Bất động sản

Thương mại điện tử phát triển khiến nhu cầu bất động sản logistics Việt Nam tăng mạnh

Thanh An 03/10/2023 18:50

Ngành công nghiệp logistics đã phát triển mạnh nhờ sự tăng trưởng của thương mại điện tử. Đây là một trong những yếu tố khiến nhu cầu bất động sản logistics Việt Nam tăng mạnh.

Theo báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 do Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) vừa công bố, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Bộ Công Thương cũng ước tính doanh thu thương mại điện tử Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt 20,5 tỷ USD, chiếm khoảng 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Những công bố trên cho thấy bước phát triển mạnh mẽ của ngành logistics tại Việt Nam. Đây là cơ hội cho Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất nổi bật của thế giới nhờ sự tăng trưởng của thương mại điện tử.

Theo khảo sát của Công ty Savills Việt Nam, ngành logistics Việt Nam đang có mức tăng trưởng đáng kể do sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là ở lĩnh vực sản xuất và thương mại điện tử. Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, ngành công nghiệp logistics đã phát triển mạnh nhờ sự tăng trưởng của thương mại điện tử. Đây là một trong những yếu tố khiến nhu cầu bất động sản logistics Việt Nam tăng mạnh.

lg.png
Ngành logistics Việt Nam hứa hẹn là một thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài

Lý giải cho sự tăng mạnh về nhu cầu bất động sản logistics ở Việt Nam là do nhu cầu mặt bằng logistics trên thế giới ghi nhận xu hướng giảm, một phần bởi sự sụt giảm trong các đơn hàng và lượng giao dịch toàn cầu. Người tiêu dùng toàn cầu đang thắt chặt chi tiêu hơn và nhu cầu chủ yếu hướng tới các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu. Điều này đồng thời kéo theo lượng hàng hóa sản xuất và trung chuyển không cao, vô hình trung tạo ra sự gia tăng về tỷ lệ mặt bằng trống tại các kho bãi, đặc biệt tại các thị trường có lợi thế về cảng như Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, đã có những ghi nhận về nhu cầu chậm lại của logistics sau sự bùng nổ vài năm trở lại đây ở hầu hết thị trường thế giới. Sự khác biệt về bối cảnh nguồn cầu được xem là yếu tố quan trọng để quyết định triển vọng tăng trưởng giá thuê trong thời gian tới.

Theo ghi nhận, trong nửa đầu năm 2023, tình hình đầu tư logistics toàn cầu cho nhiều chuyển biến mới về nguồn cung logistics. Tổng đầu tư logistics toàn cầu trong quý II/2023 ghi nhận đạt mức 41,6 tỷ USD, giảm khoảng 41% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng vẫn hơn mức ghi nhận tại quý II/2019 là 10%. Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng phát triển dài hạn của logistics thế giới. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư vẫn giữ kỳ vọng lạc quan hơn đối với thị trường logistics tại châu Á - Thái Bình Dương.

Việc này xuất phát từ khi tổng vốn đầu tư vào phân khúc logistics quý II/2023 tại toàn thị trường châu Âu giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái, thì tại châu Á - Thái Bình Dương, tổng vốn đầu tư chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ khoảng 14%. Do đó, các nhà đầu tư vẫn giữ sự quan tâm mạnh mẽ đối với châu Á, những thị trường sở hữu yếu tố nền tảng hỗ trợ sự phát triển dài hạn và tận dụng nhu cầu ngày càng tăng đối với bất động sản logistics và bất động sản kho bãi.

Các quốc gia như Nhật Bản và Ấn Độ đang trở thành thị trường tiềm năng về logistics cho các nhà đầu tư nước ngoài, khiến họ tìm kiếm thêm những cơ hội mở rộng mạng lưới phân phối tại các thành phố lớn ở các quốc gia này. Bên cạnh đó, mặt bằng cho thuê logistics cần đạt được các yêu cầu về tối ưu năng lượng cũng như đảm bảo cam kết về ESG của các doanh nghiệp. Đây được xem là những yếu tố cơ bản khiến dự án thu hút và mang lại lợi thế cạnh tranh trong các quyết định thuê tương lai.

Ở Việt Nam, thị trường logistics hiện nay vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng. Nguồn cung chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu, đòi hỏi các chủ đầu tư cần linh hoạt đưa ra những mô hình mới và tối ưu diện tích kho bãi sẵn có.

Theo đó, thông qua môi trường đầu tư ngày một được cải thiện và các hiệp định thương mại lớn được ký, Việt Nam đang trở thành một trong những trung tâm sản xuất nổi bật của thế giới. Điều này đã tạo thêm sức hút của thị trường công nghiệp Việt Nam đối với danh mục đầu tư của các doanh nghiệp quốc tế lớn và uy tín. Đầu tư về hệ thống hạ tầng và kho vận sẽ đồng thời củng cố chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp sản xuất.

kho-hang.jpg
Việt Nam đang thiếu diện tích kho lớn để lưu trữ nhiều loại hàng hóa

Thực tế ở Việt Nam hiện nay cho thấy, ngành thương mại điện tử cần diện tích thuê kho lớn để lưu trữ nhiều mặt hàng cũng như lắp đặt hệ thống hỗ trợ hoạt động lấy hàng, đóng gói. Thêm vào đó, các nhà sản xuất quốc tế với những mặt hàng giá trị gia tăng cao đều kỳ vọng có cả mặt bằng kho bãi để lưu trữ hàng hóa sau sản xuất.

Hiện tại thì nguồn cung đối với mặt bằng nhà kho tại thị trường Việt Nam, đặc biệt tại phía Bắc vẫn chưa nhiều. Do vậy, các nhà đầu tư có thể cân nhắc tới các nhà kho cao tầng hoặc kho cảng thông minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thương mại điện tử phát triển khiến nhu cầu bất động sản logistics Việt Nam tăng mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO