Chính sách

Long An sẽ hình thành 10 trung tâm logistics đến năm 2030

Thanh An 28/09/2023 19:35

Long An đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM, vùng Đông Nam bộ và thị trường Campuchia; đầu mối xuất khẩu nông sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo UBND tỉnh Long An, địa phương sẽ tập trung phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng. Cụ thể, tỉnh Long An sẽ tập trung phát triển hạ tầng logistics, nhất là hạ tầng giao thông vận tải, kho bãi và ứng dụng công nghệ mới trong logistics.

0628_img-8947.jpg
Long An định hướng logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn

Từ nay đến năm 2030, Long An sẽ hình thành 10 trung tâm logistics tại các huyện Cần Giuộc, Bến Lức, Châu Thành, Cần Đước, Đức Huệ, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường, nhằm góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế giữa Long An với các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, tỉnh Long An còn tập trung phát triển mạng lưới giao thông vận tải; trong đó hình thành nút giao đấu nối hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cấp quốc gia với hệ thống kết cấu hạ tầng cấp tỉnh, nhằm tăng cường tính kết nối giao thông liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; bố trí thêm lối ra vào với cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại các huyện Bến Lức, Thủ Thừa.

Đồng thời, tỉnh Long An cũng tập trung cải tạo, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới 29 tuyến đường tỉnh; ưu tiên nâng cấp, xây dựng các tuyến đường tỉnh 827E, trục động lực Đức Hòa, đường song hành Quốc lộ 62, trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hòa - Bình Chánh, đường Tân Tập - Long Hậu.

Theo kế hoạch, tỉnh Long An cũng sẽ tập trung nâng cấp, cải tạo 5 tuyến vận tải đường thủy gồm tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Mộc Hóa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Đức Hòa; tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Mộc Hóa và tuyến Phước Đông - Tân Kim.

Bên cạnh các tuyến đường giao thông, tỉnh Long An cũng sẽ cho xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo 18 cảng hàng hóa, có quy mô đáp ứng cho tàu hàng bách hóa, hàng rời có trọng tải 1.000-2.000 tấn; 17 cảng chuyên dùng bao gồm cảng xăng dầu, cảng phục vụ hoạt động một số nhà máy, khu công nghiệp với quy mô xây dựng đáp ứng tàu trọng tải 200-5.000 tấn và 14 cảng bến khách đồng bộ theo các tuyến vận tải khách và phù hợp với quy hoạch đô thị của tỉnh.

Đặc biệt nhất là cảng quốc tế Long An có diện tích quy hoạch 147ha tại huyện Cần Giuộc, sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi chất lượng cao để bổ trợ cho hoạt động giao thương đến và đi từ cảng quốc tế Long An. Bên cạnh đó, tỉnh Long An cũng sẽ quy hoạch hai cảng cạn là cảng cạn Bến Lức (huyện Bến Lức) và cảng cạn Tân Lập (huyện Thủ Thừa); mỗi cảng có diện tích 10-15ha, năng lực thông qua 150.000 TEU/năm.

laip-overview.jpg
Cảng quốc tế Long An sẽ là sự kết hợp hài hòa của một khu liên hợp dịch vụ cảng biển cùng các công trình phụ trợ, tiện ích

Việc tập trung đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thương và các cơ sở hạ tầng vận tải nằm trong quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Long An đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, mang tính chiến lược để phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Long An sẽ hình thành 10 trung tâm logistics đến năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO