Tin kinh tế ngày 14/6: Xuất khẩu gạo Việt Nam giảm cả về lượng lẫn giá trị

HT| 14/06/2021 07:00

Nguy cơ giá hàng hóa tăng vọt khi cước vận tải biển cao kỷ lục, nhiều chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển ô tô thân thiện môi trường, cảng Trung Quốc tạm ngừng nhập hàng đông lạnh Việt Nam... cùng là những tin tức kinh tế đáng chú ý.

Xuất khẩu gạo Việt Nam giảm cả về lượng lẫn giá trị

1-4970-1623654747.jpg

Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu gạo Việt Nam tháng 5/2021 đạt hơn 626 nghìn tấn, kim ngạch đạt hơn 339 triệu USD, giảm gần 20% về lượng và giảm hơn 20% về giá trị so với tháng trước. Trong thời gian tới, triển vọng nhu cầu thị trường vẫn tương đối tốt. Tuy nhiên, xuất khẩu gạo của nước ta dự đoán có sự cạnh tranh lớn từ các nhà cung cấp khác như Thái Lan, Ấn Độ bởi giá gạo Việt Nam đang cao hơn so với gạo hai đối thủ lớn này.

Cảng Trung Quốc tạm ngừng nhập hàng đông lạnh Việt Nam

2-5381-1623654747.jpg

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lý do được đưa ra là vì năng lực lưu thông, bốc dỡ hàng hóa của cảng quốc tế Trạm Giang phía Trung Quốc bị ảnh hưởng do triển khai các biện pháp tăng cường công tác phòng dịch Covid-19 cho nhân viên, công nhân làm việc tại đây. Quyết định này không chỉ dành riêng cho Việt Nam mà còn nhằm vào hàng đông lạnh của các nước châu Á hoặc Đông Nam Á có nhiều giao dịch tại cảng này, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản cho biết.

Hoàn thành mua nhập kho 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia trước thời hạn

3-3768-1623654747.jpg

Theo Tổng cục Dự trữ Nhà nước, tính đến ngày 5/6/2021, Cục Dự trữ Nhà nước các khu vực đã hoàn thành mua nhập kho dự trữ quốc gia 190.000 tấn gạo, đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng, công khai, minh bạch. Như vậy, so với kế hoạch năm 2021 đã đề ra, Cục Dự trữ Nhà nước các khu vực đã hoàn thành sớm hơn dự kiến 10 ngày (thời gian dự kiến hoàn thành nhập kho trước ngày 15/6/2021).

Nguy cơ giá hàng hóa tăng vọt khi cước vận tải biển cao kỷ lục

4-6964-1623654747.jpg

Giá cước vận chuyển hàng hóa qua đường biển tăng cao kỷ lục trên toàn cầu được nhận định đang góp phần đẩy giá nhiều loại hàng hóa tăng cao, kéo theo đó là rủi ro lạm phát trên quy mô toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp quốc tế đã phải tạm ngưng xuất nhập khẩu hàng hóa hoặc tái cấu trúc để rút ngắn chuỗi cung ứng nhằm đối phó tình trạng giá cước vận tải tăng cao.

Nhiều chính sách ưu đãi thúc đẩy phát triển ô tô thân thiện môi trường

5-png-7616-1623654747.jpg

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua đã có nhiều chính sách được ban hành để thúc đẩy các phương tiện cơ giới phát triển theo hướng bảo vệ môi trường, hạn chế phát khí thải. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đánh giá tổng thể việc thực hiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô, trong đó có ô tô thân thiện với môi trường để sửa đổi, bổ sung phù hợp, đảm bảo nhất quán về phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã đưa ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 14/6: Xuất khẩu gạo Việt Nam giảm cả về lượng lẫn giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO