Bất động sản

Tín dụng nhà ở xã hội cần phù hợp với thu nhập thấp của người dân

Lan Ngọc 09/08/2023 17:25

Luật Nhà ở đang được dự thảo sửa đổi, bổ sung để trình Quốc hội xem xét ban hành trong thời gian tới. Chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội cần có quy định phù hợp với thu nhập thấp của người dân để họ có cơ hội tạo lập nhà ở.

nha-o-xa-hoi1.jpg

Để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân thuộc diện chính sách, người dân có thu nhập thấp, Chính phủ đã công bố triển khai đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030”.

Để triển khai thực hiện đề án nêu trên, Chính phủ cũng đã công bố gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội từ ngày 1/4/2023 đến năm 2030 thông qua 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước do Ngân hàng Nhà nước chỉ định. Trong đó, thời gian ưu đãi lãi suất vay vốn đối với người mua nhà là 5 năm, mức lãi suất áp dụng là 8,2%/năm.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, mức lãi suất áp dụng 8,2%/năm đối với người vay mua nhà ở xã hội so với khả năng tài chính của người dân có thu nhập thấp là còn quá cao. Thời gian ưu đãi lãi suất với người mua nhà cũng chỉ trong vòng 5 năm, sau đó lãi suất sẽ thỏa thuận theo thị trường là còn quá ngắn. Sẽ rất ít người dân thu nhập thấp có thể chịu đựng được mức lãi suất cao và thời hạn ưu đãi lãi suất ngắn như vậy dám vay để mua nhà.

Ngoài ra, việc tiếp cận tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội đối với người dân đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là việc xác nhận hồ sơ đủ điều kiện để vay. Chẳng hạn do chưa có nhà ở nên nhiều người chỉ được chính quyền xác nhận hộ khẩu thuộc diện KT3, để chứng minh có đủ điều kiện về tình trạng nhà ở thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội người dân không biết căn cứ vào đâu. Hoặc nếu thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội thì những khó khăn về thủ tục, điều kiện cho vay từ phía ngân hàng cũng khiến cho người dân không hề dễ dàng tiếp cận được những gói hỗ trợ tín dụng.

Ở một khía cạnh khác, để thực hiện chính sách nhà ở xã hội, từ năm 2016, Chính phủ đều ban hành lãi suất cho vay ưu đãi 4,8%/năm hỗ trợ mua, thuê mua nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành tín dụng lãi suất ưu đãi từ 4,8-5%/năm cho vay mua, thuê mua, mua nhà ở xã hội tại một số ngân hàng thương mại được chỉ định.

tin-dung-bds-copy.jpg

Tuy nhiên, Luật Nhà ở lại chưa cho phép tổ chức tín dụng do nhà nước chỉ định được cho hộ gia đình, cá nhân vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, Nhà nước cũng chưa bố trí ngân sách tái cấp vốn, cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định để cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp.

Chính vì vậy, người mua nhà ở xã hội không tiếp cận được tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, mà vẫn phải vay tín dụng thương mại với lãi suất cao khi có nhu cầu mua nhà ở.

Thực tế cho thấy, khả năng tự chi trả để mua được nhà ở của người dân đô thị có thu nhập thấp là rất hạn chế. Luật Nhà ở đang được dự thảo sửa đổi, bổ sung để trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới, cơ quan soạn thảo cần đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội với mức lãi suất thấp và thời hạn ưu đãi lãi suất dài phù hợp với mức thu nhập thấp của người dân.

Điều này không chỉ sẽ giúp làm tăng thanh khoản cho thị trường bất động sản ở phân khúc nhà ở xã hội, mà còn góp phần thực hiện có hiệu quả hơn một chính sách có ý nghĩa an sinh xã hội mang tầm chiến lược của quốc gia.

Theo TS. Đoàn Văn Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chính sách tín dụng cho người thuê, thuê mua, mua nhà ở xã hội cần duy trì ở mức cho vay ưu đãi lãi suất 4,8-5%/năm và thời hạn vay tối đa 25-30 năm để tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp tiếp cận được nhà ở xã hội.

Cần tính đến tăng cường khả năng tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội cho cả chủ đầu tư và người mua thông qua bố trí nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội; ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng được nhà nước chỉ định cho vay ưu đãi với lãi suất thấp để thực hiện chính sách về nhà ở xã hội. Đơn giản hóa các điều kiện vay, thủ tục tiếp cận vốn vay ưu đãi mua nhà ở xã hội cho người dân thuận lợi hơn, tránh gây phiền hà, khó khăn cho người vay bởi các quy định pháp luật chồng chéo, quy trình và thủ tục rườm rà, phức tạp.

Ngoài ra, theo ông Bình, chính sách nhà ở xã hội cũng cần sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng được thụ hưởng (thuê, thuê mua, mua) với tiêu chí đơn giản, dễ nhận biết hơn. Tính toán kỹ chính sách nhà ở xã hội cho các đối tượng khác nhau như người có thu nhập thấp ở đô thị và nông thôn, tái định cư, lực lượng vũ trang, người lao động, sinh viên... với các tiêu chí phù hợp, cụ thể, bình đẳng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tín dụng nhà ở xã hội cần phù hợp với thu nhập thấp của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO