TP.HCM cần đánh giá lại giải pháp cầu đi bộ lá dừa
Từ Hà Nội vào thăm quan TP.HCM lần này, một số người bạn của tôi khi đi tham quan công viên Bến Bạch Đằng và quan sát địa thế bán đảo Thủ Thiêm đều cho rằng: TP.HCM không nên xây dựng cầu đi bộ lá dừa lúc này, và càng phải xem xét lại vị trí dự kiến xây dựng giữa cầu Ba Son và hầm ngầm Thủ Thiêm.
Cũng như tôi, họ đều cho rằng, nhìn từ trên cao, bán đảo Thủ Thiêm có hình dáng giống một đầu người. Hình thù này, có mặt nhìn sang bên Bến Bạch Đằng, một vị trí đô thị có tầm chiến lược hàng thiên niên kỷ. Khi quan sát từ xa, bán đảo xinh đẹp này lại giống như cái tròng mắt (con ngươi) giao hòa giữa trời và đất, nhìn rất dễ thương…
Được biết, chiến lược của TP.HCM đã nhận định rất rõ về mục tiêu hướng ra biển lớn. Nhưng chiến lược hướng ra biển lớn, không có nghĩa là chúng ta chỉ có chăm chăm xây dựng những ngành mũi nhọn như đóng tàu, vận tài biển, hay logictics… mà xem nhẹ vấn đề chỉnh trang đô thị để trở thành một đô thị có sức hấp dẫn hàng đầu đối với những chuyến du thuyền, những con tàu du lịch hàng đầu thế giới.
Thiết nghĩ một Thành phố có lợi thế sông nước, lợi thế cảng biển, lại ở một vị trí cực kỳ thuận tiện, cũng như đã có sức thu hút du khách trong và ngoài nước nhất định, thì đây chính là một lợi thế vô cùng thuận lợi đối với thành phố mang tên Bác Hồ.
Nếu nhìn hình ảnh thực tế, bán đảo Thủ Thiêm và Bến Bạch Đằng có cấu trúc vòng tròn âm dương đặc biệt. Nếu Thủ Thiêm có cấu trúc mặt người nhìn sang Bến Bạch Đằng, thì ngược lại, Bến Bạch Đằng lại có cấu tạo hình một người bán thân đang dang rộng đôi tay chào đón Thủ Thiêm với phần đầu chính là vòng xoay Công trường Mê Linh hiện nay (chúng tôi muốn đề suất với lãnh đạo TP.HCM đổi tên Công trường Mê Linh thành Công trường Bạch Đằng Giang). Nếu bây giờ mọc lên một cây cầu, có thể làm nát đi sự tồn tại của một cấu trúc tự nhiên nơi đây.
Chỉ đơn thuần trên dải đất Bến Bạch Đằng chạy dài chưa đầy một km này thôi, đã gắn liền với tên tuổi của hai vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Một đầu là Bến Nhà Rồng, Cột cờ Thủ Ngữ lịch sử sắp tròn 160 năm, và Cảng Sài Gòn biểu tượng trên bến dưới thuyền sầm uất của khí thế hướng biển, gắn liền với tên tuổi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ đây, Bác đã lên tàu phiêu lưu mạo hiểm vượt các các đại dương, đến các châu lục, tìm đường cứu nước thành công. Một đầu là cảng đóng tàu Ba Son gắn liền với tên tuổi chàng trai trẻ miền Thất Sơn uống nước Cửu Long, người anh cả của giai cấp công nhân và Công hội Đỏ Việt Nam Tôn Đức Thắng. Hai Bác cũng đã từ nơi khúc sông lịch sử này dấn thân ra biển lớn, chứ có phải xa xôi gì đâu!
Rồi cũng bên dòng sông này, ngày 23/9/1945, để bảo vệ nền độc lập non trẻ của dân tộc vừa mới được tái lập trên dưới một tháng, một tiểu đội tự vệ Sài Gòn đã quả cảm đứng lên chống trả quyết liệt trước sự xâm lược trở lại của quân đội viễn chinh Pháp, nấp dưới danh nghĩa một đại đội quân Anh, mở đầu cho sự nghiệp vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Như thế để thấy rằng, lịch sử thời hiện đại của dân tộc ta cũng đã bắt đầu từ chính bên dòng sông khắc ghi nhiều sự kiện này. Hình ảnh những chiến sĩ tự vệ thành Sài Gòn với tinh thần “Độc lập hay là chết” năm xưa, lấy máu đào đỏ thắm để gìn giữ Quốc kỳ ngay từ những ngày đầu non trẻ cũng tại nơi yêu dấu thiêng liêng này… Với nhiều sự kiện lịch sử diễn ra ở nơi đây, đủ để thấy trung tâm đô thị TP.HCM thực sự là mảnh đất quan trọng cho sự phát triển của đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh với khát vọng vươn tầm chiến lược nơi biển lớn. Nơi đây đã đủ tầm quan trọng để TP.HCM phải xác lập chất mới, trong đó có vấn đề quy hoạch và chỉnh trang đô thị, nhất là tại bộ mặt đô thị trung tâm như Bến Bạch Đằng và bán đảo Thủ Thiêm?
Về việc chỉnh trang và tổ chức quy hoạch đô thị tại trung tâm TP.HCM, qua quan sát chúng tôi cho rằng, sự mềm mại của dòng sông Sài Gòn, một dòng sông dường như còn ẩn dấu những “thiên cơ”, những”mật mã” kỳ bí, với TP.HCM chính là một báu vật của tạo hoá ban tặng cần phải được quan tâm xứng đáng. Đặc biệt với khúc sông có Bến Bạch Đằng, tức từ cầu Thủ Thiêm 2 đến khu vực Bến Nhà Rồng (tương đương với cấu trúc khuôn mặt của bán đảo Thủ Thiêm), với cấu trúc hai khuôn mặt như âm với dương, đẹp như biểu tượng cặp nam thanh nữ tú đang đắm đuối tình tự, mà nếu như có sự xuất hiện của một cây cầu đi bộ không đúng chỗ thì không biết, nét đẹp trời cho đó nó sẽ như thế nào? Đây là lý do, chúng tôi cho là khẩn cấp đề nghị chính quyền TP.HCM nên quan tâm nghiên cứu lại. Đã đến lúc TP.HCM cần tăng cường sự phát triển đi vào chiều sâu, phát triển bền vững thay cho những thời kỳ phát triển tự phát, phát triển nóng rồi mất công xử lý sự cố, sai đâu sửa đấy…
Như vậy, trên cơ sở quan sát thực địa Bến Bạch Đằng và bán đảo Thủ Thiêm, chúng tôi cho rằng, khoảng không gian âm của mặt sông Sài Gòn tại khúc này, cần phải được giữ nguyên, và đánh giá lại các phương án đề xuất làm cầu bộ hành, đảm bảo sự liên thông cộng hưởng cho cả đôi bờ, nhất là sau này, quảng trường trung tâm sẽ hiện diện ở vị trí khuôn mặt của bán đảo Thủ Thiêm, chưa kể là cấu trúc đôi cánh của cây cầu quá đồ sộ thì sự ngăn chia không gian của nó sẽ ảnh hưởng đến không gian nơi đây như thế nào? Vậy nên, rất không nên có bất kỳ một cây cầu nào ở khu vực này chạy ngang qua chia cắt mặt sông nữa vì sẽ khiến không gian âm của dòng sông thơ mộng này bị chia nát ra vụn vặt mà thôi. Hoặc nếu như cần phải có những cây cầu qua sông nữa, thì một là phải làm hầm ngầm như hầm Thủ Thiêm hiện hữu, hoặc hai là phải dịch chuyển vị trí lùi hẳn xuống phía dưới, hay đẩy sát lên vị trí cầu Ba Son…