TP.HCM tăng cường kết nối và mở rộng kênh phân phối hàng hóa vào ASEAN
TP.HCM đang chủ động mở rộng các kênh phân phối hàng hóa ra khu vực Đông Nam Á, thông qua việc phát huy vai trò cầu nối của cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại nước ngoài.
Đây được xem là điểm nhấn của hội nghị “Phát triển kênh phân phối hàng hóa TP.HCM với các nước trong khu vực Đông Nam Á”, diễn ra ngày 3/4 tại Savannakhet (Lào), trong khuôn khổ “Triển lãm TP.HCM và các tỉnh, thành hữu nghị lần thứ 5”, do UBND TP.HCM tổ chức.
Hội nghị do Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM phối hợp cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp TP.HCM và đại diện Hội doanh nghiệp Việt Nam tại các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Singapore.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Thành ủy viên, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách TP.HCM, trưởng đoàn công tác khẳng định, hội nghị không đơn thuần là hoạt động đối ngoại, mà là bước đi chiến lược nhằm đưa hàng hóa TP.HCM thâm nhập sâu hơn vào thị trường ASEAN.
“TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối thương mại giữa Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Với dân số trên 10 triệu người, nền kinh tế năng động và mạng lưới doanh nghiệp rộng lớn, TP.HCM không chỉ là nơi hội tụ của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước mà còn là cầu nối chiến lược giúp hàng hóa Việt Nam vươn xa hơn trên thị trường quốc tế,” bà Trân phát biểu.
Bà cũng nhấn mạnh, TP.HCM đã phát triển nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối ra nước ngoài, đặc biệt qua các kênh của cộng đồng doanh nhân kiều bào. Trong bối cảnh Đông Nam Á có đông đảo doanh nhân người Việt thành đạt, đây là nguồn lực rất lớn cần được phát huy đúng hướng.
Để hiện thực hóa mục tiêu mở rộng thị trường, TP.HCM đề xuất bốn nhóm giải pháp trọng tâm: phát triển hệ thống phân phối thông qua mạng lưới kiều bào; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực xuất khẩu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số; đồng thời phát triển các chương trình hỗ trợ vốn, tín dụng, giảm thuế và chính sách thương mại quốc tế ưu đãi cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao vai trò của Hội doanh nghiệp Việt Nam tại các nước, những người đã không ngừng nỗ lực tạo dựng mạng lưới kinh doanh, kết nối thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mở rộng thị trường. Với tiềm năng và sự hỗ trợ từ chính quyền hai nước, tôi tin rằng chúng ta có thể xây dựng một hệ sinh thái thương mại bền vững, giúp hàng hóa Việt Nam không chỉ có chỗ đứng trong khu vực mà còn vươn xa hơn trên thị trường quốc tế,” bà Trân nói thêm.
TP.HCM cũng cam kết đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt.

Bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sáng kiến của TP.HCM, bà Đặng Thị Hải Tâm - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Savannakhet, cho rằng, việc tổ chức hội nghị ngay tại địa bàn có đông cộng đồng Việt sinh sống là cách làm đúng và trúng. “Thông qua hội nghị, các DN trong nước và ngoài nước được ngồi lại với nhau trên nền tảng chung: văn hóa Việt, tinh thần Việt, vì sự phát triển bền vững của hàng hóa Việt trên thị trường khu vực”, bà Tâm chia sẻ.
Cũng theo bà Hải Tâm, đây là cơ hội để hàng hóa TP.HCM hiện diện ngày càng nhiều hơn tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, miền Bắc - Trung - Nam của Lào. Điều này không chỉ góp phần nâng cao giá trị thương hiệu hàng hóa Việt, mà còn lan tỏa hình ảnh một TP.HCM hiện đại, đáng sống, thu hút du lịch, giáo dục và đầu tư.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận những chủ đề thiết thực, gồm: xu hướng tiêu dùng tại các nước ASEAN, nhu cầu nhập khẩu và mô hình phân phối hiệu quả tại các thị trường trọng điểm như Lào, Thái Lan, Campuchia. Đại diện các hội DN Việt tại nước ngoài đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm và cơ hội hợp tác, giúp DN TP.HCM có thêm thông tin chiến lược để từng bước xây dựng mạng lưới phân phối bài bản.

Một điểm nhấn đáng chú ý là chương trình kết nối giao thương B2B giữa DN TP.HCM và DN Việt tại khu vực Đông Nam Á. Nhiều mối quan hệ hợp tác bước đầu đã được thiết lập, mở ra triển vọng mở rộng thị trường và tăng cường sức cạnh tranh cho DN Việt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Hội nghị cũng ghi nhận sự kiện ký kết các Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) giữa Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Lào (AVILA) và Hiệp hội Doanh nghiệp Thái - Việt Nam toàn Thái (BAOTV), giữa AVILA và Hội đồng Doanh nghiệp Việt - Trung (VCBC). Các MOU này là cơ sở để xúc tiến thương mại, hỗ trợ DN mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm Việt tại thị trường quốc tế.
Tính đến năm 2024, Lào là thị trường đầu tư lớn nhất của Việt Nam ở nước ngoài, đứng đầu trong số 82 quốc gia và vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư. Việt Nam hiện là đối tác đầu tư lớn thứ ba vào Lào, với 269 dự án có tổng vốn đăng ký 5,66 tỷ USD. Các dự án này đã có mặt tại hầu hết các vùng miền của Lào, bao gồm các lĩnh vực tài chính, viễn thông, dịch vụ, nông lâm nghiệp. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động và đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào, đặc biệt là các dự án khai thác bô xít và xây dựng nhà máy chế biến alumin tại tỉnh Sekong với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.
Về đầu tư từ Lào vào Việt Nam, tính đến năm 2024, Lào có 13 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 72 triệu USD, chủ yếu trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, hạ tầng giao thông, công nghiệp chế biến và du lịch.
Kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào đạt 2,2 tỷ USD trong năm 2024, tăng 34% so với năm trước. Thương mại điện tử là lĩnh vực tiềm năng mới, với TP.HCM có thể là đối tác chiến lược của tỉnh Savanakhet.