Tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài tăng cao

THANH HUYỀN| 18/05/2018 03:33

Hiện có trên 70% tranh chấp thương mại tại Việt Nam có yếu tố nước ngoài.

Tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài tăng cao

Trung Quốc, Mỹ, Singapore là những quốc gia có số doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp nhiều nhất bằng cơ chế trọng tài - ông Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết.

* Ông nhận xét thế nào về tình trạng tranh chấp thương mại trên thị trường nội địa hiện nay?

- Một trong những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm gần đây là khu vực đầu tư nước ngoài (FDI). Tính đến tháng 12/2017, cả nước có 24.748 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 318,72 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện 172,35 tỷ USD.

Ngày càng nhiều nhà đầu tư xuyên biên giới quan tâm đến an toàn pháp lý, bảo toàn vốn và doanh thu cũng như lợi ích của quốc gia khi đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ đã cam kết đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam bằng cách đưa ra hành lang pháp lý, mà Luật Đầu tư là một ví dụ.

Tuy nhiên, những vướng mắc trong quá trình kinh doanh đã nảy sinh nhiều vấn đề giữa các bên bỏ vốn, khiến tỷ lệ tranh chấp thương mại có xu hướng tăng cao, trong đó tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm tới 40,07%.

* Theo ông thì vì sao các doanh nghiệp thường sử dụng trọng tài để xử lý tranh chấp thương mại?

- Xu hướng sử dụng trọng tài để xử lý tranh chấp thương mại ngày càng tăng. Năm 2014, có 72 vụ vướng mắc đã được Bộ kế hoạch và Đầu tư xử lý. Hiện nay, mỗi tuần các cơ quan trung ương tiếp nhận trung bình một vụ tranh chấp thương mại. Những vướng mắc và tranh chấp thương mại chủ yếu giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam. Trọng tài là nơi giải quyết các tranh chấp thương mại hiệu quả, đặc biệt với những tranh chấp vượt khỏi phạm vi một quốc gia.

Khi đầu tư kinh doanh, tranh chấp là điều không ai mong muốn, nhưng nhà đầu tư chuyên nghiệp phải lường trước khả năng này. Song vấn đề đặt ra là phải có khả năng phòng ngừa và có biện pháp cần thiết để hạn chế tối đa rủi ro có thể phát sinh.

ông Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

ông Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

* Như ông nói, trọng tài có thể xử lý tranh chấp một cách hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên. Nhưng đạt được điều này là không dễ?

- Một trong những nguyên tắc của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam là tôn trọng tối đa quyền tự do của các bên tranh chấp. Các bên tự do lựa chọn và thỏa thuận việc sử dụng ngôn ngữ khi đưa ra trọng tài giải quyết tranh chấp thương mại. Các bên có thể chọn luật Việt Nam, luật Hoa Kỳ, Pháp, hay luật của bất kỳ quốc gia nào để giải quyết tranh chấp. Điều này giúp các bên đảm bảo được tính trung lập.

* Ông có thể cho biết Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam có thiết chế gì đặc biệt?

- Khi tranh chấp đưa ra giải quyết tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam yếu tố quốc tế rất cao được giải quyết bởi các trọng tài viên là người nước ngoài, áp dụng ngôn ngữ nước ngoài, áp dụng luật nước ngoài. Thậm chí, có những vụ việc được giải quyết ngoài lãnh thổ Việt Nam, trong trường hợp này vai trò của VIAC là tạo ra một thiết chế để các bên được tự do lựa chọn những cơ chế phù hợp nhất giải quyết vụ tranh chấp để đảm bảo được hiệu quả.

* Cảm ơn ông!  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh chấp thương mại có yếu tố nước ngoài tăng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO