Văn hóa đọc trong doanh nghiệp: Doanh nghiệp có văn hóa đọc - Lợi thế từ tri thức (Bài 1)
Văn hóa đọc trong doanh nghiệp (DN) không chỉ là biểu hiện của sự trau dồi tri thức, mà còn là nền tảng nuôi dưỡng tư duy chiến lược, sáng tạo và khả năng thích nghi - những yếu tố sống còn trong thời đại biến động. Khi người lãnh đạo coi trọng việc đọc và lan tỏa tinh thần học tập, tổ chức không chỉ phát triển bền vững, mà còn hình thành một hệ sinh thái tri thức nơi mỗi cá nhân đều có cơ hội trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.
Đọc - Kết nối tri thức, vun bồi nội lực doanh nghiệp
Trong một thế giới không ngừng chuyển động, sách, dù là bản in hay số hóa vẫn là người bạn đồng hành quý giá trên hành trình khởi nghiệp, kế nghiệp và phát triển tổ chức. Đọc không chỉ để học, mà còn để hiểu mình, hiểu người, từ đó định hình tầm nhìn và bản lĩnh vượt qua biến động.
Tại các doanh nghiệp, văn hóa đọc đang ngày càng trở thành nền tảng quan trọng để nuôi dưỡng tư duy chiến lược, sáng tạo và khả năng thích nghi những năng lực sống còn của người lãnh đạo. Từ các tủ sách doanh nghiệp đến chương trình tặng sách vùng sâu vùng xa, từ thói quen đọc đến tinh thần viết và chia sẻ tri thức, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đang hình thành một hệ sinh thái tri thức bền vững, nhân văn.
Đặc biệt, trong bối cảnh TP.HCM là thành phố duy nhất của Việt Nam tham gia Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu của UNESCO, việc doanh nhân tiên phong đọc, viết và lan tỏa tri thức không còn là lựa chọn cá nhân mà đã trở thành sứ mệnh văn hóa giáo dục, góp phần xây dựng xã hội học tập và nâng tầm nội lực quốc gia.
Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn thực hiện chuyên đề này nhằm lan tỏa tinh thần học tập, tư duy đổi mới trong cộng đồng doanh nhân.

Trong bối cảnh nền kinh tế liên tục biến động, việc xây dựng một nền tảng văn hóa vững chắc không chỉ là lợi thế cạnh tranh mà còn là yếu tố sống còn để các doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững.
Từ lãnh đạo truyền cảm hứng, lan tỏa văn hóa đọc
Văn hóa đọc trong DN không đơn thuần là việc khuyến khích nhân viên đọc sách, mà quan trọng hơn, đó là cách tạo dựng một hệ sinh thái tri thức - nơi mà mỗi cá nhân đều có cơ hội tiếp cận, trao đổi và áp dụng kiến thức vào thực tiễn công việc. Tuy nhiên, để xây dựng một văn hóa đọc mạnh mẽ, không chỉ nhân viên mà chính lãnh đạo phải là người tiên phong. Khi người đứng đầu DN xem việc đọc là một phần trong phong cách lãnh đạo, họ sẽ truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần học tập đến toàn bộ tổ chức.
Là một người có niềm đam mê mãnh liệt với sách, doanh nhân Phạm Sơn Tùng - Phó chủ tịch HĐQT CF Holdings luôn tin rằng tri thức là nền tảng cho mọi quyết định sáng suốt. Ông hình thành thói quen đọc từ khi còn nhỏ, với sở thích đa dạng từ sách chính trị, tiểu sử đến tư duy phát triển bản thân, tài chính và đầu tư... Chính thói quen này đã giúp ông tích lũy vốn kiến thức phong phú, rèn luyện kỹ năng và phát triển sự nghiệp đến ngày hôm nay.
Dù lịch trình bận rộn, ông Tùng vẫn duy trì thói quen đọc sách mỗi ngày, tranh thủ thời gian trên các chuyến công tác. Với ông, sách không chỉ là người bạn đồng hành thân thiết, mà còn là nguồn cảm hứng để kiến tạo văn hóa tri thức trong tổ chức. “Buổi sáng sớm là thời điểm tôi tập trung nhất, đặc biệt phù hợp để đọc những cuốn sách “khó nhằn” nhưng rất cần thiết cho việc phát triển tư duy lãnh đạo và định hình tổ chức”, ông chia sẻ.
Theo ông Tùng, “văn hóa đọc là mảnh đất màu mỡ để nuôi dưỡng sự sáng tạo và đổi mới. Việc tiếp xúc với những ý tưởng mới và các góc nhìn đa chiều thông qua sách vở giúp mở rộng tư duy, khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo và thúc đẩy quá trình đổi mới sản phẩm, dịch vụ cũng như cải tiến quy trình làm việc”.
Tại DN của ông, văn hóa đọc không chỉ là khẩu hiệu mà được cụ thể hóa thành những hành động cụ thể. Bên cạnh khuyến khích tập thể dục, ông Tùng thường xuyên chia sẻ những cuốn sách hữu ích với đội ngũ. Chính sự dẫn dắt đó đã hình thành một “làn sóng đọc sách” lan tỏa trong nội bộ, giúp nhân viên trau dồi tri thức và nâng cao năng lực chuyên môn.
“Chia sẻ thói quen đọc sách cũng giống như gieo mầm - không thể mong đợi một khu rừng ngay lập tức. Nhưng nếu kiên trì và tạo ra môi trường phù hợp, những hạt giống ấy sẽ nảy mầm và phát triển bền vững”, ông Tùng nói.

Đến hệ sinh thái tri thức phát triển bền vững
Trong mô hình kinh doanh của CF Holdings, các đối tác không chỉ là người phân phối sản phẩm mà còn trực tiếp kết nối khách hàng, truyền tải giá trị và tầm nhìn của DN. Để làm tốt vai trò đó, họ cần liên tục cập nhật kiến thức chuyên môn, nâng cao kỹ năng quản lý và tư duy chiến lược. Công ty xác định học tập suốt đời là yếu tố cốt lõi, và văn hóa đọc là một phần quan trọng trong hành trình đó.
Dù tài liệu điện tử ngày càng phổ biến, nhưng việc cầm trên tay một cuốn sách vẫn mang lại trải nghiệm đặc biệt. “Nhiều người thích dùng sách nói khi chạy bộ hoặc làm việc nhà. Thói quen ấy rất tốt. Nhưng với tôi, việc luôn có một cuốn sách trong túi xách, được lật từng trang thơm mùi giấy mới, luôn mang đến cảm giác rất riêng,” ông Tùng chia sẻ.
Hiện nay, công ty ông Tùng đã triển khai nhiều hoạt động khuyến đọc từ cấp nội bộ đến hàng nghìn đối tác trên toàn quốc. Công ty xây dựng thói quen đọc sách hàng ngày - mỗi ngày vài trang, không giới hạn nội dung, từ chuyên môn đến các chủ đề mở rộng khác. Sự tích lũy từng chút một chính là nguồn năng lượng tích cực hỗ trợ công việc và cuộc sống.
Một trong những điểm đặc biệt trong cách xây dựng văn hóa đọc tại DN này là việc biến thói quen đọc sách từ hoạt động cá nhân trở thành phong trào cộng đồng. Ban đầu, nhiều người chọn đọc sách như một cách để học tập và thích nghi với những thay đổi, nhưng dần dần, họ bắt đầu chia sẻ kiến thức với nhau thông qua các buổi sinh hoạt nhóm, thảo luận trực tuyến và hội thảo chuyên đề.
Khi mỗi cá nhân phát triển, tổ chức sẽ vững mạnh
Văn hóa đọc tại CF Holdings không dừng lại trong nội bộ mà đã lan rộng tới hệ thống đối tác kinh doanh. Họ không chỉ đọc để nâng cao năng lực cá nhân, mà còn ứng dụng tri thức vào thực tế - từ kỹ năng giao tiếp, đàm phán đến chiến lược kinh doanh.
“Văn hóa đọc đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho bản thân tôi và đội ngũ. Nhiều khi tôi đi công tác về, thấy các cộng sự thay đổi rõ rệt nhờ những gì họ đọc và áp dụng. Họ chủ động hơn, sáng tạo hơn. Đó là điều khiến tôi càng tin rằng: tổ chức chỉ vững mạnh khi từng cá nhân không ngừng phát triển”, ông Tùng nói.
Không chỉ khuyến khích đọc sách, công ty của ông Tùng còn tạo điều kiện để việc đọc trở nên thiết thực. Thay vì tặng quà vật chất, công ty tặng sách phù hợp với ngành nghề và định hướng cá nhân hoá trải nghiệm tri thức cho từng đối tác. Đồng thời, công ty còn hợp tác với nhà xuất bản để phát triển các tài liệu chuyên sâu, như việc phối hợp với First News chuyển ngữ cuốn Sữa non - Nguồn dinh dưỡng miễn dịch quý giá của các chuyên gia quốc tế.
Có thể nói, văn hóa đọc không chỉ giúp mỗi cá nhân phát triển mà còn mang lại lợi ích dài hạn cho tổ chức. Khi tinh thần học tập suốt đời lan tỏa, DN sẽ sở hữu một đội ngũ không ngừng làm mới mình, thích nghi với thay đổi và kiến tạo giá trị vượt trội. Từ từng cá nhân, đến cộng đồng, rồi đến cả hệ thống - văn hóa đọc đã giúp xây dựng một DN không chỉ vững mạnh, mà còn góp phần lan tỏa giá trị tri thức tới cộng đồng, bền vững và dài lâu.