Lương Văn Can

Tranh cách ngôn Lương Văn Can: Tôn sư trọng đạo

DNSG 10/01/2024 07:30

Bức thư pháp cách ngôn: “Việc gì trái cái bụng lương tâm mình thì không nên làm. Việc gì trái công lý thì không nên làm. Việc gì hại người thì không nên làm. Việc gây nên ác nghiệp thì không nên làm”. Câu này là phần trích nghĩa cách ngôn số 123, trang 53, sách Kim cổ cách ngôn (1925) của Lương Văn Can.

Nguyên văn của cách ngôn này: “Vi tâm sự bất khả tố. Bội lý sự bất khả tố. Hại nhân sự bất khả tố. Tạo nghiệt sự bất khả tố".

11-ton-su-trong-dao.jpg

TS. Lý Tùng Hiếu chú giải và giới thiệu, diễn đạt lại cách ngôn này như sau: Người chú giải và giới thiệu diễn đạt lại cách ngôn này như sau: “Đừng nên làm bốn việc: việc trái lòng, việc trái lẽ, việc hại người, việc ác nghiệt”. Vì sao lại không nên? Vì làm những việc ấy thì cho dù không bị phát giác, lương tâm, lương tri cũng sẽ tự phán xét, gây nên hối tiếc. Nếu bị phát giác, tất yếu sẽ bị trừng phạt, hại nhân thì nhân hại. Trong cả hai trường hợp, sẽ khó lòng cứu vãn hậu quả đã xảy ra. Chén nước đã đổ đi thì không thể hốt lại cho đầy.

Thông tin về danh nhân Lương Văn Can:

Lương Văn Can, nguyên tên là Lương Ngọc Can, tự Ôn Như, biệt hiệu Sơn Lão, sinh năm 1854 mất năm 1927 tại thôn Hạ, xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội (nay là xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội).

Vào buổi giao thời khi chuyển từ chế độ phong kiến sang chế độ thuộc địa bán phong kiến đầu thế kỷ XX, cùng với những chí sĩ cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Lương Văn Can đã dành trọn đời của mình cho phong trào Duy Tân với chủ trương khôi phục đất nước bằng con đường nâng cao dân trí, cải tổ xã hội về mọi mặt, trong đó có kinh tế, giáo dục và văn hoá, với các hoạt động thực tiễn như mở mang kinh doanh, mở trường dạy quốc ngữ, bỏ lối học khoa bảng từ chương, thêm khoa học và ngoại ngữ cũng như hướng đến nền chính trị dân chủ.

Cụ Cử Lương Văn Can đã tham gia sáng lập Đông Kinh Nghĩa thục, tiên phong trong công cuộc chấn hưng thực nghiệp để cổ vũ giới công thương người Việt. Rồi Cụ tự mình thể nghiệm tư tưởng ấy bằng việc tổ chức kinh doanh ngay trong cảnh bị lưu đày ở Nam Vang. Cụ đã làm nên một cuộc cách mạng văn hóa - tư tưởng lấy: Giáo dục là nền tảng và kinh doanh, thương mại là con đường đi đến tự cường của một quốc gia; với triết lý kinh doanh “bình tâm công đạo”. Cụ được tôn vinh là “Người thầy đầu tiên của giới doanh nhân Việt Nam”.

Ngoài dạy học và tham gia kinh doanh, Lương Văn Can còn viết và biên soạn 19 quyển sách, trong đó nổi bật nhất là hai tác phẩm Kim cổ cách ngôn và Thương học phương châm đúc kết những chiêm nghiệm về đạo đức làm người, đạo đức kinh doanh và tri thức kinh doanh. Đến nay, những triết lý và lời dạy của cụ về kinh doanh vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, việc xây dựng văn hóa kinh doanh đặc sắc của doanh nhân Việt Nam (những học trò của Lương Văn Can ngày nay) trên tinh thần của “đạo làm người” và “đạo làm giàu” theo tư tưởng của Lương Văn Can là hết sức có ý nghĩa.

Nhằm lan toả triết lý “đạo làm giàu” của Lương Văn Can, bên cạnh việc tổ chức giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, nhân kỷ niệm 170 năm (1854 – 2024) ngày sinh danh nhân Lương Văn Can, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Nghệ nhân Thư pháp Việt và Khách sạn REX thực hiện 12 bức thư pháp “cách ngôn” được trích trong sách Kim Cổ Cách Ngôn và Thương học phương châm của cụ Cử Can như là một lời tri ân và cùng với các doanh nhân (những học trò của Cụ ngày nay) nhớ về lời dạy của cụ Lương Văn Can.

Ngày 15/2/2024, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã trao tặng bức tranh cách ngôn "Tôn sư trọng đạo" cho doanh nhân Nguyễn Tu Mi - Giám đốc Công ty TNHH Mi Hồng, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Quận Bình Thạnh. Đây cũng là lời chúc của Tạp chí tới doanh nhân Nguyễn Tu Mi, mong anh tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp từ tinh thần "đạo làm giàu" của cụ Cử Lương Văn Can trong việc giữ gìn "đức của người kinh doanh".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tranh cách ngôn Lương Văn Can: Tôn sư trọng đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO