Hoạt động

Thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh sẽ tiếp tục tăng trưởng dịp Tết 2024

Minh Hào 04/10/2023 - 17:17

Đó là thông tin do Kantar Việt Nam - đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường chia sẻ tại hội thảo “Những biến động thị trường và cơ hội kinh doanh mùa cuối năm” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức tại TP.HCM ngày 4/10/2023.

Hàng FMCG tiếp tục tăng trưởng

Theo bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam, kinh tế vĩ mô đã có dấu hiệu phục hồi trong quý III/2023, tuy nhiên chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng tăng trở lại và đây có thể là rào cản đối với tăng trưởng.

bien-dong.jpg
Hội thảo “Những biến động thị trường và cơ hội kinh doanh mùa cuối năm”

Điều đó càng đáng quan tâm hơn khi tiêu dùng vốn là một động lực tăng trưởng của Việt Nam. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng thường sẽ xem xét lại mức độ quan trọng của hàng hóa và dịch vụ đối với gia đình, có xu hướng ưu tiên những sản phẩm mang lại giá trị trong cuộc sống hằng ngày hơn.

Chính vì vậy, việc giữ được mối liên kết về giá trị sản phẩm là vô cùng quan trọng để thu hút người mua trong dịp Tết 2024. Những sản phẩm có tính ứng dụng cao như thực phẩm, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Cùng với đó, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng tính tiện lợi và sẽ ưu tiên những kênh mua sắm mang lại nhiều giá trị hơn, thay vì chỉ trung thành với một lựa chọn nhất định.

Cũng theo nghiên cứu của Kantar Việt Nam, những trải nghiệm mua sắm mới nhờ sự phát triển của công nghệ như thương mại điện tử hoặc siêu thị tiện lợi sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, trong dịp Tết sắp tới, người tiêu dùng có thể sẽ không cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu và quà tặng, nhưng sẽ có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm ở phân khúc thấp hơn hoặc nhiều khuyến mại hơn.

Do thị hiếu tiêu dùng thay đổi nên các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất phải nắm rõ sự thay đổi của thị hiếu, thói quen và khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, để có thể vừa đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, vừa kết hợp với nhau làm mới sản phẩm theo xu hướng “xanh” từ bao bì đến thành phẩm….

“Thực tế buộc doanh nghiệp phải đưa ra những kế hoạch cân đối danh mục sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm người tiêu dùng khác nhau. Trong thời điểm phân hóa ngày càng nhiều, cần phải có chương trình kích cầu trong ngắn hạn để giữ chân người dùng. Và về lâu dài, đây vẫn là câu chuyện liên quan đến xây dựng thương hiệu doanh nghiệp để duy trì lòng tin của người tiêu dùng”, bà Phương Nga tư vấn.

bien-dong-thi-truong.jpg
Các doanh nghiệp chia sẻ tại hội thảo

Người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu

Theo các chuyên gia, trước đây sức khỏe và an toàn thực phẩm là hai vấn đề được người tiêu dùng quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây vấn đề thu nhập, việc làm và đặc biệt là chi phí gia tăng khiến người tiêu dùng lo lắng hơn. Dù tăng trưởng kinh tế có phục hồi nhẹ nhưng người tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng về việc làm.

Cũng theo khảo sát của Kantar Việt Nam, có đến 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính. Gần 1/2 số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm đi ăn uống ở bên ngoài và giảm sử dụng dịch vụ giải trí.

Hiện tỷ lệ hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính thậm chí còn cao hơn so với trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch Covid-19 (chỉ trên dưới 21%), cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19 (19%). Thậm chí, khó khăn ảnh hưởng đến tất cả nhóm thu nhập, kể cả nhóm hộ gia đình có thu nhập cao.

Không chỉ vậy, có đến 26% hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập cao và thu nhập trung bình cao lo lắng về tình hình thu nhập tài chính của gia đình.

Từ đó, người tiêu dùng thay đổi thứ tự các yếu tố quan tâm khi mua sắm, lựa chọn sản phẩm theo tiêu chí ưu tiên sức khỏe, tăng trải nghiệm tại nhà, cá nhân hóa nhu cầu, đồng thời tối ưu hóa chi tiêu bằng lựa chọn sản phẩm giảm giá, so sánh giá giữa các kênh phân phối…

"Có tới 66% hộ gia đình cho biết đã cắt giảm chi tiêu cho giải trí bên ngoài, 57% hộ gia đình cắt giảm chi phí ăn tiệm, khoảng 23% cắt giảm cho thiết bị gia dụng…", bà Nga thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh sẽ tiếp tục tăng trưởng dịp Tết 2024
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO