Doanh nghiệp khởi nghiệp tìm vốn
“Impact Chapter: Vietnam - Thúc đẩy kinh doanh tạo tác động” là một chương trình đầu tư tạo tác động dựa trên tài chính hỗn hợp triển khai từ tháng 4/2022 đến tháng 3/2023, do Merry Year Social Company (MYSC) và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) triển khai với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Trong chương trình thi khởi nghiệp này, có hồ sơ đăng ký của một thí sinh đã hơn 60 tuổi, đó là nữ nghệ nhân Trần Thị Việt. Lần đầu tiên đứng trước một hội đồng thi, nữ nghệ nhân cao tuổi từ tốn trình bày về mô hình làng nghề truyền thống của Công ty Việt Trang.
Bà đã vay được vốn 10 tỷ đồng từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi nhưng vẫn chưa đủ. Từ cuối năm ngoái đến nay, Việt Trung không có đơn hàng, kéo theo việc thiếu thốn việc làm cho 50 nữ công nhân đan lát và những người dân cắt cói, chế biến sợi trong làng nghề. Nay bà lại cần thêm vốn vay để tìm lại thị trường và tạo việc làm cho người dân trong làng nghề. Không có vốn, nghệ nhân Trần Thị Việt đành khởi nghiệp lần nữa với cùng một công ty. Bà khởi đầu với việc đi gọi vốn.
Các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp dựa vào thương mại điện tử cũng không khá hơn. Do nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tăng khiến nhu cầu tiêu dùng giảm tại nhiều quốc gia trên thế giới, làm cho kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong hai tháng đầu năm giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước, theo Tổng cục Thống kê.
Sản lượng xuất khẩu qua thương mại điện tử cũng teo tóp. Đơn hàng xuất đi nước ngoài của công ty khởi nghiệp Green Joy chuyên sản xuất ống hút bằng cỏ và đồ dùng có thể phân hủy sinh học vơi dần khi người dân các nước giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu.
Green Joy từng cung cấp sản phẩm cho hơn 100 chuỗi nhà hàng, khách sạn ở Việt Nam. DN này cũng tiếp cận được 30 thị trường nước ngoài, có cả khách hàng Mỹ, Canada và các nước EU. Từ đầu năm đến nay, đơn hàng sụt giảm mạnh trên cả thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Chị Võ Quốc Thảo Nguyên - người sáng lập Green Joy cho hay, năm ngoái doanh thu của công ty đạt 800.000 USD, nhưng hiện nay không có đơn hàng mới.
Gặp Thảo Nguyên ở Triển lãm Kinh tế xanh do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức, chị cho biết: “Dù Green Joy đã xuất hàng vào châu Âu từ lâu, nhưng nay thị trường lại hạn chế nhập hàng không thiết yếu. Tôi được hỗ trợ tham gia triển lãm để tìm khách hàng mới, mong bớt được phần chi phí quảng bá”. Chị tìm đến các triển lãm, hội chợ để tìm đầu mối nhập hàng cho DN và nhân tiện tìm cơ hội gặp gỡ nhà đầu tư ngoại đang muốn gặp startup trên thị trường.
Tìm vốn không phải là cách cuối cùng
Nguy cơ kinh tế thế giới suy thoái dẫn đến việc nhiều nước siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Quỹ đầu tư mạo hiểm theo dòng chảy kinh tế, rất khó rút “bầu sữa” để đầu tư vào một startup không biết sống còn bao lâu. Dù đại dịch Covid-19 đã được đẩy lui, “mùa Đông” của startup vẫn kéo dài. Dòng vốn ở giai đoạn Seed và Series A giảm không đáng kể, trong khi các vòng từ Series B trở đi có thể sẽ chững lại.
Nhà đầu tư mạo hiểm nước ngoài cũng không còn xu hướng đổ tiền vào đầu tư ở Việt Nam như trước kia, bà Quỳnh Võ - Giám đốc Vườn ươm ZoneStartup nhận định. Tuy các quỹ khởi nghiệp vẫn không ngừng tìm kiếm cơ hội, nhưng rất nhiều startup vẫn “lạnh cóng” vì bị siết chặt các tiêu chí đánh giá để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư đã kỹ tính hơn, tìm kiếm được cơ hội thật chắc chắn mới đầu tư và còn kèm theo điều kiện là đầu tư theo mô hình nợ mạo hiểm (venture debt).
Một trong các startup đi đầu trong việc vay nợ vốn là Loship. DN này đã phải chuyển vòng gọi vốn Series C đã đàm phán thành khoản nợ mạo hiểm với các quỹ đầu tư nước ngoài. Theo bà Quỳnh Võ, việc tìm kiếm vốn theo mô hình mới buộc startup phải có trách nhiệm hơn với dòng vốn vay mượn.
Thay vì chọn cách kéo giá trị của mình xuống, tự định giá thấp để nhận được vốn đầu tư khi vốn vào khởi nghiệp đang yếu thì startup có thể chọn cách mượn vốn từ các quỹ. Họ có thể đổi khoản nợ mạo hiểm thành góp vốn cổ đông sau đó thay vì trả nợ.
Tuy nhiên, trang web chuyên về đầu tư Investopia cảnh báo, nợ mạo hiểm không phù hợp với mọi DN vì lãi suất cao và startup phải cân nhắc kỹ lưỡng tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trước khi đưa ra cam kết nợ với nhà đầu tư.
Một trong những khó khăn khi gọi vốn trong thời điểm vốn đầu tư từ các quỹ khởi nghiệp đang siết chặt là do rất nhiều startup Việt phụ thuộc vào nguồn vốn mạo hiểm để tăng trưởng nhanh, Bob Koppes - Giám đốc Sản phẩm và Chiến lược của PropertyGuru nhận định. Họ phải tìm hướng đi mới và thay đổi mình vì nhiều startup Việt chỉ tập trung tạo ra giải pháp cho thị trường trong nước. Họ cần phải tạo ra được giải pháp cho thị trường quốc tế để có cơ hội rộng mở. Khi cạn nguồn tiền đầu tư, họ cũng tự tạo được lợi nhuận để tồn tại.
Ông Bob Koppes dự báo sẽ có nhiều startup phải tái cấu trúc trong thời gian tới để thích ứng với tình hình kinh tế khó khăn và thiếu vốn như hiện nay. Nợ mạo hiểm không phù hợp với mọi DN vì lãi suất cao và startup phải cân nhắc kỹ lưỡng tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu trước khi đưa ra cam kết nợ với nhà đầu tư.