Tôi tạo cơ hội cho mình

HOÀNG LÂM thực hiện| 24/07/2013 04:12

Là thí sinh gây bất ngờ cho Master Chef Việt Nam từ những vòng thi đầu tiên cho đến danh hiệu "Vua đầu bếp Việt Nam" mùa thứ nhất, anh chàng Việt kiều Úc Thanh Hòa đã để lại ấn tượng cho khán giả xem truyền hình không chỉ bởi tài năng mà còn bởi sự can đảm dám lên tiếng bảo vệ quan điểm để tạo ra cơ hội cho chính mình.

Tôi tạo cơ hội cho mình

Là thí sinh gây bất ngờ cho Master Chef Việt Nam từ những vòng thi đầu tiên cho đến danh hiệu "Vua đầu bếp Việt Nam" mùa thứ nhất, anh chàng Việt kiều Úc Thanh Hòa đã để lại ấn tượng cho khán giả xem truyền hình không chỉ bởi tài năng mà còn bởi sự can đảm dám lên tiếng bảo vệ quan điểm để tạo ra cơ hội cho chính mình.

Đọc E-paper

>> MasterChef đến Việt Nam
>> Christine Hà với MasterChef Việt Nam
>> Tuyệt chiêu quảng bá văn hóa ẩm thực

* Nỗ lực bao ngày để đạt được danh hiệu "Vua đầu bếp Việt Nam", điều đầu tiên anh muốn làm bây giờ là gì?

- Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là việc quay lại đời sống thường nhật bởi hào quang nào rồi cũng sẽ qua. Tôi vẫn ở lại Việt Nam, tiếp tục công việc làm quản lý marketing cho một công ty thiết kế kiến trúc nội thất. Còn dự định cho tương lai, tất nhiên là tôi đang có kế hoạch kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.

* Kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam dễ thành công, đây có phải là yếu tố để anh quyết định tham gia thị trường này?

- Theo tôi thì thị trường ẩm thực Việt Nam đang phát triển nhưng so với các nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore thì mình vẫn kém hơn 5 đến 10 năm.

Ẩm thực của chúng ta hiện nay chỉ dừng lại ở hình thức thức ăn đường phố (streetfood) nhưng cũng đã được chăm chút hơn về cách trình bày và chất lượng cũng tốt hơn. Ví dụ, nếu trước đây các món ăn như phở, bún chỉ bán ở lề đường thì ngày nay đã được mở trong các nhà hàng sang trọng và cách trình bày cũng cầu kỳ và đẹp.

* Với thị trường đầy tiềm năng như vậy thì đâu là hướng đi của riêng anh?

- Năm năm trở lại đây, du lịch Việt Nam phát triển rất nhanh, các tour du lịch từ Úc về Việt Nam cũng ngày càng nhiều hơn, điều đó chứng tỏ ngày càng có nhiều người nước ngoài muốn đến Việt Nam hơn.

Tôi cũng thấy du lịch Việt Nam đã xuất hiện các tour du lịch kết hợp với ẩm thực. Điều đó mở ra hai cơ hội: một là thị trường không còn bỡ ngỡ với dịch vụ này, hai là các dịch vụ này chỉ mới khởi phát nên còn nhiều thứ để khai thác và phát triển vì vậy tôi nghĩ đây là con đường cho tôi hướng đến.

* Anh có nhắc đến cơ hội từ thị trường, vậy chiến thắng cuộc thi có cơ hội nào mở ra cho anh không ?

- Có chứ! Để nghĩ ra hướng khai thác tôi vừa nói cũng là cơ hội ban đầu mà khi bước ra cuộc thi tôi có được. Sau cuộc thi, có nhiều người biết đến tôi hơn nên công việc của tôi cũng thuận lợi hơn.

Tôi là người biết nắm bắt cơ hội nhưng tôi nghĩ để tồn tại và phát triển trong cuộc sống hiện nay không những phải biết nắm bắt cơ hội mà còn phải tạo ra cơ hội cho mình nữa.

* Đó có phải là lý do anh quay trở lại để tìm kiếm cơ hội thứ hai sau khi bị Ban giám khảo loại anh ở vòng audition?

- Tôi rất buồn và ấm ức mãi câu nói của một vị trong Ban giám khảo: "Tôi thấy anh không có đam mê ẩm thực". Tôi nghĩ, đam mê cần phải có thời gian thể hiện, không phải tôi nêm nếm lỡ tay thì bảo tôi không có đam mê. Nghĩ thế nên tôi quyết định quay trở lại tìm kiếm cơ hội thứ hai để chứng minh cho họ thấy tôi thực sự có niềm đam mê ẩm thực.

* Anh đã từng tìm "cơ hội thứ hai" như vậy trong cuộc sống của mình chưa?

- Tất nhiên phải có rồi. Năm 1994, tôi ra nước ngoài du học, lúc đó tôi 21 tuổi, không người thân, ngôn ngữ hạn chế. Muốn tồn tại được ngoài chuyện cố gắng phấn đấu, tôi phải tìm cơ hội để được rửa chén trong nhà hàng rồi sau đó phải xin đến ba lần mới được thay đổi công việc từ rửa chén lên nhân viên chạy bàn.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành maketing thì Chính phủ Úc có chương trình định cư cho sinh viên nước ngoài sau khi được đào tạo, đó là cơ hội để tôi được định cư tại đây. Nói như vậy không có nghĩa là cứ đi xin xỏ cơ hội là được, cần phải chứng minh cho họ thấy mình xứng đáng với cơ hội đó bằng việc nỗ lực và phấn đấu không ngừng.

* Vậy việc trở về Việt Nam tham dự cuộc thi Master Chef có nằm trong dự định của anh trong việc phát triển nghề nghiệp?

- Dự định của tôi khi quyết định trở về Việt Nam là phát triển ẩm thực. Vô tình thấy thông tin về cuộc thi trên mạng, tôi nghĩ đây là cơ hội cho mình học tập và có thể đẩy nhanh sự nghiệp nên quyết định tham gia.

* Trong cuộc thi, anh thường sử dụng các nguyên liệu gần gũi của Việt Nam...

- Khi còn ở Việt Nam, tôi rất thích các món ăn dân dã. Sau này khi đi nước ngoài thì khẩu vị cũng thay đổi khi tiếp xúc nhiều với bơ, sữa, cá hồi... nhưng hương vị của các món ăn quê nhà vẫn làm cho tôi không thể nào quên được, nên trong cuộc thi tiêu chí của tôi là sử dụng các nguyên liệu Việt Nam kết hợp với phương Tây để tạo sự phá cách cho món ăn cũng như nâng tầm món ăn Việt Nam để có thể phát triển ẩm thực quê nhà.

* Xin cám ơn anh về những chia sẻ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tôi tạo cơ hội cho mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO