Tổng hợp tin doanh nhân tuần 1-7/10/2023
Ông Nguyễn Hoàng Hải được bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc Eximbank; CEO Lê Hồng Minh tiết lộ nguyên nhân VNG hoãn IPO tại Mỹ; doanh nhân Lê Thành Công chia sẻ Việt Nam có nhiều thuận lợi để xây dựng trung tâm vùng dữ liệu… là các tin nổi bật về doanh nhân trong tuần qua.
Ông Nguyễn Hoàng Hải được bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc Eximbank
HĐQT Ngân hàng TMCP Eximbank đã có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó tổng giám đốc thường trực nhận chức quyền tổng giám đốc từ ngày 3/10/2023, thay cho ông Trần Tấn Lộc đã xin nghỉ vì lý do cá nhân và muốn tập trung thời gian thực hiện tốt vai trò thành viên HĐQT. Được biết, ông Nguyễn Hoàng Hải từng là thành viên Hội đồng Đầu tư ABBank, Phó tổng Giám đốc ABBank Asset Management và Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tài chính CP Điện lực (EVN Finance). Ông vừa mới tham gia vào Eximbank và được bổ nhiệm vị trí phó tổng giám đốc thường trực từ ngày 2/8/2023. Sau hai tháng, ông Hải đã được bổ nhiệm lên làm quyền tổng giám đốc. Hiện tại, cấu trúc ban tổng giám đốc Eximbank có 5 thành viên: quyền Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Hải và 4 phó tổng giám đốc gồm ông Đào Hồng Châu, ông Nguyễn Hướng Minh, bà Lê Thị Mai Loan và ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ.
CEO Lê Hồng Minh tiết lộ nguyên nhân VNG hoãn IPO tại Mỹ
CEO VNG Lê Hồng Minh vừa tiết lộ về nguyên nhân Công ty VNG hoãn kế hoạch niêm yết tại Mỹ. Cụ thể, CEO Lê Hồng Minh tiết lộ rằng hiện tại các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng với đợt IPO của các công ty công nghệ ở châu Á. Theo đó, ông Minh tin rằng, bất chấp tình hình vĩ mô đầy thách thức trong năm 2023, ở thời điểm hiện tại, tất cả hoạt động kinh doanh của VNG đều đang phát triển tốt và công ty đang nhìn thấy những cơ hội lớn trong nỗ lực toàn cầu và AI. Đây sẽ là nền tảng để VNG thực hiện IPO ở vị thế vững chắc và có cơ hội tăng giá tốt nhất sau khi lên sàn. Đồng thời, CEO Lê Hồng Minh cũng cho biết thêm, ban lãnh đạo công ty đã gặp gỡ hơn 120 nhà đầu tư toàn cầu trong năm qua để chia sẻ câu chuyện của mình. Tuy nhiên, hầu hết nhà đầu tư đang chỉ đứng chờ và quan sát. Dù vậy, vị CEO của VNG vẫn giữ niềm tin chắc chắn rằng VNG sẽ có thể quay trở lại thị trường trong tương lai rất gần.
Doanh nhân Lê Thành Công: Việt Nam có nhiều thuận lợi để xây dựng trung tâm vùng dữ liệu
Trong những năm qua, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam chứng kiến một “cuộc đua” xây dựng trung tâm dữ liệu của mình với quy mô ngày càng lớn và công nghệ ngày càng hiện đại. Theo dự thảo quy hoạch hạ tầng ngành thông tin và truyền thông có một nội dung quan trọng là hình thành các cụm trung tâm dữ liệu đa mục tiêu cấp vùng, phục vụ hoạt động kinh tế xã hội và hoạt động của cơ quan nhà nước. Trước xu hướng trên, ông Lê Thành Công - Phó tổng giám đốc Viettel Solutions đã có nhận định về mục tiêu Digital Hub của Việt Nam. Theo nhận định của ông, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển các trung tâm dữ liệu vùng. Trước hết, đó là một vị trí chiến lược ở khu vực Đông Nam Á, gần các trung tâm kinh tế lớn của khu vực, nằm trên trục chính của hành lang kinh tế Đông Tây. Đồng thời, Việt Nam cũng sở hữu một lực lượng nhân lực ngành công nghệ thông tin chất lượng với chi phí cạnh tranh trong khu vực. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nội địa đang tích cực đầu tư mở rộng xây dựng các trung tâm dữ liệu của chính mình. Tuy nhiên, ông Lê Thành Công cũng nhận thấy những thách thức mà Việt Nam sẽ gặp phải khi thực hiện mục tiêu Digital Hub. Đó không chỉ là vấn đề về chi phí đầu tư ban đầu, mà còn bao gồm chi phí phía sau, khi phải tiếp tục đầu tư về thể chế, chính sách, cơ chế thu hút doanh nghiệp, chi phí vận hành… Ngoài ra còn là vấn đề về quản lý và tuân thủ, thể hiện qua việc xây dựng hành lang pháp lý, nhằm đảm bảo trung tâm dữ liệu hoạt động một cách đáng tin cậy và an toàn. Những thách thức này đòi hỏi Việt Nam phải tìm kiếm và duy trì được nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao tại các khu vực xa trung tâm kinh tế.
Nhà sáng lập Tracybee Lê Ngọc Thu Trang: Tình yêu con người luôn đến trước tình yêu sản phẩm
Tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại thương, nữ doanh nhân Lê Ngọc Thu Trang từng có thời gian học thạc sĩ ngành tài chính tại Úc trước khi quyết định trở về Việt Nam vào năm 25 tuổi. Có một thời gian chị tham gia vào công việc tài chính ngân hàng, nhưng sau thời gian 4 năm làm việc ở ngân hàng, Thu Trang lại chọn hướng đi khởi nghiệp cho bản thân. Sau khi nhận thấy Việt Nam nằm trong 6 quốc gia xuất khẩu mật ong hàng đầu thế giới nhưng không có thương hiệu nào ghi danh thành công tại đấu trường quốc tế, chị quyết định nghỉ việc và chọn khởi nghiệp với thương hiệu mật ong Tracybee từ bí quyết nuôi ong lấy mật của gia đình chồng. Ngay từ những ngày đầu tiên bán hàng tại các khu chợ truyền thống, Tracybee đã chú trọng đóng gói bao bì trong diện mạo chỉn chu của các sản phẩm mật ong. Đến nay, Lê Ngọc Thu Trang vẫn luôn giữ triết lý kinh doanh “Tình yêu con người luôn đến trước tình yêu sản phẩm”. Thay vì tập trung vào sản phẩm, thậm chí yêu sản phẩm đến mức mù quáng, người làm kinh doanh cần xác định mục tiêu cuối cùng mình hướng tới là người tiêu dùng, mang lại giá trị cho xã hội trong từng sản phẩm.
Câu chuyện về thổ cẩm Việt Nam trên tà áo dài truyền thống của doanh nhân Nguyễn Quang Huy
Luôn đau đáu với khát vọng lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống độc đáo trên tà áo dài Việt Nam, doanh nhân Nguyễn Quang Huy đã lặn lội tìm kiếm những họa tiết thổ cẩm trên khắp các vùng, miền đất nước để đưa vào thiết kế của anh. Cơ duyên đưa anh đến với thổ cẩm Việt Nam bắt đầu từ việc anh tham gia Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Đắk Nông vào năm 2019, với vai trò là người thiết kế mẫu sản phẩm. Khi nhìn thấy những họa tiết thổ cẩm của người Mơ Nông, anh biến tấu để có thể dệt trên vải thông thường. Ý tưởng này đã nhanh chóng thành công khi những chiếc khăn dệt được địa phương dùng làm quà tặng trong các sự kiện tại “sân nhà” cũng như các chương trình xúc tiến thương mại của Đắk Nông tại các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Từ thành công đó, những bộ áo dài, bộ thời trang trình diễn dựa trên trang phục người Mơ Nông, Tây Nguyên do Quang Huy thiết kế được đón nhận và đánh giá cao. Sau này, khi tham gia vào chương trình văn hóa thổ cẩm Tây Bắc với thổ cẩm của dân tộc Xa Phó, anh tiếp tục phát triển ý tưởng sử dụng họa tiết thổ cẩm của người Xa Phó và nhiều dân tộc khác để đưa vào bộ sưu tập mới của anh. Đến nay, Nguyễn Quang Huy đã đưa thổ cẩm của 15 dân tộc lên thiết kế áo dài của mình, trong đó có các dân tộc Tày, Nùng, Dáy, Mông, Dao, Lô Lô…