Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn dòng vốn tháo chạy, thắt chặt hơn nữa quy định khi việc hỗ trợ Nhân dân tệ (CNY) khiến dự trữ ngoại hối cạn kiệt.
Việc thắt chặt kiểm soát này đánh dấu sự đảo chiều sau nhiều năm nới lỏng - giúp đồng CNY được sử dụng rộng rãi hơn trên thế giới và giành được vị thế đồng tiền dự trữ trong giỏ tiền tệ của IMF (SDR).
CNY đã giảm 2,7% kể từ khi IMF quyết định đưa đồng tiền này vào giỏ SDR hồi cuối tháng 11/2015 và việc phải can thiệp để hỗ trợ nội tệ đã khiến dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm kỷ lục 108 tỷ USD trong tháng 12/2015.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda hôm cuối tuần trước đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn và Yu Yongding, cựu thành viên Ủy ban chính sách tiền tệ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) hôm 27/1 cho biết, PBoC cần tăng cường các biện pháp kiểm soát.
Dưới dây là những gì PBoC đã và đang làm để "giảm tốc" cuộc tháo chạy của dòng vốn khỏi Trung Quốc.
Các biện pháp mới đây
1.Tăng cường kiểm soát chuyển tiền ra nước ngoài
Một số ngân hàng ở Thượng Hải gần đây đã yêu cầu các chi nhánh kiểm tra chặt chẽ xem liệu có cá nhân nào gửi tiền ra nước ngoài bằng cách chia nhỏ các giao dịch mua ngoại tệ thành các món nhỏ hơn và áp dụng các biện pháp chế tài trong trường hợp phát hiện ra vi phạm.
Mỗi cá nhân có thể chuyển 50.000 USD ra nước ngoài mỗi năm và việc này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng và hạn ngạch của nhiều cá nhân - một thủ thuật gọi là smurf (chuyển tiền vào những tài khoản nhỏ để tránh sự kiểm soát của nhà nước).
2. Kiềm chế nguồn cung CNY trên thị trường hải ngoại nhằm làm cho hoạt động bán khống trở nên đắt đỏ hơn
Hồi cuối năm 2015, PBoC đã yêu cầu một số tổ chức cho vay trong nước ngừng cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới cho các ngân hàng/tổ chức tín dụng nước ngoài và hôm 11/1 đã khuyến nghị các chi nhánh ngân hàng Trung Quốc tại Hong Kong tạm ngừng hoạt động cho vay bằng CNY ở nước ngoài trừ trường hợp cần thiết.
PBoC cũng yêu cầu các ngân hàng nước ngoài tại Trung Quốc và những ngân hàng tham gia thị trường giao dịch CNY ở nước ngoài phải tuân thủ quy định dự trữ bắt buộc như với các ngân hàng trong nước.
3. Hạn chế hoạt động mua ngoại tệ của các công ty
Các công ty chỉ có thể mua ngoại tệ tối đa 5 ngày trước hạn thanh toán hợp đồng mua hàng - trước kia các công ty được phép tùy chọn thời gian mua ngoại tệ.
4. Tạm ngừng một số nghiệp vụ của ngân hàng ngoại
DBS Group Holdings Ltd và Standard Chartered Plc là một vài cái tên trong số những ngân hàng ngoại bị tạm ngừng cung cấp giao dịch ngoại hối tại Trung Quốc cho đến cuối tháng 3/2016.
Lệnh cấm này bao gồm cả nghiệp vụ thanh toán CNY của khách hàng nước ngoài trên thị trường nội địa Trung Quốc và được áp dụng khi chênh lệch giữa tỷ giá CNY tại Thượng Hải và Hong Kong ngày càng lớn.
5. Ngừng cấp hạn ngạch đầu tư ra nước ngoài
Trung Quốc đã tạm ngừng việc cấp phép mới theo Chương trình Nhà đầu tư tổ chức giao dịch bằng Nhân dân tệ (RQDII) - cho phép sử dụng CNY tại đại lục để mua chứng khoán ở nước ngoài định giá bằng CNY.
Trung Quốc cũng hạn chế việc cấp hạn ngạch mới cho người dân đầu tư vào thị trường nước ngoài thông qua Chương trình Nhà đầu tư trong nước đạt chuẩn từ tháng 3/2015.
6.Trì hoãn kết nối thị trường chứng khoán Thâm Quyến
Ban đầu, Trung Quốc dự tính bắt đầu kết nối giữa thị trường chứng khoán Thâm Quyến và Hong Kong trong năm 2015, nhưng kế hoạch này đã bị trì hoãn trong bối cảnh thị trường chứng khoán đại lục sụp đổ.
7. Kiểm soát chặt chẽ thẻ ghi nợ UnionPay
Những biện pháp mới được đưa ra hồi tháng 12/2015 nhằm triệt phá hệ thống máy sử dụng thẻ UnionPay China bất hợp pháp - bị tình nghi được sử dụng để chuyển vốn ra nước ngoài thông qua các giao dịch giả mạo, chủ yếu tại các sòng bạc Macau.
8. Triệt phá hệ thống ngân hàng ngầm
Trung Quốc đã triệt phá "hệ thống ngân hàng ngầm" lớn nhất - đã xử lý các giao dịch ngoại hối phi pháp trị giá 410 tỷ CNY (62 tỷ USD).
Các lựa chọn
- Thuế Tobin: Các quan chức Trung Quốc đã đề cập đến khả năng đánh thuế các giao dịch ngoại hối - được gọi là Tobin Tax - nhằm giảm sự biến động của thị trường. Phó thống đốc PBoC Yi Gang biện pháp này có thể kiềm chế dòng vốn trong ngắn hạn.
- Phá giá nội tệ: Trung Quốc có thể phải phá giá CNY để thúc đẩy tăng trưởng, Chủ tịch Goldman Sachs Gary Cohn cho biết tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ.
Bình luận của ông Cohn được đưa ra một ngày sau khi Phó chủ tịch Trung Quốc Li Yuanchao tuyên bố nước này không có ý định và chính sách phá giá đồng nội tệ.
- Thả nổi CNY: Trung Quốc đang nỗ lực nâng cao khả năng hoán đổi của CNY một cách có kiểm soát trong 5 năm tới bằng cách thay đổi phương thức quản lý chính sách tiền tệ và mở cửa lĩnh vực tài chính, theo kế hoạch 5 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các nhà hoạch định chính sách đang chuẩn bị mọi sự cần thiết để tuyên bố bãi bỏ việc kiểm soát tiền tệ vào năm 2020.
- Hạn chế hồi hương lợi nhuận: Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cố gắng hạn chế các công ty nước ngoài hồi hương khoản lợi nhuận kiếm được tại Trung Quốc, tờ Wall Street Journal đưa tin hôm 27/1.
Tuy nhiên, Ủy ban Quản lý Ngoại hối Trung Quốc bác bỏ thông tin này và cho rằng các công ty có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài miễn là các ngân hàng kiểm tra và đảm bảo tuân thủ mọi quy định.
>Vì sao nhiều doanh nghiệp Mỹ tháo chạy khỏi Trung Quốc?
>Trung Quốc: Vốn ngoại tháo chạy có cản trở cải cách thị trường?
>Vì sao Phú Quốc "hút" mạnh dòng vốn đầu tư?