Tỷ lệ nội địa hóa dệt may Việt Nam gần đạt mục tiêu 60%

HT| 20/09/2022 01:27

Từ trước đến nay, dệt may chỉ đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50%, nhưng 8 tháng năm 2022, tỷ lệ nội địa hóa của ngành dệt may đã lên 57%, đạt gần mục tiêu 60% của năm 2025.

Tỷ lệ nội địa hóa dệt may Việt Nam gần đạt mục tiêu 60%

Báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho thấy, trong 8 tháng vừa qua, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 30,2 tỷ USD, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong vòng hơn 10 năm qua.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tất cả nhập khẩu nguyên vật liệu, phụ liệu cho ngành dệt may là khoảng 13 tỷ USD (sau khi loại trừ khoảng trên 1,5 tỷ USD phụ liệu cho ngành giày da). Như vậy, ngành dệt may Việt Nam đã tạo ra 17 tỷ USD, thặng dư thương mại từ xuất khẩu và trong số này chỉ có khoảng 6,5 tỷ USD là tiền lương cho người lao động còn lại là gần 11 tỷ USD là việc mua các nguồn nguyên liệu, phụ liệu ở trong nước.

Bên cạnh việc tạo kim ngạch, ngành dệt may còn tạo động lực để phục hồi nhiều doanh nghiệp ở các loại hình khác nhau. Đáng chú ý, tuy dệt may chỉ có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ tư trong các ngành nhưng thặng dư thương mại của dệt may luôn luôn đứng thứ nhất. Đơn cử, ngay năm 2021 đã đạt khoảng 20 tỷ USD.

Trong các nước xuất khẩu dệt may, Việt Nam là nước có chính sách mở cửa hoạt động bình thường sớm nhất so với Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Chính vì thế, nửa đầu năm nay, ngành dệt may Việt Nam đã tận dụng được cơ hội này rất lớn, đơn hàng dồi dào, kết quả kinh doanh tốt, hiệu quả cao. Đây là phản ứng tích cực từ chính sách, trong đó có việc vừa mở cửa, vừa có chính sách hỗ trợ để người lao động quay trở lại doanh nghiệp nhanh nhất, phục hồi thị trường lao động cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhờ chủ động triển khai các chính sách hỗ trợ tiền lương cho người lao động khi doanh nghiệp phải đóng cửa phòng chống dịch; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà khi người lao động quay trở lại sản xuất… các ngành xuất khẩu, trong đó có dệt may đã thu được lợi ích, thể hiện rõ nét trong hiệu quả sản xuất kinh doanh với mức tăng trưởng cao, tiếp tục cải thiện thị phần và chất lượng tăng trưởng.

Tuy nhiên, đến nay, những dư địa chính sách đã thực hiện sớm đem lại lợi ích cho ngành dệt may và các ngành xuất khẩu khác của Việt Nam thì các quốc gia khác cũng đã áp dụng. Hiện các nước cũng đã mở cửa, trở lại sản xuất bình thường, triển khai các biện pháp hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp như ở Bangladesh, Ấn Độ… Trong khi đó, cầu của thế giới giảm mạnh do kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng cao.

Theo đánh giá, trong nửa đầu năm, kinh tế Mỹ lạm phát lên tới 9% so với tháng 6/2021, nhưng giá hàng hóa dệt may lại giảm giá 9%. Hàng hóa tồn kho tăng rất cao. Có thể thấy, nếu trong 8 tháng đầu năm bình quân mỗi tháng ngành dệt may có thể xuất được 3,7-3,8 tỷ USD thì dự kiến 4 tháng cuối năm chỉ xuất được 3,1-3,2 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tỷ lệ nội địa hóa dệt may Việt Nam gần đạt mục tiêu 60%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO