CEO Microsoft Việt Nam: Gan lỳ trước khủng hoảng

BÍCH TUYỀN/DNSGCT| 29/10/2015 03:40

Tôi có sự gan lỳ của một nhà lãnh đạo trước khủng hoảng, thậm chí là những thất bại. Đây là những yêu cầu cần thiết nhất đối với các nhà quản trị cấp cao.

CEO Microsoft Việt Nam: Gan lỳ trước khủng hoảng

Vũ Minh Trí – CEO Microsoft Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với chúng tôi tại văn phòng làm việc của anh. Khi cuộc nói chuyện lố giờ, anh có vẻ mất tập trung.

Đọc E-paper

Hỏi ra mới biết sau lịch làm việc dày đặc ngày hôm nay, anh còn có cuộc hẹn quan trọng với hai đứa con đang tuổi lớn. Cân bằng giữa công việc và gia đình luôn là điều phải suy nghĩ đối với một doanh nhân bận rộn. Còn giáo dục con là kế hoạch mà anh đang theo đuổi và đầu tư tâm huyết cũng không thua kém gì vai trò lãnh đạo ở công ty.

* Được biết anh học ngành dầu khí theo mong muốn của gia đình, rồi đột ngột chuyển qua ngành khác không hề liên quan, trước khi trở thành CEO của các công ty lớn. Điều gì đã khiến anh có quyết định táo bạo như vậy?

- Ban đầu, tôi cũng định yên thân làm một kỹ sư hóa dầu theo đúng ngành đã học. Thế nhưng khi ngồi vào vị trí đó mới thấy dường như nó không phải chỗ dành cho mình. Mỗi ngày đối diện với phòng thí nghiệm và những con số, tôi cảm giác bức bối mà không hiểu tại sao. Một lần, đọc cuốn sách Career and Anchor (Mỏ neo và nghề nghiệp), cuốn sách nói về sự tương thích của thiên hướng bản thân với nghề nghiệp, tôi phát hiện ra “mỏ neo” của mình không nằm ở ngành Nghiên cứu sâu mà nằm ở ngành Quản trị tổng quát.

Lúc đó, tôi mới hiểu có sự bức bối là do công việc đang làm không phù hợp với thiên hướng của bản thân. Tôi quyết định nghỉ việc dầu khí và nộp đơn cho Procter&Gamble ứng tuyển vị trí Quản lý nhãn hiệu, một ngành nghề không hề liên quan. Ý nghĩ của tôi khi đó rất đơn giản, làm bất cứ cái gì có thể đưa mình đến gần với thiên hướng của mình.

>>Khi nào nên từ chối một cơ hội nghề nghiệp

* Thay đổi con đường tương lai vì một cuốn sách, anh có cảm thấy mình quá liều lĩnh? Anh đã làm thế nào để cạnh tranh được với các ứng viên khác khi không hề có kinh nghiệm hoặc kiến thức trong lĩnh vực mà mình ứng tuyển?

- Tôi thấy mình được khai sáng hơn là liều lĩnh. Nếu tôi có ngồi ở phòng thí nghiệm đó năm năm hay mười năm nữa và thăng tiến vị trí cao hơn, tôi chắc mình cũng không tìm thấy niềm vui trong công việc. Cuốn sách cho tôi tự tin để từ bỏ sự an toàn và đi tìm đường khác, dù biết con đường đó sẽ không hề bằng phẳng. May mắn thay, khái niệm tiếp thị, thương hiệu khi đó còn rất mới tại Việt Nam. Các ứng viên khác cũng giống như tôi, dù học ngành marketing hay chưa, đều rất lờ mờ. Với tính cách thích thử thách, thấy gì hợp lý thì làm, tôi vượt qua các thí sinh khác để được tuyển dụng.

>>Công việc và thăng tiến nghề nghiệp

* Công việc của một người quản lý nhãn hiệu chưa được đào tạo bài bản như anh có những khó khăn gì?

- Công việc nào cũng có những khó khăn riêng nhưng tôi thích thú với những trải nghiệm mới. Dù bận rộn và phải nỗ lực nhiều hơn chứ không thảnh thơi như trước, tôi tìm thấy niềm say mê công việc chứ không còn làm cho hết giờ. Trong vai trò Quản lý nhãn hiệu, tôi học được rất nhiều, từ nghiên cứu thị trường, hoạch định kế hoạch và tổ chức thực hiện.

Có thể nói, trải nghiệm quá trình tạo ra một sản phẩm, chứng kiến nó từ khi thai nghén đến khi tỏa sáng trên thị trường là một may mắn đối với một người trẻ, nhất là “kẻ ngoại đạo” như tôi. Công việc này cũng là bước đệm để tôi có những cơ hội khác.

Một thực tế, mình càng có nhiều kiến thức và kinh nghiệm thì cơ hội càng rộng mở. Những vị trí quản lý cao cấp thường đòi hỏi ứng viên có kỹ năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng rất ít ứng viên đáp ứng được. Đó là lý do kẻ “không an phận” như tôi trở thành ứng viên sáng giá cho vị trí Phát triển hệ thống bán lẻ Tập đoàn British Petroleum.

Dù chưa hề có kinh nghiệm gì về kinh doanh xăng dầu, tôi có lợi thế am hiểu về dầu khí và thực tế về marketing. Sau khi xây dựng một hệ thống bán lẻ ổn định cho British Petroleum, tôi gia nhập British American Tobacco (BAT) và trải qua rất nhiều vị trí khác nhau để học, để trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm.

Thời điểm đó, tôi nhận được rất nhiều lời mời từ các công ty, tập đoàn đang “ăn nên làm ra” cho các vị trí quản lý cấp cao như giám đốc bán hàng, phó tổng giám đốc… Thế nhưng có một lời đề nghị khiến tôi đắn đo hơn cả, vị trí Tổng giám đốc Sony Ericsson, một công ty đang gặp khó khăn và có nguy cơ đóng cửa tại thị trường Việt Nam.

* Thế nhưng cuối cùng thì anh cũng chọn Sony Ericsson. Hẳn là một lựa chọn không hề dễ dàng…

- Những điểm đến an toàn và dễ thăng tiến trong sự nghiệp là lẽ thường mà đa số sẽ chọn. Còn với tôi, dù biết rủi ro rất lớn nhưng đây là một cơ hội không dễ gì có được để tôi được trải nghiệm nghề CEO mà mình theo đuổi bấy lâu. Nhiều người nói tôi may mắn, thế nhưng, trong trường hợp đó, không phải ai cũng có thể đưa ra lựa chọn như vậy. Nếu thành công, nó sẽ là một bảng thành tích đẹp trong sự nghiệp; nếu thất bại, tôi nghĩ mình sẽ khó có thêm hội thứ hai…

* Cảm giác của anh thế nào khi chạm đến vị trí CEO?

- Thách thức là điều quá rõ ràng. Rời một tập đoàn lớn đang hoạt động trơn tru để quản lý một công ty đang chật vật để tồn tại, tôi phải đầu tư chiến lược bài bản hơn tất cả những gì mình đã làm trước đó. Tôi dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu hiện trạng của công ty, cơ hội của thị trường và hoạt động của các đối thủ.

Với ngân sách rất eo hẹp, thay vì chọn cách quảng cáo trên tivi, chúng tôi dành gần như toàn bộ ngân sách cho tiếp thị tại điểm bán, tập trung vào vài mẫu điện thoại có cơ hội tăng trưởng nhiều nhất. Chiến lược này giúp Sony Ericsson vượt lên vị trí thứ ba trên thị trường điện thoại di động. Hai năm sau, tôi gầy dựng được một nhóm đủ mạnh để làm tốt công việc mà không cần phải quản lý chi tiết. Đây cũng là lúc tôi nghĩ đến mục tiêu mới, hoặc tiếp tục tạo sự khác biệt của Sony Ericsson trên thị trường điện thoại di động, hoặc là chuyển sang một lĩnh vực hoàn toàn mới.

* Có vẻ như anh không bao giờ hài lòng với bản thân mình?

- Trong kinh doanh, tự hài lòng với bản thân sẽ khiến mình bị tụt hậu và tạo cơ hội cho đối thủ. Với tôi, thành công hôm nay là động lực để học hỏi và viết tiếp câu chuyện của ngày mai. Câu chuyện ở Sony Ericsson đưa tôi đến với Yahoo!Việt Nam, rồi Qualcomm để có những trải nghiệm và thành công trong lĩnh vực internet, viễn thông…

Tôi nghĩ, ngoài việc thích thử thách bản thân với những trải nghiệm mới, tôi có sự gan lỳ của một nhà lãnh đạo trước khủng hoảng, thậm chí là những thất bại. Đây là những yêu cầu cần thiết nhất đối với các nhà quản trị cấp cao.

* Được biết anh có thời gian làm việc ở trụ sở Qualcomm tại Mỹ. Môi trường ở đó khác gì ở Việt Nam và nó đã thay đổi tư duy của anh như thế nào?

- Những chuyến công tác thường xuyên ở trụ sở Qualcomm tại San Diego, tôi có cơ hội gặp gỡ và làm việc với các lãnh đạo cao cấp nhất của tập đoàn. Gặp họ rồi, tôi thấy họ cũng là những người bình thường như mình, nhưng họ làm được những điều phi thường nhờ tính kiên định và tư duy toàn cầu.

Sự kiên định giúp họ kiên trì theo đuổi mục tiêu và chiến lược đặt ra, dù nhiều người cho rằng đó là điều không tưởng, còn tầm nhìn rộng giúp sự thành công càng lớn, bằng chứng là công nghệ 3G do họ tạo ra đã được sử dụng phổ biến và trở thành nền tảng phát triển nội dung số và các ứng dụng trên điện thoại thông minh hiện nay.

* Công việc quản trị cấp cao một doanh nghiệp hẳn chiếm rất nhiều thời gian của anh. Có bao giờ anh bị đặt vào vị thế phải lựa chọn công việc và gia đình hay chưa?

- Ở vị trí đó, công việc bận rộn, đi công tác thường xuyên là điều không tránh khỏi. Vì thế, cân bằng giữa công việc và gia đình luôn là điều tôi phải suy nghĩ.

Thời điểm tôi thường đi công tác nước ngoài nhất và ít có thời gian ở nhà có lẽ là lúc tôi đảm nhận vị trí CEO Đông Dương cho Qualcomm. Đây cũng là lúc con tôi đang lớn lên rất nhanh và trải qua tuổi niên thiếu vốn dễ bốc đồng. Tôi hiểu rằng đây là thời điểm quan trọng và chúng thật sự cần tôi bên cạnh để chỉ bảo, định hướng. Vì lẽ đó, tôi quyết định nhận vị trí Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam vì tôi nghĩ công việc này sẽ cho tôi nhiều thời gian hơn bên gia đình.

* Nhiều người nói phía sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng một người phụ nữ. Có vẻ vợ anh đóng góp rất nhiều trong sự thành công của chồng?

- Vợ tôi quán xuyến mọi việc trong nhà từ việc bếp núc đến chuyện ăn ngủ, học hành, các mối quan hệ với nhà trường, còn tôi phụ trách việc tổ chức các hoạt động giải trí như đi xem phim, du lịch hay ăn tối ở ngoài… Những lúc tôi không có thời gian bên con, cô ấy chính là sợi dây liên kết chúng tôi với nhau. Những câu chuyện cô ấy kể khi đi họp phụ huynh hay xem con thi đấu bóng rổ, tập thể thao… giúp tôi nhìn thấy sự trưởng thành của con dù tôi ít khi bên cạnh chúng. Cũng chính cô ấy đã thức tỉnh tôi rằng, tuổi thơ của con đã qua đi không thể quay lại và sau này, muốn bù đắp cũng không thể làm được.

Tôi nghĩ rằng mình không có nhiều thời gian bên gia đình thì mình sẽ bù bằng chất lượng. Thỉnh thoảng, tôi cũng vào bếp nấu vài món ăn dù đây không phải sở trường. Tôi đặc biệt có năng khiếu để tạo không khí vui vẻ và tổ chức các chuyến du lịch.

* Tư duy của một nhà quản trị sẽ giúp gì cho anh trong việc giáo dục con cái?

- Tôi tâm đắc với mô hình KASH (Knowlegde – Attitude – Skill – Habit) khi phát triển nhân viên. Theo tôi, kiến thức cũng quan trọng nhưng thứ quan trọng hơn cả là trải nghiệm. Chúng ta đọc sách nấu ăn, thuộc làu công thức nấu ăn, nhưng chắc sẽ không nấu được món đó thật ngon nếu chưa nấu thử một vài lần. Mình học giỏi, đọc nhiều sách thì đó cũng là lý thuyết, chỉ khi có trải nghiệm thì mới có thể biến nó thành kỹ năng và thói quen. Điều này sẽ làm chúng ta khác biệt. Tôi cũng áp dụng mô hình này trong việc giáo dục con, khuyến khích con có những trải nghiệm thực tế để biến kiến thức thành kỹ năng.

Tư duy lãnh đạo cũng giúp tôi quan sát để nhận ra điểm mạnh, điểm yếu của con và có phương pháp bổ khuyết, điều chỉnh kịp thời. Tôi và vợ khá đồng lòng trong việc dạy con, không ép con theo ngành học của mình mà để con phát triển theo thiên hướng sẵn có. Nếu vợ tôi dành nhiều thời gian theo sát việc học ở trường, tôi góp phần giúp con tư duy đúng trong việc áp dụng những kiến thức vào cuộc sống. Trước đây, tôi học môn Văn rất kém vì không biết học môn này để làm gì. Bây giờ, mỗi khi viết thư hoặc thông báo cho nhân viên, tôi lại ước gì ngày xưa mình đầu tư cho môn này nhiều hơn. Những gì mình đã trải qua và vấp váp, tôi chia sẻ và định hướng cho con mình để các cháu học tập trung và có chủ đích.

Theo tôi, kiến thức cũng quan trọng nhưng thứ quan trọng hơn cả là trải nghiệm. Mình học giỏi, đọc nhiều sách thì đó cũng là lý thuyết, chỉ khi có trải nghiệm thì mới có thể biến nó thành kỹ năng và thói quen. Điều này sẽ làm chúng ta khác biệt.


* Trên Facebook cá nhân, tôi thấy anh chia sẻ khá nhiều hình ảnh chơi golf, phải chăng đây cũng là một đam mê ngoài công việc của anh?

- Tôi đến với golf năm 2006 và đã mê môn này luôn bởi vì sự thử thách của nó. Không giống các môn đối kháng, người chơi giỏi hơn sẽ luôn thắng, golf là môn mà chúng ta phải thi đấu để giỏi hơn chính mình.

Trên sân golf, người chơi dù ở trình độ nào nếu có chiến lược tốt đều có thể có cơ hội thắng, bởi vì cũng sân đó, người chơi đó nhưng cuộc chơi ngày hôm nay sẽ không giống hôm qua. Thậm chí, cú phát bóng đầu tiên thuận lợi chưa chắc đã mang đến cục diện tốt cho toàn bộ trận golf. Chỉ có một tinh thần tập trung cao độ, bản lĩnh trước những cú đánh không may lạc hướng… mới giúp người chơi vững tinh thần và làm chủ được thế trận. Trong môn này có một câu nói rất nổi tiếng: “Cú đánh quan trọng nhất là cú bạn chuẩn bị đánh”.

Mười tám lỗ golf, tất cả cú đánh đều đòi hỏi người chơi phải có chiến lược và không được lơ là. Tôi thấy chơi môn này rất giống trong kinh doanh, chúng ta phải luôn đặt mục tiêu và phấn đấu chứ không bao giờ được tự hài lòng.

Chơi golf cũng tập cho tôi sự tự tin và tinh thần vượt khó. Nếu không may đánh bóng lạc hướng vào rừng hoặc các chướng ngại vật, hoặc là bạn sẽ bỏ cuộc, hoặc phải xem đó là cơ hội để học cách cứu bóng ở những vị trí khó. Chơi càng nhiều, tôi như được rèn luyện thêm ý chí về việc xây dựng chiến lược bài bản và tự tin trong mọi tình huống. Giống như kinh doanh vậy, đừng bao giờ nghĩ mọi việc luôn thuận lợi mà phải luôn chuẩn bị cho những tình huống bất lợi, thậm chí là khủng hoảng. Có như vậy thì mới dễ dàng vượt qua

* Là người nhiệt huyết với sự phát triển công nghệ thông tin, anh đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành này tại Việt Nam hiện nay?

- Chính phủ đang có chính sách rất đúng đắn, đầu tư để Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin vào năm 2020. Việc đầu tư đúng đắn vào hạ tầng và các giải pháp công nghệ thông tin là yếu tố quyết định cho sự thành công của định hướng này. Tuy nhiên, hằng năm, Chính phủ bỏ ra số tiền lớn để đầu tư về cơ sở hạ tầng nhưng hiệu quả chưa cao vì chưa có sự kết nối dữ liệu mà chỉ dừng lại ở các hệ thống dữ liệu riêng lẻ. Nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước hiện nay vẫn sử dụng cách quản lý dữ liệu thủ công, vừa tốn thời gian, nguồn nhân lực, vừa gây khó khăn cho việc truy xuất, kết nối, tổng hợp dữ liệu.

Xu hướng công nghệ thông tin hiện nay là điện toán đám mây, di động, big data (dữ liệu lớn) và social network (mạng xã hội), nếu Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam áp dụng sớm và tận dụng được các thế mạnh của nó thì có thể rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Đặc biệt, chúng ta sẽ gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, công nghệ sẽ là yếu tố để cải thiện hiệu suất làm việc, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối tốt hơn để tăng tính cạnh tranh.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ Việt Nam nên bớt tự hào ở nguồn nhân công giá rẻ và dừng lại ở tư duy của một đất nước gia công phần mềm. Chúng ta cần nhìn xa hơn để xây dựng một ngành công nghiệp, nơi những người trẻ có cơ hội trải nghiệm tạo ra sản phẩm thực sự và nâng cao trình độ trong lĩnh vực này.

Việt Nam nên bớt tự hào ở nguồn nhân công giá rẻ và dừng lại ở tư duy của một đất nước gia công phần mềm. Chúng ta cần nhìn xa hơn để xây dựng một ngành công nghiệp, nơi những người trẻ có cơ hội trải nghiệm tạo ra sản phẩm thực sự và nâng cao trình độ trong lĩnh vực này.

*Được biết, anh là giám khảo một cuộc thi khởi nghiệp của giới trẻ. So với các bạn trẻ hiện nay, anh thấy họ có điểm gì giống mình và khác mình? Anh có lời khuyên nào để họ thành công hơn?

- Tôi nghĩ các bạn trẻ hiện nay có nhiều lợi thế hơn so với thời của tôi vì các bạn có nền giáo dục tốt, được đào tạo tiếng Anh bài bản. Văn hóa Việt Nam hiện nay cũng cởi mở hơn, không còn quan điểm người trên kẻ dưới, các bạn trẻ dạn dĩ, mạnh dạn trong giao tiếp. Điều này sẽ giúp các bạn thành công sớm và có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động hội nhập.

Tuy nhiên, cũng vì những yếu tố này mà nhiều người trẻ dễ hài lòng với bản thân và ngừng việc học hỏi để tiến xa hơn. Tôi gọi những trường hợp này là “già trước tuổi”. Rất nhiều bạn trẻ mở công ty và nhanh chóng thành công nhưng chỉ hai năm đầu thôi thì họ dừng lại, trong khi đối thủ của họ có thể là kẻ “theo gót” nhưng sẽ tiến nhanh và vượt xa hơn.

Câu chuyện này, chính những đại gia trong ngành công nghệ thông tin cũng luôn phải đối mặt, chúng tôi phải suy nghĩ vận động liên tục, kẻ theo gót thông minh và có chiến lược đúng luôn dễ thành công hơn người đi trước vì họ không mất chi phí nghiên cứu thị trường, tạo ra sản phẩm ban đầu. Nếu mình ngừng lại thì sẽ bị tụt hậu. Do đó, phải luôn theo dõi, quan sát sự thay đổi bên ngoài để chuẩn bị mọi thứ bên trong thật tốt. Nếu những thay đổi bên ngoài khiến chúng ta phải ngạc nhiên thì tôi nghĩ rằng doanh nghiệp đó đã thua và khó mà lấy lại được vị thế.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện! 

 >Hãy là nhà lãnh đạo có sức hút

>5 phong cách lãnh đạo

>CEO ngân hàng Việt phải lắm “chiêu”

>CEO StoxPlus: ‘Khủng hoảng là cơ hội chơi lại ván cờ'

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CEO Microsoft Việt Nam: Gan lỳ trước khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO