Trong năm 2019, Trung Quốc đã chi 728,6 triệu USD để nhập cá tra từ Việt Nam. Lãnh đạo Công ty CP Nam Việt (Navico) tin rằng, việc tự chủ 100% nguyên liệu sẽ là một lợi thế để công ty tăng sản lượng cá tra vào Trung Quốc, hoàn thành các mục tiêu đạt ra.
Năm 2019, Navico đã xuất đi 3.290 container, doanh thu đạt 153,5 triệu USD, tăng 19% so với năm 2018, cũng là năm doanh thu đạt mức cao nhất trong 10 năm trước đó. Thế nhưng, xuất khẩu vào Trung Quốc của Navico đã sụt giảm tới 87% trong tháng 2 vừa qua, thách thức mục tiêu tăng trưởng bền vững của công ty, trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu hai tháng đầu năm nay giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019.
Trung Quốc cùng với Đông Nam Á và châu Âu là ba thị trường xuất khẩu chính của Navico. Hiện nay, theo ông Doãn Tới - Tổng giám đốc Navico, kinh doanh của công ty vẫn diễn ra bình thường nhưng công suất đã thấp hơn. Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc chậm lại trong hai tháng đầu năm, chỉ đạt 2,03 tỷ USD, giảm 10,2% so với năm 2018, trong khi thị trường này chiếm 36% tổng sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, do hệ thống bán lẻ, siêu thị đình trệ, hệ thống giao nhận bị tắc nghẽn bởi dịch Covid-19 nên các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc sụt giảm đến 52% trong hai tháng đầu năm 2020.
Thị trường Trung Quốc sụt giảm, Công ty CP Vĩnh Hoàn đã buộc phải hạ lợi nhuận năm 2020 xuống khoảng 10% so với kế hoạch, đồng thời dịch chuyển sang thị trường EU để đảm bảo doanh số. Năm 2020, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn có thể tăng gần 10% nhưng lợi nhuận sau thuế có thể giảm gần 19%, theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC).
Phi lê cá tra |
Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính cũng là một lý do tác động và khiến cho biên lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn bị thu hẹp trong cả năm nay, với giá bán dự kiến giảm 2% so với năm 2019 và chi phí nguyên vật liệu dự kiến tăng 9%.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, Trung Quốc một mặt siết chặt các tiêu chuẩn nhập khẩu, an toàn vệ sinh thực phẩm, mặt khác lại thúc đẩy doanh nghiệp tổ chức nuôi cá tra ở trong nước.
Tổng công ty Nuôi trồng thủy sản và Thức ăn chăn nuôi Quảng Đông - Evergreen Group của Trung Quốc đang chế biến khoảng 7.000 tấn cá tra và cá basa mỗi một năm. Với quy mô 4 nhà máy chế biến, Evergreen đang là một đối thủ có thể làm giảm thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam vào Trung Quốc.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, nuôi cá tra gặp khó khăn và chưa có dấu hiệu phục hồi, giá cá tra hiện ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Người nuôi lo ngại nên không mạnh dạn thả nuôi. Sản lượng cá tra tháng 3/2020 ước tính đạt 74.700 tấn, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cục Thống kê tính chung quý I/2020, sản lượng cá tra ước tính đạt 242.800 tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, nhiều doanh nghiệp tin rằng thị trường ở Trung Quốc giảm nhập cá tra chỉ mang tính thời điểm. Các đơn hàng từ Trung Quốc sẽ tăng trở lại khi nước ngày vượt qua đỉnh dịch Covid-19. Mục tiêu tăng lợi nhuận 20%/năm kể từ năm 2020 của Navico vẫn có thể đạt được. Bởi đến nay, cá tra vẫn là nguồn thực phẩm vừa túi tiền, an toàn vệ sinh và nguồn cung từ Việt Nam luôn dồi dào.
Hơn nữa, cá tra vào thị trường Trung Quốc sẽ chủ yếu bằng đường chính ngạch, khi chính phủ nước này đang nỗ lực áp dụng các quy định xuất nhập khẩu gần với chuẩn mực của các thị trường hiện đại.
Xuất khẩu cá tra vào thị trường Trung Quốc đã có tín hiệu tốt, nhưng các chuyên gia trong ngành khuyến cáo người nuôi chủ động giảm khoảng 10% sản lượng so với năm 2019, mức 1,2 triệu tấn là có thể đáp ứng đủ nhu cầu năm 2020. |