DN Mai Trang Thanh: Muốn đi xa đừng dễ dãi với bản thân

PHƯƠNG QUYÊN thực hiện| 08/07/2016 06:40

Luôn nhìn về phía trước và tuân thủ tuyệt đối những kế hoạch đã đề ra là nguyên tắc mà Mai Trang Thanh - Chủ tịch Honeywell khu vực Đông Dương tự đặt ra cho mình.

DN Mai Trang Thanh: Muốn đi xa đừng dễ dãi với bản thân

Luôn nhìn về phía trước và tuân thủ tuyệt đối những kế hoạch đã đề ra là nguyên tắc mà Mai Trang Thanh - Chủ tịch Honeywell khu vực Đông Dương tự đặt ra cho mình. Kinh qua nhiều vị trí công việc của các tập đoàn quốc tế với những thành công đáng nể, bà được mệnh danh là "người đàn bà thép" của giới công nghệ.  

Đọc E-paper

Có thể nói bà Mai Trang Thanh là một trong những người mở đường cho những thương hiệu lớn vào Việt Nam. Năm 1994, sau khi Mỹ bỏ cấm vận, Chevron vào Việt Nam và bà là nhân viên đảm nhận mọi việc, từ xin giấy phép mở văn phòng đến tổ chức các hội thảo, làm marketing cho các sản phẩm của Caltex (một nhãn hiệu thuộc Chevron ngày đó) và đón những người nước ngoài đầu tiên vào Việt Nam làm việc.

Đầu quân vào GE trong 3 năm, bà có thêm kinh nghiệm mang tính quốc tế. Công việc cho phép bà đến nhiều nơi trên thế giới, kết nối với các nhà lãnh đạo, làm việc trong tổ chức hệ thống ma trận (matrix) kiểu Mỹ. Những trải nghiệm thú vị ấy đã giúp bà tự tin bước vào Honeywell. Dưới sự điều hành của bà, sau 5 năm xây dựng đội ngũ, hệ thống, quan hệ khách hàng, hình ảnh, Honeywell khu vực Đông Dương đã có những bước tiến đáng tự hào.

* Đang làm việc tại Tập đoàn General Electric (GE) với cương vị giám đốc phụ trách mảng dầu khí tại Việt Nam và giám đốc phát triển thị trường, điều gì khiến bà đầu quân về Honeywell?

- Tôi luôn chú trọng sự phát triển trong sự nghiệp. Nếu có cơ hội để áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm mình có ở một mức độ cao hơn thì tôi sẵn sàng. Khi nhận được lời đề nghị làm việc cho Honeywell, tôi phải trải qua 6 tháng "làm quen" với 14 vòng phỏng vấn. Lúc đó, sếp trực tiếp của tôi hiện giờ có nói rằng: "Tôi có cảm giác 18 năm đi làm của bạn là để chuẩn bị sẵn sàng cho vị trí này". Tôi vui vì điều đó.

* Ngoài chính sách, đãi ngộ, triết lý nào của Honeywell hấp dẫn bà?

- Tại Honeywell, điều làm tôi thích chính là 12 Honeywell Behaviors (12 hành vi đạo đức), trong đó có một số điểm mà theo tôi là rất quan trọng. Ví dụ: Biết mình đang ở đâu (Be self aware), biết điểm mạnh, điểm yếu của mình, làm thế nào để kết nối con người với con người.

Tôi cảm thấy văn hóa của con người tôi phù hợp với văn hóa công ty. Đó là lý do mà đến bây giờ, trong suốt 5 năm, mỗi ngày làm việc tại Honeywell đều là một ngày đầy niềm vui và hạnh phúc. Dù còn rất nhiều thử thách, nhưng tôi được làm những điều mình thích và được ghi nhận xứng đáng.

* Trong vai trò đầu tàu của Honeywell, điều gì khiến bà hài lòng nhất?

- Điều tôi cũng như tất cả nhân viên hài lòng nhất là doanh số tại Việt Nam đã tăng từ 26 triệu USD lên tới 203 triệu USD (tháng 12/2015), gấp gần 10 lần trong vòng 5 năm qua. Việt Nam là thị trường tăng trưởng tốt nhất của Honeywell trên toàn cầu.

Điều tự hào thứ hai là tôi đã xây dựng được đội ngũ nhân viên tốt, nền tảng vững chắc để tăng trưởng bền vững. Chúng tôi đã tạo được môi trường làm việc đoàn kết, chính trực và hiệu quả. Nếu có khó khăn nào thì đó chỉ là sự khó khăn về công việc chứ không hề có xích mích, kèn cựa, trục lợi cá nhân, nịnh bợ. Tuy nhiên, nhân viên của Honeywell cũng gặp một số căng thẳng, đó là khi thị trường phát triển nhanh, một số người bị tụt hậu.

* Honeywell là một thương hiệu mạnh trong ngành dầu khí nhưng với thị trường phổ thông, đây vẫn là cái tên xa lạ?

- Honeywell có nhiều dòng sản phẩm ở các phân khúc khác nhau. Mấy năm vừa qua, chúng tôi chủ yếu làm với các dự án chính phủ trong mảng công nghệ liên quan đến phát triển cơ sở hạ tầng trong ngành dầu khí, hàng không, hóa chất. Tuy nhiên, Honeywell cũng có một số sản phẩm gần gũi hơn với người tiêu dùng, như điều khiển hệ thống điều hòa nhiệt độ ở khách sạn, camera dân dụng và gần đây là máy lọc không khí, máy lọc nước, công tắc, ổ cắm, đèn ứng dụng trong gia đình.

Trước đây chúng tôi chưa đi sâu vào mảng này vì vài ba năm trước, thị trường nhà đất đang đi xuống, nay thì thị trường rộn ràng trở lại. Chúng tôi có sản phẩm nhà thông minh (smart home) để đón đầu thị trường này. Honeywell cũng có những giải pháp smart city, smart building.

Trong năm nay chúng tôi sẽ đưa những sản phẩm đó phát triển mạnh mẽ hơn. Gần đây Honeywell có làm với VinaCapital về một phòng trưng bày biệt thự cao cấp của họ, một biệt thự smart home, để khách hàng đến trải nghiệm. Đó là những bước đầu tiên chúng tôi đẩy mạnh để người tiêu dùng biết đến thương hiệu Honeywell thông qua các sản phẩm mang tính ứng dụng gia đình.

* Theo bà, "linh hồn" của một thương hiệu là gì?

- Honeywell là một công ty phát minh, sáng chế của Mỹ đã hơn 100 năm. Bản chất là công ty công nghệ, nên linh hồn của thương hiệu là chất lượng cao, nhưng không phải chỉ có chất lượng về công nghệ, mà còn về dịch vụ, về con người. Ở Việt Nam, chúng tôi đang xây dựng thương hiệu để khách hàng nhận thấy Honeywell là một công ty có chất lượng, uy tín về cả công nghệ lẫn con người.

Tôi gây dựng "linh hồn" thương hiệu cho Honeywell thông qua con người. Nhờ có nhân viên tốt mới ra được dịch vụ tốt. Chúng tôi muốn có trách nhiệm đối với nơi mình đang hoạt động. Ví dụ, hằng năm chúng tôi có những học bổng cho ba trường đại học về công nghệ, đó là Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Dầu khí.

* Như bà đã nói, hiện thị trường nhà thông minh đang bắt đầu phát triển, tổ ấm của bà cũng trang bị hệ thống này chứ?

- Nhà tôi ở Hà Nội khá lâu rồi, nên thiết bị cũng ở mức thông thường. Còn ở TP.HCM tôi có một căn hộ ở quận 7 có trang bị hệ thống thông minh, camera, chống đột nhập...

* Theo bà, các thiết bị thông minh hỗ trợ thế nào cho đời sống con người?

- Thiết bị thông minh là sản phẩm công nghệ dành cho thế hệ trẻ, những gia đình trẻ, còn những thế hệ lớn tuổi, 50 - 60 chẳng hạn, sẽ cảm thấy bất cập vì dùng công nghệ không quen, ví dụ như cha mẹ tôi nếu phải dùng máy tính có khi chỉ biết đánh máy, vào mạng.

Những người trẻ dùng smartphone quen thuộc rồi thì khi dùng smart home sẽ không khó khăn gì. Smart home mang lại nhiều lợi ích cho người dùng, tạo ra các tiện ích, ví dụ với rèm cửa, khi ngủ dậy, mình đặt chế độ rèm đến giờ đó nó sẽ tự mở.

* Bà có nghĩ bà bị phụ thuộc vào công nghệ không?

- Không. Vì thế hệ của tôi công nghệ chưa phổ biến lắm. Con người và công nghệ là hai phạm trù khác nhau nên khó có thể nói là thay thế hay đổi chỗ cho nhau được. Nếu bị phụ thuộc vào công nghệ thì không còn gì là niềm thích thú nữa!

* Là một phụ nữ gắn với vị trí lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ, bà có thấy mình "thép"?

- "Thép" không hẳn là ở chuyện công nghệ mà là "thép" ở chuyện con người. Ở vị trí cao, tôi chịu áp lực phải hài hòa, cân đối giữa rất nhiều thứ. Xung quanh mình là những con người có nền văn hóa, nền tảng gia đình khác nhau, rồi khả năng nhận thức, lứa tuổi cũng khác nhau. Mọi thứ đều khác nhau như thế, làm thế nào để dung hòa, để người khác cùng đi theo, hòa cùng nhịp điệu là áp lực.

Con người được ví như bộ môn khoa học khó nhất, hơn bất kể môn khoa học tự nhiên nào vì nó chẳng có gì là tiêu chuẩn, không có đáp số nào là đúng hay sai. Trong chiếc ghế của người điều hành, tôi sống bằng con người thật của mình, bằng kinh nghiệm để hành xử với những người xung quanh. Tôi nghĩ, đó là những yếu tố khiến mình trở nên cứng rắn hơn.

* Vậy, bà có thấy mình thiệt thòi hơn nam giới khi ngồi ở vị trí điều hành?

- Trên phương diện nào đấy thì đúng là có nhiều bất lợi, như về sức khỏe không thể bằng nam giới. Phụ nữa có trách nhiệm phải lo toan cho gia đình, cả bố mẹ lẫn con cái. Sau nữa là những định kiến xã hội. Như việc là phụ nữ thì không nên đi công tác nhiều, không thể làm việc bất kể giờ giấc. Đấy là những bất lợi đối với tôi, và những lãnh đạo nữ giới khác.

Nhưng phụ nữ cũng có những lợi thế. Khó khăn là động lực để phụ nữ Việt Nam như tôi có thể học được nhiều. Do vậy, mình cũng dễ chinh phục được lòng người. Tôi đã biến những điều bất lợi thành có lợi từ những bài học cuộc sống của cá nhân mình như vậy.

* So với trước đây, khi còn là một nhân viên và bây giờ là người quản lý, bà thấy mình có khác gì không?

- Khi chỉ là nhân viên, mọi việc dễ hơn rất nhiều, trách nhiệm chỉ với mình thôi. Khi tôi còn là nhân viên, tính cách tôi vẫn thế, luôn hướng đến mục tiêu và luôn cố gắng làm hết trách nhiệm. Sếp giao ba việc thì mình làm 10 việc. Tôi là người luôn nhìn về phía trước, và chưa có việc gì ngay từ ban đầu tôi nghĩ mình không làm được.

Tuy nhiên, ở vị trí quản lý, tôi thấy thành công của mình không hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân, giống như điều khiển ô tô từ xa, biết phải đi hướng nam nhưng cái xe lại chạy không như ý muốn, thì mình phải làm thế nào để chiếc xe ấy đi đúng đường sẽ khó hơn nhiều.

* Với gia đình thì sao, bà có phải là người "điều hành"?

- Cũng giống như việc quản lý một công ty, điều hành mà mọi người không nghe theo thì cũng không thể gọi là một nhà điều hành. Với gia đình, nếu không biết làm thế nào để chồng con phục thì cũng sẽ chẳng ai theo mình.

* Buổi sáng của bà bắt đầu thế nào?

- Buổi sáng của tôi, đến tận bây giờ, khi mở mắt, việc đầu tiên nghĩ tới là lên kế hoạch trong ngày hôm nay làm những gì, và có kế hoạch cho cả ngày, thậm chí là theo từng múi giờ, kể cả ngày nghỉ. Tôi rất ít khi không có kế hoạch, kể cả từ những việc nhỏ như làm tóc cho đến xây nhà. Ngủ dậy là tôi có định hướng cho ngày đó và kết quả là gì.

Từ lúc còn bé tôi nghĩ phải dậy vào giờ này thì mới kịp làm những việc đã lên kế hoạch, như đi chợ giờ này, nấu ăn giờ này. Tôi nghiêm khắc với bản thân như thế, vì nếu không thì rất khó đạt được mục tiêu. Giống như vận động viên chạy marathon chạy trên một quãng đường, phải có cách, nếu chạy vù vù ngay từ đầu thì được một phần quãng đường sẽ không chạy được tiếp đoạn sau.

Nhiều người hỏi sao tôi lúc nào cũng phải vào guồng, căng thẳng như thế. Nhưng tôi không thấy mệt, tôi luôn hăng hái vì luôn nhìn thấy mục đích, có định hướng rõ ràng và miệt mài hướng đến mục đích.

* Cảm ơn bà về những chia sẻ này!

>Forbes: 10 nữ doanh nhân quyền lực nhất thế giới 2016

>Học các nữ doanh nhân cân bằng cuộc sống

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
DN Mai Trang Thanh: Muốn đi xa đừng dễ dãi với bản thân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO