Thông tin dự báo: Biết tin vào ai?

THƯ ANH| 23/05/2009 04:54

Không phải vô cớ mà các chuyên gia kinh tế kỳ cựu như TS. Lê Đăng Doanh hay bà Phạm Chi Lan lại khẩn khoản cảnh báo rằng: Khi dấu hiệu hồi phục chưa rõ ràng thì những thông điệp và cách điều hành nền kinh tế cần thận trọng. Họ đưa ra lời cảnh báo này sau khi liên tiếp trong các tuần qua, quan chức đứng đầu một số bộ, ngành đưa ra những lời phát biểu cho rằng “kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục sớm”.

Không phải vô cớ mà các chuyên gia kinh tế kỳ cựu như TS. Lê Đăng Doanh hay bà Phạm Chi Lan lại khẩn khoản cảnh báo rằng: Khi dấu hiệu hồi phục chưa rõ ràng thì những thông điệp và cách điều hành nền kinh tế cần thận trọng. Họ đưa ra lời cảnh báo này sau khi liên tiếp trong các tuần qua, quan chức đứng đầu một số bộ, ngành đưa ra những lời phát biểu cho rằng “kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục sớm”.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong bản báo cáo mới nhất đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của VN xuống 3,3% trong năm nay.

Theo bà Phạm Chi Lan, hiện còn hơi sớm để xác định là kinh tế VN đã bắt đầu tiến trình hồi phục. Các dấu hiệu hồi phục ghi nhận được hiện nay còn chưa vững vàng. Đánh giá này dựa trên cơ sở kinh tế toàn cầu vẫn trong tình trạng khó khăn, trong lúc kinh tế VN lại lệ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư trực tiếp. Cho đến giờ, đối với VN, xuất khẩu và nguồn đầu tư vẫn chưa đạt được mức trước đây. Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Cung, thuộc Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cùng một nhận định: “Kinh tế VN đã thể hiện một số dấu hiệu tích cực, nhưng chưa vững chắc”.

Giữa hai luồng thông tin trái chiều, biết tin ai?

Sự sống còn của nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào việc nghe ngóng thông tin chính xác để nắm bắt thị trường, qua đó chủ động mua thiết bị, dự trữ nguyên liệu hay quyết định tăng cường sản xuất... Thế nhưng, từ lâu nay, doanh nghiệp VN luôn than phiền thiếu thông tin, còn nhận được thông tin thì nhiều khi... trật. Hôm nay quả quyết tuyên bố giá xăng không lên thì mai xăng lên; khẳng định như đinh đóng cột “không để giá lên”, thì mai giá lên vọt... Những dự báo hoặc tuyên bố kiểu như vậy làm cho thị trường thêm rối ren, đặc biệt nó xuất phát từ chính các lãnh đạo đầu ngành.

Trong nền kinh tế hiện nay đã có nhiều lĩnh vực “siêu nhạy cảm” thu hút rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, liên quan tới hàng triệu gia đình, đặc biệt là chứng khoán, nhà đất hay thị trường vàng... Thực tế cho thấy, những thị trường này nhiều khi đảo lộn chỉ bởi vài thông tin không chính thức phát ra, thậm chí cả những tin vịt. Vì vậy, nếu thông tin chính thức không chính xác càng dễ khiến thị trường bất an hoặc diễn tiến xấu. Nhiều gia đình, cá nhân đã đổ nợ, nhiều nhà đầu tư trắng tay chỉ vì cả tin vào những dự báo kiểu... trật!

Vì vậy, nếu như có phát ngôn “kinh tế VN có dấu hiệu lạc quan hồi phục sớm” thì phải nói rõ là hồi phục như thế nào, hồi phục lĩnh vực gì... Để nói rằng những chỉ số tăng trưởng tốt đó là dấu hiệu của hồi phục kinh tế hay chưa, là vấn đề cần phải thận trọng và cần phải có tiêu chí rõ ràng. Chẳng hạn phải nói rõ là GDP tăng trưởng như thế nào thì nền kinh tế mới thực sự hồi phục; mức độ tăng trưởng tín dụng là bao nhiêu, mức độ tạo công ăn việc làm là bao nhiêu; số người thất nghiệp đã giảm hay chưa...

Đúng là doanh nghiệp đang rất cần một cơ chế thông tin hay phát ngôn chính thức về những con số nhạy cảm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thông tin dự báo: Biết tin vào ai?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO