẫn nằm ở tư duy phản biện và khả năng ứng dụng tri thức vào thực tế công việc của mỗi người.
Những cuốn sách về quản trị DN, lãnh đạo, đổi mới sáng tạo hay trách nhiệm xã hội không chỉ giúp DN định hình văn hóa, mà còn tạo nên sự đồng lòng và thống nhất trong đội ngũ nhân sự. Khi mỗi cá nhân trong tổ chức cùng chia sẻ một nền tảng tri thức, họ sẽ có chung một tầm nhìn, một định hướng, từ đó tạo ra sự gắn kết và sức mạnh tập thể.

Phát triển văn hóa đọc trong DN
1. Xây dựng không gian đọc sách
Một trong những cách hiệu quả để thúc đẩy văn hóa đọc là tạo ra một không gian đọc sách trong DN. Một thư viện nhỏ, một góc đọc sách tại văn phòng hoặc một tủ sách với những đầu sách chọn lọc về kinh tế, quản trị, kỹ năng sống, truyền cảm hứng… sẽ khuyến khích nhân sự dành thời gian đọc mỗi ngày.
2. Tổ chức nhóm đọc và chia sẻ tri thức
Thay vì đọc sách một cách đơn lẻ, DN có thể tổ chức các nhóm đọc theo chủ đề, nơi nhân sự có thể thảo luận về những bài học rút ra từ sách, cách áp dụng vào công việc thực tế. Những buổi chia sẻ như thế này không chỉ giúp tăng cường tư duy phản biện mà còn tạo ra một môi trường làm việc cởi mở, gắn kết.
3. Lãnh đạo làm gương
Một DN chỉ có thể phát triển văn hóa đọc nếu người lãnh đạo tiên phong trong việc học hỏi và chia sẻ. Khi lãnh đạo thường xuyên giới thiệu những cuốn sách hay, khuyến khích nhân viên đọc và thảo luận, họ sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho nhân sự noi theo.
Tại New Toyo (Việt Nam), chúng tôi đã triển khai chiến lược này trong nhiều năm qua. Tôi thường tìm mua những cuốn sách hay để đọc và tặng cho đội ngũ quản lý. Việc đọc sách và review sách cũng trở thành một trong những KPIs quan trọng trong mục tiêu “học tập và phát triển” hàng năm. Điều này giúp mọi người có động lực đọc sách hơn, từ đó nâng cao năng lực tư duy và sáng tạo trong công việc.
4. Ứng dụng công nghệ vào văn hóa đọc
Trong thời đại số, DN có thể tận dụng các nền tảng đọc sách điện tử, sách nói (audiobook) để giúp nhân sự tiếp cận tri thức một cách linh hoạt hơn. Các ứng dụng như Kindle, Google Books, Storytel hay những nền tảng tóm tắt sách như Blinkist có thể giúp nhân sự dễ dàng đọc sách mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh đó, DN cũng có thể kết hợp AI vào văn hóa đọc, giúp nhân sự rút ngắn thời gian đọc bằng các bản tóm tắt thông minh, hoặc tạo ra những hệ thống quản lý tri thức nội bộ, nơi nhân viên có thể chia sẻ những bài học từ sách, bài báo, nghiên cứu chuyên ngành.
Văn hóa đọc - Chìa khóa cho sự phát triển bền vững
Phát triển văn hóa đọc trong DN không chỉ là một xu hướng mà còn là một chiến lược phát triển bền vững. Một DN có đội ngũ nhân sự ham học hỏi sẽ luôn đi đầu trong đổi mới, linh hoạt trước mọi biến động của thị trường và sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới.
Tri thức không chỉ giúp DN vận hành hiệu quả hơn mà còn tạo ra một hệ sinh thái nơi mỗi cá nhân đều có cơ hội phát triển. Một DN coi trọng văn hóa đọc chính là một DN coi trọng con người và đó chính là nền tảng của mọi thành công.