Doanh nghiệp làm gì khi bị bêu xấu trên mạng xã hội?

Vân Ly| 10/02/2020 09:00

Sự nở rộ của các loại hình mạng xã hội khiến cho việc chia sẻ thông tin trở nên dễ hơn, cũng chính vì điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp trở thành đối tượng bị "bêu xấu" trên mạng một cách vô căn cứ. Vậy doanh nghiệp phải làm gì khi trở thành đối tượng bị bêu xấu đó?

Doanh nghiệp làm gì khi bị bêu xấu trên mạng xã hội?

Doanh nghiệp bị bêu xấu trên mạng có thể phản ánh đến cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Thông tin và Truyền thông, công an địa phương, để được áp dụng các biện pháp cần thiết đối với hành vi đăng tải thông tin sai lệch.

Thu thập bằng chứng 

Khi phát hiện bị các cá nhân, tổ chức bêu xấu, làm ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu, hoạt động kinh doanh của đơn vị mình, việc đầu tiên doanh nghiệp cần làm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình là thu thập ngay bằng chứng làm cơ sở pháp lý, nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp hỗ trợ và giải quyết theo quy định của pháp luật.

Để chứng cứ có giá trị pháp lý, doanh nghiệp nên yêu cầu Thừa phát lại lập vi bằng về những thông tin, hành vi bêu xấu đó. Theo quy định của pháp luật, vi bằng chính là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.

Tuy nhiên, khi yêu cầu lập vi bằng thì doanh nghiệp cần lưu ý về lãnh thổ, khu vực hoạt động của văn phòng Thừa phát lại. Cụ thể, văn phòng Thừa phát lại chỉ lập vi bằng các sự kiện, hành vi xảy ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở của văn phòng Thừa phát lại đó.

Link bài viết

Yêu cầu gỡ tin, bài và thông báo tình trạng vi phạm 

Theo khoản d Điều 8 Luật An ninh mạng, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác được xem là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trên không gian mạng.

Cũng theo khoản 9 Điều 16 Luật An Ninh Mạng, tổ chức, cá nhân soạn thảo, đăng tải, phát tán thông tin trên không gian mạng có nội dung quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này phải gỡ bỏ thông tin khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. 

Theo đó, sau khi đã lưu bằng chứng về việc bị bêu xấu trên mạng xã hội, doanh nghiệp có quyền yêu cầu chính tổ chức, cá nhân đăng tin, bài bêu xấu này chấm dứt hành vi đăng tin sai sự thật bằng cách gỡ tin, bài đã đăng về tổ chức của mình, cải chính thông tin và bồi thường thiệt hại (nếu có). 

Hơn nữa, các mạng xã hội phổ biến hiện nay (như Facebook hay Instagram) có chính sách hỗ trợ người dùng thông báo đối với việc tạo lập tin giả gây thiệt hại tới tổ chức, cá nhân khác. Như vậy, doanh nghiệp cần chủ động thông báo tới đơn vị chủ quản của mạng xã hội về thông tin bêu xấu này kèm theo vi bằng và các chứng cứ khác để làm cơ sở cho họ xem xét loại bỏ thông tin vi phạm. 

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bị bêu xấu trên mạng có thể phản ánh đến cơ quan chức năng, cụ thể là Sở Thông tin và Truyền thông, công an địa phương, để được áp dụng các biện pháp cần thiết đối với hành vi đăng tải thông tin sai lệch, không đúng sự thật. Tùy theo mức độ vi phạm, đối tượng đăng tin sai sự thật sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Khởi kiện và yêu cầu đền bù thiệt hại

Việc bêu xấu doanh nghiệp trên mạng xã hội gây ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật. Doanh nghiệp có thể khởi kiện đến Tòa án yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm thực hiện bồi thường thiệt hại, công khai xin lỗi và đính chính thông tin. 

Link bài viết

Với những chứng cứ về hành vi đăng tải thông tin sai lệch, không đúng sự thật, doanh nghiệp cần thu thập các chứng cứ chứng minh sự thiệt hại của doanh nghiệp do hành vi bêu xấu đó gây ra. như: bị đối tác hủy mua, hoặc bị loại hồ sơ khỏi các dự án mà doanh nghiệp tham gia đấu thầu, bị người tiêu dùng tẩy chay, doanh thu giảm... 

Như vậy, mạng xã hội ngày nay mang lại nhiều lợi ích cũng đi kèm với những hệ lụy xấu khác. Do đó, khi bị bêu xấu thì các doanh nghiệp cần bình tĩnh, đưa ra giải pháp xử lý phù hợp với thái độ ứng xử văn minh, nhằm có thể kịp thời ngăn chặn, đẩy lùi những thông tin xấu, tin giả lan truyền, tránh làm mất niềm tin trong xã hội, đặc biệt là người tiêu dùng.

Kết lại, khi có sự kiện doanh nghiệp bị ảnh hưởng về việc bị bêu xấu trên mạng, chủ thể bị bêu xấu có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền và lợi ích của mình:

1. Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền và lợi ích;

2. Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

3. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm theo quy định của Luật An ninh mạng và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

4. Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

· Điện thoại tư vấn pháp luật miễn phí: 1800 6365

· Thư từ hỗ trợ, giải đáp pháp luật: 

Gửi về Trung tâm Tư vấn pháp luật - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Lầu 5, Số 22 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp làm gì khi bị bêu xấu trên mạng xã hội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO