“Tôi kiếm tiền bằng trí tuệ”

LỮ Ý NHI| 08/10/2009 08:38

Tôi kiếm tiền trên nền tảng pháp luật, bằng trí tuệ chứ không phải bằng mọi cách. Bởi nếu bằng mọi cách, một là anh sẽ rất giàu hai là anh bị mang tiếng hoặc vào nhà đá”.

“Tôi kiếm tiền bằng trí tuệ”

“Tôi kiếm tiền trên nền tảng pháp luật, bằng trí tuệ chứ không phải bằng mọi cách. Bởi nếu bằng mọi cách, một là anh sẽ rất giàu hai là anh bị mang tiếng hoặc vào nhà đá”.

Lần nào gặp Tổng giám đốc Võ Tấn Thịnh cũng thấy ông bận rộn, khi thì tranh thủ trước giờ họp, lúc thì vội vàng trước giờ ra sân bay. Ông nói: “Làm kinh doanh bận rộn là thế, nhưng nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn nghiệp này, đơn giản vì đó là sở thích. Năm mười tuổi, khi bạn bè cùng trang lứa hằng ngày đến trường, thì tôi đã biết kiếm tiền bằng cách bán đinh tán, bù loong, làm cửa sắt, mua xe nước mía cũ tân trang lại, mua dây đồng phế liệu về kéo dây đàn, tức là đã làm bạn với những con số lời lỗ. Năm 1987, khi Nhà máy Thủy điện Trị An đưa nguồn điện về các tỉnh phía Nam, Nhà nước bắt đầu có chính sách mở cửa, khuyến khích kinh doanh, sản xuất, tôi đoán thị trường dây cáp điện sẽ phát triển nên quyết định chuyển sang nghiên cứu cấu tạo và cách sản xuất dây điện.

* Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp đã qua, điều gì khiến ông tâm đắc nhất?

Ông Võ Tấn Thịnh giới thiệu với ông Nguyễn Hà Đông (áo trắng) TGĐ Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia về máy xoắn liên hoàn

- Đó là làm gì cũng phải kiên trì đến cùng, không nản chí. Còn nhớ, khi những lô dây điện đầu tiên ra đời, không tiêu thụ được, tôi như người ngồi trên đống lửa. Vốn đã ít lại nằm một chỗ, lương thợ, tiền chi phí mỗi ngày mở mắt ra đã vọt sang một con số mới, khiến tôi tối tăm mặt mày. Nhờ chút vốn tiếng Hoa, tôi đem hàng ra chợ Kim Biên chào bán, kiên trì thuyết phục, tiếp thị sản phẩm, cuối cùng cũng được giới bán buôn nhận bán thử, và ngay sau đó, sản phẩm của tôi được thị trường chấp nhận. Khi sản phẩm hút hàng, tôi lại đối mặt với một khó khăn mới, đó là thiếu vốn, thiếu nhân công và máy móc hiện đại. Theo phương châm lấy công làm lời, tích tiểu thành đại, cuối cùng tôi cũng mua được miếng đất làm nhà xưởng ở quận Bình Tân. Và năm 1998, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thịnh Phát ra đời ngay trên mảnh đất này.

* Một số doanh nhân trẻ cho rằng, sự tự tin là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công. Với sự từng trải của mình, ông thấy ý đó đúng bao nhiêu phần trăm?

- Một trăm phần trăm, bởi tự tin tiếp cho ta sức mạnh, nhất là những lúc gặp khó khăn.

* Nhưng đã có lúc vì quá tự tin mà ông gần như mấp mé bờ phá sản?

- Do chủ quan thì đúng hơn. Đó là lần đấu thầu cung cấp dây điện cho Công ty Điện lực 2 và Điện lực TP.HCM. Tin vào uy tín đã tạo dựng được và từng thắng nhiều cuộc đấu thầu có quy mô lớn, tôi chắc chắn Thịnh Phát sẽ trúng gói thầu này. Nhưng sau khi tập trung toàn bộ vốn liếng cho vụ thầu thì cũng là lúc chi nhánh của Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản bị phá sản, họ ồ ạt tung dây đồng ra thị trường với giá chỉ bằng 50% giá mà Thịnh Phát đã mua vào. Vì thế, Công ty Điện lực 2 và Điện lực TP.HCM quyết định chọn họ là điều tất yếu. Thua thầu, hết vốn, lúc đó tôi như người mất phương hướng, trước mắt, con đường phá sản đang hiện ra. Nhờ sự động viên của một người bạn, tôi lấy lại bình tĩnh và nhận ra, một khi còn nghị lực, tin vào bản thân mình thì vẫn có thể khắc phục được. Sau cú vấp ngã đó, tôi sang Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Bỉ để học hỏi công nghệ và tham gia nhiều khóa học về quản trị, kỹ năng lãnh đạo, quyết tâm chuẩn bị cho những bước đi sau này.

* Mới đây, khi được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, ông đã phát biểu: “Thành quả này có được là do Thịnh Phát đã tạo ra một giá trị cốt lõi khác biệt”. Vậy giá trị khác biệt đó là gì, thưa ông?

- Giá trị cốt lõi của một DN là cái gì đó rất thiêng liêng, là sứ mệnh để từ đó đưa ra những mục tiêu phấn đấu. Một trong những giá trị cốt lõi khác biệt của Thịnh Phát là tạo ra thương hiệu có giá trị bền vững. Muốn vậy, ngay từ đầu, Thịnh Phát đã có kế hoạch kinh doanh mang tính lâu bền.

Nhiều năm qua, Thịnh Phát đã nỗ lực không ngừng để có những bước đột phá về chất lượng và điều này đã được đồng nghiệp và các lãnh đạo trong ngành công nhận. Cụ thể, khi có những công trình cấp bách thì Thịnh Phát luôn là đơn vị đầu tiên được chỉ định tham gia. Hoặc khi xét dự thầu, nếu giá cả không quá chênh lệch thì Thịnh Phát bao giờ cũng được chọn.

* Cuối năm 2007, vừa đầu tư trên 30 triệu USD xây dựng nhà máy ở Bến Lức (Long An) thì đầu năm 2008, khủng hoảng kinh tế thế giới ảnh hưởng mạnh tới VN, nhu cầu tiêu thụ dây cáp điện trong nước và xuất khẩu suy giảm, nguyên liệu chính như đồng, nhôm, thép, nhựa đều tăng. Ông đã giải bài toán khó cho Thịnh Phát bằng cách nào?

- Cộng hưởng cơn bão tài chính thế giới đã làm cho thị trường dây và cáp điện VN bị suy kiệt, nhiều khách hàng lớn của Thịnh Phát như Tổng công ty Điện lực Việt Nam, các công ty điện lực khu vực, các tỉnh, Công ty Truyền tải điện... phải ngưng dự án, điều đó đồng nghĩa với Thịnh Phát bị mất hợp đồng cung ứng hàng. Lúc đó, cái khó nhất của tôi là cân nhắc có nên quyết định ký hợp đồng thi công nhà máy hay dừng lại.

Các công ty nước ngoài đang cạnh tranh theo hình thức “chuyển giá”, có nghĩa là công ty mẹ ở nước ngoài chuyển giá nguyên liệu sang công ty con từ 7.000 đồng xuống 6.000 đồng một kg hay một sản phẩm chẳng hạn, công ty con sau khi bán có lời lại chuyển lợi nhuận về công ty mẹ mà không bị đóng thuế. Một cạnh tranh không lành mạnh khác là chất lượng sản phẩm, thay vì dùng đồng đạt tiêu chuẩn, giá cao thì một số đơn vị lại dùng đồng giá rẻ.

Lúc đó, một ngày Ban giám đốc phải họp tới vài lần, những câu hỏi nóng bỏng đặt ra khiến chúng tôi phải căng đầu cân nhắc, như khoản tiền mua hàng trả chậm của khách hàng nên giới hạn bao nhiêu? Làm sao giảm công nợ mà vẫn duy trì được khách hàng? Làm sao khi hết khủng hoảng, khách hàng vẫn theo mình?

Nếu Thịnh Phát đưa ra chính sách bảo tồn vốn mà các công ty khác vẫn cho khách hàng nợ thì sao? Sau khi cân nhắc, tôi quyết định chọn sự an toàn. Tôi nói với anh em: “Chúng ta phải bảo vệ mình trước. Vì đó là con đường đi lâu dài. Riêng nhà máy vẫn tiếp tục thi công để sau khi khủng hoảng, có ngay nhà máy mới hiện đại nhất để bắt tay sản xuất. Điều vui mừng nhất là Thịnh Phát vẫn có được khách hàng thân thiết, bằng chính cam kết đã được công ty đặt ra từ đầu, đó là “Đạt chất lượng - đủ số lượng - đúng thời hạn - đáp ứng nhu cầu”.

* Ông nói, vào thời điểm khủng hoảng kinh tế, đầu ra cho sản phẩm khó khăn, nhưng tại sao Thịnh Phát vẫn tiếp tục cho xuất xưởng cáp chống cháy và cáp chậm bắt lửa, toàn là sản phẩm công nghệ cao?

- Nhận định khó khăn chỉ là ngắn hạn, nên tranh thủ thời gian này, chúng tôi tiếp tục đầu tư máy móc, thiết bị, cải tiến quản lý, đa dạng hóa sản phẩm, chủ yếu là những sản phẩm công nghệ cao đang được nhập ở nước ngoài với giá rất cao. Đó cũng là thông điệp chúng tôi muốn gửi đến khách hàng, rằng, Thịnh Phát luôn có sản phẩm công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu thị trường và ngay cả khách hàng khó tính nhất.

* Nhiều ý kiến cho rằng đầu tư đa ngành nghề là sai lầm. Ông nghĩ sao về ý kiến này khi Thịnh Phát vẫn theo hướng đầu tư này, cụ thể là đầu tư vào lĩnh vực địa ốc, xây dựng khu dân cư, khu công nghiệp?

- Nếu chuẩn bị tốt nguồn lực, như chuyên môn nghiệp vụ, nguồn vốn, quỹ đất ngay từ đầu thì nhất định thành công. Riêng Thịnh Phát đã chuẩn bị cho lĩnh vực này từ rất lâu và tôi cho rằng, chiến lược đầu tư này là đúng đắn. Tuy khủng hoảng có gặp đôi chút trở ngại về khách hàng nhưng hiện nay, khu công nghiệp của chúng tôi ở Bến Lức (Long An) đã hoàn chỉnh hạ tầng 95%, các nhà đầu tư đã lấp đầy 65% diện tích. Song, mấu chốt của bài toán đầu tư này là chúng tôi có được 10ha xây dựng nhà máy sản xuất dây cáp điện, công suất 30.000 tấn sản phẩm/năm. Hai là khi Thịnh Phát muốn liên doanh với công ty nào thì cũng có sẵn quỹ đất và chỉ cần đầu tư 6 - 9 tháng là có ngay sản phẩm với đối tác mới.

Cũng cần nói thêm, ngành cáp điện phải cạnh tranh với các DN nước ngoài rất khốc liệt, họ lại trường vốn, do đó, nếu chúng tôi không đầu tư đa ngành thì khó có thêm nguồn vốn để cạnh tranh.

* Đã có lần ông rất tự tin nói rằng, khi đã làm được dây cáp điện thì lĩnh vực nào cũng có thể đầu tư. Ý ông là...

- Ngành sản xuất dây cáp điện, theo tôi là ngành khó, lại rất dễ bị rủi ro. Chẳng hạn, chỉ một ngày thôi, giá đồng đã lên xuống tới vài giá. Và mỗi lần giá tăng thì tim tôi cũng đau theo, bởi giá vàng còn lên từ từ còn kim loại màu chỉ vài tiếng đã lên tới mấy trăm đô, có ngày lỗ cả vài trăm triệu đồng. Vì vậy, nó đòi hỏi người lãnh đạo phải luôn bình tĩnh, tỉnh táo để xử lý tình huống. Song, khốc liệt nhất vẫn là cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa đơn vị trong nước và nước ngoài. Cụ thể, các công ty nước ngoài đang cạnh tranh theo hình thức “chuyển giá”, có nghĩa là công ty mẹ ở nước ngoài chuyển giá nguyên liệu sang công ty con từ 7.000 xuống 6.000 đồng chẳng hạn, công ty con sau khi bán có lời lại chuyển lợi nhuận về công ty mẹ thì không bị đóng thuế. Một cạnh tranh không lành mạnh khác là chất lượng sản phẩm, thay vì dùng đồng đạt tiêu chuẩn, giá cao thì một số đơn vị lại dùng đồng giá rẻ.

* Thịnh Phát đang triển khai hệ thống quản lý khá bài bản nhưng sao thấy ông vẫn rất bận rộn?

Ông Võ Tấn Thịnh cùng gia đình

- Khó khăn nhất mà bản thân tôi đang gặp hiện nay là thiếu đội ngũ nhân sự cao cấp biết quản lý, điều hành và hết lòng vì công việc. Ước tính vài chục người thì chỉ có năm, bảy người nhiệt huyết. Bởi tâm lý làm thuê vẫn nặng trong suy nghĩ của họ. Ít ai nghĩ phải tạo ra giá trị khác biệt cho bản thân và tạo ra giá trị cho công ty trước, thì bản thân sẽ được hưởng quyền lợi do giá trị đó mang lại. Chẳng hạn tuyển một anh trưởng phòng vật tư hoặc giám đốc dự án, có người chỉ nghĩ ăn bổng lộc chứ không cần ăn lương. Nói thiệt, tôi đã từng mời những người có bằng cao học về quản trị ở nước ngoài về nhưng họ vẫn chưa đảm nhiệm được công việc, bởi khi áp dụng cách quản trị theo kiểu nước ngoài, thì DN của mình còn quá nhiều bất cập.

Riêng ngành cáp điện, theo tôi chỉ khi thật tin nhân viên mới dám giao quyền vì thị trường dây cáp điện thay đổi theo yêu cầu khách hàng và theo sự cạnh tranh của đồng nghiệp, hôm nay có thể lãi 5% nhưng ngày mai lên 8%, rồi lại tụt xuống 4%... Do đó, người lãnh đạo phải luôn theo sát, liên tục nắm bắt tình huống để kịp thời can thiệp, xử lý nhanh mới hạn chế được tổn thất.

* Vậy ông phải quản lý Thịnh Phát như thế nào?

- Một mặt, chúng tôi cho nhân viên cấp quản lý đi đào tạo ở nước ngoài, hoặc mời chuyên gia nước ngoài về công ty đào tạo quản trị. Mặt khác, chúng tôi đang triển khai quản lý theo mục tiêu. Ví dụ sản phẩm đưa ra thị trường có lợi nhuận bao nhiêu thì nhân viên được hưởng bấy nhiêu, bán giá cao hưởng lợi nhuận cao, nhưng phải theo nguyên tắc đạt giá tối thiểu, không được âm. Cách quản lý này khiến nhân viên tự giác, tích cực hơn.

* Một kiến nghị của ông trước những vướng mắc trong ngành cáp điện?

- Nếu khai thác hết các thị trường thì ngoại tệ thu về từ xuất khẩu cáp điện không nhỏ. Trung bình, DN cáp điện trong nước một năm đã cung cấp cho ngành điện một lượng sản phẩm đáng kể, tiết kiệm rất nhiều giá nhập cáp điện từ nước ngoài. Nếu Nhà nước coi ngành cáp điện là một trong những ngành chủ đạo để xuất khẩu thì nên nhìn nhận những DN tư nhân có năng lực để đầu tư cho họ, như hỗ trợ vốn bằng cách cho vay lãi suất thấp, hỗ trợ chi phí đào tạo.

* Một đồng nghiệp của ông nói, "làm doanh nhân đã cực, doanh nhân trong ngành dây cáp điện càng cực hơn”. Ông có đồng tình?

- Quá đúng luôn! Bởi nghề này cực cả trí lẫn tâm. Nhưng tôi kiếm tiền trên nền tảng pháp luật, bằng trí tuệ chứ không phải bằng mọi cách. Bởi nếu bằng mọi cách, một là anh sẽ rất giàu, hai là anh bị mang tiếng hoặc vào nhà đá.

Do áp lực công việc, khủng hoảng tài chính, đầu tư, kinh tế nên trong vòng một năm nay, tôi hay nóng giận. Và để cân bằng, giảm bớt stress, tôi và bà xã vẫn giữ thói quen đi chùa, thăm các trại trẻ mồ côi trong những ngày nghỉ cuối tuần. Lúc đó, thấy lòng mình nhẹ đi và tính tình cũng lành hơn.

* Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Tôi kiếm tiền bằng trí tuệ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO