Ngôn từ của đá
Thông thường, những tác phẩm tranh hội họa thủy mạc, sơn dầu, thư pháp, tranh mỹ nghệ đậm chất quà tặng được tạo hình từ vỏ trứng đà điểu hoặc lấy nguyên liệu từ hạt gạo, hạt đậu ngũ sắc, thậm chí hạt cát để hình thành những tác phẩm nghệ thuật tạo hình đồ họa thể hiện được sự thanh lịch, tao nhã và thông điệp mà người sáng tác nghệ thuật (nghệ sĩ, nghệ nhân) muốn thể hiện cảm xúc, tư duy, cách nhìn để gửi gắm cho người xem.
Tôi đến với triển lãm “Ký tự đá - Nhặt và cảm” tại Bình Minh Gallery theo thư mời của tác giả, nhà báo Nguyễn Thanh Minh - nguyên Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn (nhiệm kỳ năm 2009-2014). Anh giữ vai trò phó tổng biên tập từ năm 2003. Dường như anh đã tìm được thú vui và niềm vui cho khoảng thời gian hưu trí của mình từ việc khám phá loại hình nghệ thuật tranh ký tự đá qua chính đôi bàn tay và sức sáng tạo mỹ thuật của riêng mình, cho dù là ngẫu hứng hay sáng tác có chủ đích.
Chiếc áo sơ mi của anh đã thấm đẫm mồ hôi, giọng nói anh cũng “khàn khàn”, chắc có lẽ do mất nhiều công sức cho công tác chuẩn bị cũng như tiếp đón lượng khách là bạn bè, đồng nghiệp, doanh giới đến dự lễ khai mạc buổi sáng khá đông đúc, nhưng khuôn mặt anh vẫn toát lên sự vui mừng và hào hứng “thao thao” diễn giải cho tôi những tác phẩm tiêu biểu như Trái tim xá lợi, Nối vòng tay lớn, Rừng hồi sinh, Ngân hà vũ khúc, Giữ yên biển đảo, Nhịp sống đô thị, Sen trong ký ức, Lan tỏa… trong tổng số 58 tác phẩm triển lãm bằng đa chất liệu đá thiên nhiên từ đá - đá, đá - gỗ, đá - lá cây, đá - kim loại đến đá - san hô. Riêng đá thì có đủ loại từ đá cuội, thạch anh, cẩm thạch, mã não, mắt hổ… đủ sắc màu sáng tối.
“Anh mất bao lâu để hoàn tất một tác phẩm?”, tôi hỏi đùa cho vui .
“Có khi một tác phẩm một tháng, nhưng đôi lúc cả năm không có tác phẩm nào”, anh trần tình rất thật lòng.
Rõ ràng anh Thanh Minh đã góp tiếng nói của một người con đất Việt bằng chính những suy nghĩ, thấu cảm với vũ trụ, tình yêu, niềm tin và lẽ sống cần có của con người lột tả trên tác phẩm của mình. Một hiệu ứng trong sáng tác nghệ thuật với những thông điệp mạch lạc, có chủ đề, chủ đích chạm đến trái tim người thưởng lãm… Và tôi là một trong số những người “nhặt và cảm” được một tác phẩm gieo duyên trong ký tự đá trong lúc thả bộ trong phòng tranh.
Đó là lúc mà luồng cảm xúc trong tôi trỗi dậy khi tấm tranh Kết nối chạm vào mắt tôi và buộc tôi phải dừng chân lại để chiêm nghiệm, suy ngẫm… Những viên đá cẩm thạch long lanh màu trắng ngà, xanh lục đậm nhạt được đưa vào một bố cục “xếp đá thành tranh”, với hai hình khối đối lập mảng to và mảng nhỏ, với hai màu đá tương phản nhưng lại được kết nối bằng hai viên đá mã não màu đỏ rực tạo hình trái tim đặt ở giữa.
Tôi không ngần ngại chia sẻ với anh Thanh Minh vì sao tôi chọn tác phẩm này, bởi ngoài chữ “duyên lành”khi chọn mua bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật, đâu đó tôi cảm được như một thông điệp, một sứ mệnh, một luồng gió mới mà vũ trụ đã thổi vào người làm tôi cần bừng tỉnh để đón nhận vai trò và trọng trách - Phó chủ tịch Hội Bảo trợ dạy môn Hoa văn TP.HCM.
Hai mảnh tim nằm trọn ở giữa hai khối đá xếp thẳng hàng thẳng lối nhưng lại chĩa về hai hướng đối lập trong một hình khối thống nhất như một lời nhắn nhủ đâu đó rằng: “Tôi cần sự cân bằng trong học tập và san sẻ yêu thương, trách nhiệm cùng với cộng đồng doanh giới cả Việt lẫn Hoa”.
Những viên đá có vẻ như là một vật thể tĩnh lặng, nhưng thông qua khối óc sáng tạo trong nghệ thuật và bàn tay khéo léo trong sắp đặt bố cục tạo hình của con người, đá trở nên một vật thể có khả năng giao tiếp và truyền tải thông điệp tượng trưng mà người sáng tác đã gán và gửi gắm.