Lương Văn Can

Trưng bày tranh “cách ngôn” về triết lý “đạo làm giàu” của cụ Lương Văn Can

DNSG 11/01/2024 09:18

Nhằm lan toả triết lý “đạo làm giàu”, nhân dịp kỷ niệm 170 năm ngày sinh của danh nhân Lương Văn Can (1854-1927), Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Nghệ nhân Thư pháp Việt thực hiện 12 bức thư pháp “cách ngôn”. Nội dung 12 bức tranh thư pháp trích từ sách “Kim cổ cách ngôn”, “Thương học phương châm” và hiện đang trưng bày tại Khách sạn Rex Sài Gòn.

Danh nhân Lương Văn Can - nguyên tên là Lương Ngọc Can, tự Ôn Như, biệt hiệu Sơn Lão, đã làm nên một cuộc cách mạng văn hóa - tư tưởng lấy giáo dục là nền tảng và kinh doanh, thương mại là con đường đi đến tự cường của một quốc gia; với triết lý kinh doanh “bình tâm công đạo”. Ngoài dạy học và tham gia kinh doanh, danh nhân Lương Văn Can còn viết và biên soạn 19 quyển sách, nổi bật nhất là Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm. Hai quyển sách này đã đúc kết những chiêm nghiệm về đạo đức làm người, đạo đức kinh doanh và tri thức kinh doanh.

dd4ca25f8d65263b7f74.jpg
12 bức thư pháp “cách ngôn” được trưng bày tại Khách sạn Rex Sài Gòn

Trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, việc xây dựng văn hóa kinh doanh đặc sắc cho doanh nhân Việt Nam trên tinh thần của “đạo làm người” và “đạo làm giàu” theo tư tưởng của danh nhân Lương Văn Can hết sức có ý nghĩa và mang giá trị trường tồn.

Nhằm thể hiện lòng tôn kính và phát huy giá trị của tư tưởng Duy Tân, tư tưởng kinh doanh của danh nhân Lương Văn Can, cùng với sứ mệnh “Cùng doanh nhân - Vì doanh nhân”, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đặt ra nhiệm vụ lan tỏa tư tưởng Lương Văn Can trong cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp và giới trẻ, nhằm góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày lớn mạnh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế với nhiều sản phẩm dần khẳng định giá trị thương hiệu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như một cách truyền thông về triết lý “đạo làm giàu”, ngoài Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can; Nhân kỷ niệm 170 năm (1854-2024) ngày sinh danh nhân Lương Văn Can, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Nghệ nhân Thư pháp Việt và Khách sạn Rex Sài Gòn thực hiện 12 bức thư pháp “cách ngôn”. Nội dung 12 bức thư pháp này được trích từ sách Kim cổ cách ngôn, Thương học phương châm của Lương Văn Can. Đây như là một lời tri ân và cùng với cộng đồng doanh nhân Việt Nam nhớ về lời dạy của danh nhân Lương Văn Can.

e97e463f6805c35b9a14(1).jpg
Số tiền bán tranh sẽ góp vào kinh phí Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can

12 bức thư pháp “cách ngôn”, qua nét bút tài hoa của các nghệ nhân thư pháp đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng, đem lại năng lượng tích cực và cân bằng cho không gian sống và làm việc. Với những giá trị nhân văn mang lại, 12 bức thư pháp “cách ngôn” còn là quà Tết dành tặng đối tác, bạn bè mang lời chúc may mắn, thành công trong năm mới.

Theo ban tổ chức, số tiền bán tranh sẽ góp vào kinh phí Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can được Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn sáng lập. Giải thưởng này ra đời từ năm 2011 và đã đi qua 11 mùa giải, đã hàng trăm sinh viên hiểu đạo lý kinh doanh và có đề án kinh doanh xuất sắc được trao những phần thưởng lớn; làm hành trang giá trị để bước vào đời, góp phần cổ vũ tinh thần, khát vọng trở thành doanh nhân trong người trẻ, bồi dưỡng thêm nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

4ea57f7b5341f81fa150.jpg
12 bức thư pháp “cách ngôn” còn là quà Tết dành tặng đối tác, bạn bè mang lời chúc may mắn, thành công trong năm mới

Dưới đây là nội dung 12 bức tranh thư pháp cách ngôn, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn xin giới thiệu tới bạn đọc.

1. Bức tranh thư pháp cách ngôn: "Đức của người kinh doanh” - Theo Lương Văn Can, lương thiện, chuyên cần, tiết kiệm, kiên tâm, nghị lực, quý thì giờ, là sáu đức tính căn bản mà người kinh doanh cần có để có thể thành công bền vững. Bởi vì, lương thiện tạo nên lòng tin. Chuyên cần đem lại sự thành thạo. Tiết kiệm tạo ra tích luỹ. Kiên tâm tạo nên sự vững bền. Nghị lực tạo nên sự kiên quyết. Quý thì giờ tạo nên sự tập trung.

07-duc-cua-nguoi-kinh-doanh.jpg
Bức tranh thư pháp cách ngôn: "Đức của người kinh doanh” có kích thước 88x68cm. Xem thêm chi tiết tại đây.

2. Bức tranh thư pháp cách ngôn:"Thẳng ngay” - Chính trực là ngay thẳng, cũng tức là chân thực, theo lẽ phải, không gian dối, không thiên vị. Người ngay thẳng là người thành thực, công bình. Người ngay thẳng đôi khi có thể bị đánh lừa, bị lợi dụng. Nhưng nói chung sự ngay thẳng thường hữu ích, vì nó tạo ra lòng tin và uy tín. Và cái lợi ích do ngay thẳng đó là một lợi ích chân chính, xứng đáng. Ngược lại, có những người thu được lợi ích do gian dối nên đắc chí, ngỡ rằng gian dối, lừa đảo là thượng sách kinh doanh. Biết đâu rằng, của bất nghĩa là của phù vân, không thể bền lâu, tốt đẹp. Như tục ngữ Việt Nam: “Của làm ra để trên gác, của cờ bạc để ngoài sân, của phù vân để ngoài ngõ”. Trong Kim cổ cách ngôn, Lương Văn Can cũng viết: “Đời có người mang lòng dối trá mà lại muốn điều tốt đẹp. Thật không thuận lý. Có bỏ hết dối trá, trung hậu thuần nhất thì mới có điều tốt được”.

10-thang-ngay.jpg
Bức tranh thư pháp cách ngôn:"Thẳng ngay” có kích thước 97x67cm. Xem thêm chi tiết tại đây

3. Bức thư pháp cách ngôn:"Sự nghiệp lớn” - Tiến thủ là vươn lên không ngừng để tiến bộ không ngừng. Trong khi theo đuổi nghề nghiệp kinh doanh, người ta cần dốc sức làm tròn phận sự, nhưng không nên tự giới hạn bản thân mình ở địa vị hiện tại. Người không mong cầu một tương lai phát đạt là người trí lực bạc nhược, hoặc là người tự mãn. Muốn nên sự nghiệp lớn, nhất thiết phải có chí tiến thủ. Và vì thế giới đang tiến hoá, tiến bộ không ngừng, người kinh doanh cũng phải tiến thủ không ngừng mới có thể thành công bền vững.

Khi đã có chí tiến thủ và làm được sự nghiệp lớn, thì người kinh doanh chẳng những tạo ra vô vàn của cải cho bản thân mình mà còn góp phần quan trọng vào sự thịnh vượng của xã hội, sự giàu mạnh của quốc gia. Vậy nên, phải xem những người kinh doanh có chí tiến thủ, có chí làm giàu là “phúc tinh” của kinh tế nước nhà.

09-su-nghiep-lon.jpg
Bức tranh thư pháp cách ngôn: "Sự nghiệp lớn” có kích thước 122x53cm. Xem thêm chi tiết tại đây

4. Bức thư pháp cách ngôn: “Tôn sư trọng đạo” - Đừng nên làm bốn việc: việc trái lòng, việc trái lẽ, việc hại người, việc ác nghiệt”. Vì sao lại không nên? Vì làm những việc ấy thì cho dù không bị phát giác, lương tâm, lương tri cũng sẽ tự phán xét, gây nên hối tiếc. Nếu bị phát giác, tất yếu sẽ bị trừng phạt, hại nhân thì nhân hại. Trong cả hai trường hợp, sẽ khó lòng cứu vãn hậu quả đã xảy ra. Chén nước đã đổ đi thì không thể hốt lại cho đầy.

11-ton-su-trong-dao.jpg
Bức thư pháp cách ngôn: “Tôn sư trọng đạo” có kích thước 120x90cm. Xem thêm chi tiết tại đây

5. Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Việc nên làm” - Trong hoạt động, người kinh doanh không nên vị kỷ, chỉ nghĩ cho mình mà phải nghĩ đến phần hơn thiệt của đối tác, của khách hàng, của xã hội. Hãy làm những việc có ích cho người khác mà không gây hại hoặc ít gây hại cho mình. Ngược lại, dứt khoát không làm những việc chẳng đem lại lợi ích cho ai cả mà chỉ gây hại cho mình và cho người khác.

12-viec-nen-lam.jpg
Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Việc nên làm” có kích thước 77.5x57.5cm. Xem thêm chi tiết tại đây

6. Bức tranh thư pháp cách ngôn: "Ý chí thực nghiệp" -Thực nghiệp là những nghề nghiệp mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống con người, như công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp... Theo Lương Văn Can, người nước ta ngày trước học nho chỉ cốt thi đỗ để ra làm quan, còn người đương thời học tây chỉ cốt tốt nghiệp để ra làm việc, ít có người có chí làm thực nghiệp.

Vì vậy mà dân nghèo, nước yếu. Cho nên, những người khởi nghiệp, những người yêu nước cần phải nhìn ra thế giới, xem gương “các đại quốc do thông thương mà làm được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà phú gia địch quốc”, để lập chí kinh doanh thực nghiệp.

03-y-chi-thuc-nghiep.jpg
Bức tranh thư pháp cách ngôn: "Ý chí thực nghiệp" có kích thước 53x93cm. Xem thêm chi tiết tại đây

7. Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Tâm” - Người kinh doanh nên có cái tâm trung thực, công bằng, nhân hậu. Hàng hoá phải là hàng thật, không pha trộn, tráo đổi, gian dối cân lượng. Lại phải biết kiềm chế lòng tham, đừng tham cầu lãi lớn, cũng không tham lợi nhỏ, để thiệt cho người khác. Như vậy, tuy trước mắt có thể thu lợi không nhiều, nhưng lợi nhuận vững bền, không có gì phải lo lắng về sau.

Ngược lại, những người kinh doanh có cái tâm vụng trộm, chuyên toan tính điều lợi cho mình, lấy xảo trá cầu lợi, cầu giàu, lấy làm đắc sách, nhưng thật ra là tự mình gây tội ác. Họ sẽ không được hưởng lợi lâu dài, vì sự xảo trá tất có lúc lộ ra, của thiên trả địa.

04-tam.jpg
Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Tâm” có kích thước 66x105cm. Xem thêm chi tiết tại đây

8. Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Chân thực” - Chân thực là bày tỏ ra ngoài đúng như suy nghĩ trong lòng. Tài lực là tài năng và sức lực. Chân thực là căn bản của mọi sự, là yếu tố lớn lao làm nên tài sức, bởi vì chân thực tạo ra uy tín, và uy tín tạo ra thế mạnh vô hình nhưng hữu hiệu cho người kinh doanh.

Khi theo đuổi nghề nghiệp kinh doanh, người chân thực sẽ dần dần tạo được lòng tin nơi đồng nghiệp, khách hàng, cấp trên, đối tác. Mọi người, cho dù trọng thị hay đố kỵ, cũng yên tâm rằng người chân thực sẽ làm đúng như đã nói, và nói đúng như đã nghĩ. Có được lòng tin nơi người khác thì người kinh doanh mới có thể được giao phó tài sản, vốn liếng, con người, dự án để phát triển kinh doanh.

02-chan-thuc.jpg
Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Chân thực” có kích thước 59x109cm. Xem thêm chi tiết tại đây

9. Bức tranh thư pháp cách ngôn: "Bốn việc không nên làm” - “Đừng nên làm bốn việc: việc trái lòng, việc trái lẽ, việc hại người, việc ác nghiệt”. Vì sao lại không nên? Vì làm những việc ấy thì cho dù không bị phát giác, lương tâm, lương tri cũng sẽ tự phán xét, gây nên hối tiếc. Nếu bị phát giác, tất yếu sẽ bị trừng phạt, hại nhân thì nhân hại. Trong cả hai trường hợp, sẽ khó lòng cứu vãn hậu quả đã xảy ra. Chén nước đã đổ đi thì không thể hốt lại cho đầy.

01-bon-viec-khong-nen-lam.jpg
Bức tranh thư pháp cách ngôn: "Bốn việc không nên làm” có kích thước 53x93cm. Xem thêm chi tiết tại đây

10. Bức tranh thư pháp cách ngôn: "Tâm đạo công bình” - “Bình tâm công đạo” tức là có cái “tâm” công bằng, công chính, không thiên lệch và cái “đạo” công bằng, không nghiêng về một bên, không tư túi. Trong ki h doanh, tất yếu phải có tâm đạo công bình, tức là phải kinh doanh sao cho công bằng, vừa thu lợi cho mình vừa làm lợi cho người, không thiên lệch. Cái gì có thể thu lợi một cách tự nhiên, thì mình cứ hành động theo lẽ tự nhiên, thí dụ đưa nguyên liệu hay hàng hoá từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, từ nơi thừa sang nơi thiếu. Như vậy, sẽ không phải nghĩ đến những thủ đoạn dối trá, lừa đảo, và cũng không đến nỗi phải mạo hiểm.

Ngược lại, những người kinh doanh quá tham lam sẽ phải trả giá đắt. Như Lương Can viết trong cách ngôn số 138: “Đến như người chứa gạo mà mong giá gạo đắt, chứa vải mà mong giá vải cao, thì là cái tâm không bình. Hoặc như người mua thừa mà bán thiếu, làm của giả để đánh tráo với của thật, thì là cái đạo không công. Không bình không công, đều là bởi tại lòng tham nặng quá. Xét kỹ ra, giàu nghèo có số, vị tất đã được như ý ngay. Kia những người bụng dạ quá quắt, dẫu được lợi mà giàu, nhưng đạo trời cho phúc người lương thiện bắt vạ người quá quắt, chưa chắc đã được hưởng lợi. Đời có người buôn bán nên cửa nên nhà mà con cháu chẳng được hưởng phúc dày, là vì lẽ ấy”.

05-tam-dao-cong-binh.jpg
Bức tranh thư pháp cách ngôn: "Tâm đạo công bình” có kích thước 72x72cm. Xem thêm chi tiết tại đây

11. Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Đạo kinh doanh” - Đạo kinh doanh là những nguyên tắc, đường lối mà người kinh doanh cần phải giữ gìn và tuân theo trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Theo Lương Văn Can, thành thực, công bình, khoan hậu, trọng nghề nghiệp, trọng danh dự, trọng chữ tín, là sáu nguyên tắc căn bản mà người kinh doanh cần phải tuân giữ, để có thể thành công bền vững. Bởi vì, thành thực tạo ra uy tín. Công bình đem lại vô tư. Khoan hậu tạo ra thiện cảm. Trọng nghề nghiệp tạo ra vị thế. Trọng danh dự tạo ra thể diện. Trọng chữ tín đem lại vững bền.

06-dao-kinh-doanh.jpg
Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Đạo kinh doanh” có kích thước 93x53cm. Xem thêm chi tiết tại đây

12. Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Nghề nghiệp” - Nhất nghệ tinh thì nhất thân vinh. Muốn nghề nghiệp mở mang thì phải siêng năng. Muốn sự nghiệp cao dày thì phải lập chí cho bền. Và không được lần lữa mà phải quyết đoán làm ngay, thì mới khỏi gian khó về sau.

08-nghe-nghiep.jpg
Bức tranh thư pháp cách ngôn: “Nghề nghiệp” có kích thước 93x53cm. Xem thêm chi tiết tại đây

Thông tin thêm, vui lòng liên hệ: Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn. Địa chỉ: Lầu 6, số 12 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM. Đường dây nóng: 0915.232.024.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trưng bày tranh “cách ngôn” về triết lý “đạo làm giàu” của cụ Lương Văn Can
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO