Thực đơn giải trí hè 2018: Cần lựa chọn gameshow phù hợp cho khán giả nhí

ĐINH NGUYỄN| 22/06/2018 06:24

Sự ra đời của nhiều gameshow trên màn ảnh nhỏ đã đáp ứng phần nào nhu cầu giải trí của trẻ em, nhất là khi hè về.

Thực đơn giải trí hè 2018: Cần lựa chọn gameshow phù hợp cho khán giả nhí

Cảnh trong gameshow Bố ơi, mình đi đâu thế?

Mấy năm nay, trước tình trạng thiếu "sân chơi" cho trẻ em, nhiều nhà sản xuất đã đầu tư các chương trình dạng trò chơi trên truyền hình (gameshow) vừa để giải trí, vừa dạy trẻ các kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Vì đây là dạng "sân chơi tại nhà" khá thuận tiện nên rất được các bậc phụ huynh và các em ủng hộ.

Chỉ cần bấm điều khiển từ xa là dễ dàng xem được một loạt gameshow cho trẻ em ở mọi lứa tuổi phát sóng trên các kênh khác nhau của nhiều đài truyền hình lớn.

Có thể kể đến những gameshow được thực hiện dưới hình thức thi tài năng ca hát, nhảy múa, diễn xuất, tấu hài, xiếc, ảo thuật, nấu ăn, chơi đàn... như Gương mặt thân quen nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí, Đồ rê mí, Giọng hát Việt nhí, Người hùng tí hon, Thần tượng âm nhạc nhí, Thử tài siêu nhí, Vua đầu bếp nhí, Ai sẽ thành sao nhí, Tiếu lâm tứ trụ nhí, Sao nối ngôi nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí, Mặt trời bé con, Wonderkids - Thần đồng âm nhạc...

Đã có nhiều em bước ra từ các cuộc thi trên truyền hình trở thành ngôi sao nhí được khán giả yêu thích và có điều kiện phát triển năng khiếu nghệ thuật. Còn về phía khán giả nhí, khi xem gameshow cũng nhận được những thông điệp về nghệ thuật, về tài năng của tuổi nhỏ.

Những gameshow khác như Nào ta cùng vui, Thế giới cổ tích, Con đã lớn khôn, Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, Ước mơ của em, Vui cùng hoa lúa, Xúc xắc xúc xẻ, Ô cửa trái tim, Nhanh nào bé yêu, Hành trình xanh, Cố lên con nhé, Chung sức Kids, Bố ơi, mình đi đâu thế?, Cha con hợp sức - Gia đình siêu nhộn, Nhóc nhà mình, Cháu ơi cháu à, Cuốn sách của em, Sáng tạo 102, Trong vườn nhà - Hương hoa cho bé và mẹ, Trò chuyện - chuyện trò, Cặp nhiệt độ - Tổng đài tư vấn sức khỏe trẻ em, Mỗi ngày một điều hay... cũng là sân chơi để các em thể hiện ước mơ, sự khéo léo, rèn luyện sự tự tin, năng khiếu tiềm ẩn, sự sáng tạo.

Cảnh trong game show Giọng hát Việt nhí

Cảnh trong gameshow Giọng hát Việt nhí

Đặc biệt, những gameshow này đã góp phần giáo dục kỹ năng sống cho khán giả nhí. Khi xem chúng, trẻ em sẽ học được nhiều điều hữu ích về tinh thần trách nhiệm, tự lập và vững vàng, rèn luyện thể chất, làm phong phú vốn sống, thu nạp kiến thức, nuôi dưỡng ước mơ, kết nối tình cảm gia đình... Tuy không được truyền thông rầm rộ, nhưng chúng vẫn thu hút được đông đảo khán giả lẫn thí sinh nhí và phụ huynh bằng chính ý nghĩa, lợi ích mang lại khi tạo ra sân chơi thú vị cho trẻ em.

Thông tư số 09/2017/TT-BTT&TT quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm và thời lượng dành cho trẻ em, đồng thời cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Trong đó, các nội dung rất được quan tâm là hướng dẫn trẻ em kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ và kỹ năng an toàn; giáo dục giới tính, sức khỏe, dinh dưỡng; tìm hiểu, học tập, trao đổi kiến thức, vui chơi, giải trí dành cho trẻ em...

Về thời lượng và khung giờ phát sóng, đặc biệt với các chương trình khoa giáo, phổ biến kiến thức, cần ưu tiên khung giờ từ 6 - 7h30, 12 - 13h30 hoặc 17h30 - 19h; các chương trình giải trí, ca nhạc, văn nghệ, kể chuyện, phim hoạt hình, trò chơi... ưu tiên khung giờ từ 18 - 21h.

Tuân thủ những quy định này, có thể thấy các chương trình gameshow giải trí và giáo dục dành cho trẻ em hiện nay khá đồng đều về số lượng và chất lượng, không còn tình trạng mất cân bằng như thời gian trước.

Cảnh trong game show Mặt trời bé con

Cảnh trong game show Mặt trời bé con

Bà Vũ Thị Bích Liên - Giám đốc Tổ hợp Truyền thông và Giải trí Mega GS nhận định: "Trẻ em mong muốn các nội dung giải trí vui vẻ, hấp dẫn, trong khi phụ huynh muốn con em mình xem nội dung an toàn, bổ ích. Hiện nay, các chương trình dành cho đối tượng gia đình, đặc biệt là trẻ em, đang được yêu thích nhiều hơn. Tuy nhiên, để có trong tay bản quyền hay, hấp dẫn và lành mạnh là thách thức lớn".

Bên cạnh những lợi ích thiết thực, gameshow cho trẻ em thời gian qua vẫn bộc lộ một số hạn chế. Chẳng hạn, do có sự bắt buộc về định dạng, các thí sinh mới chỉ 6 - 8 tuổi đã phải trang điểm, ăn mặc và nhảy múa, ca hát như người lớn trong một số gameshow phiên bản nhí như Gương mặt thân quen nhí, Giọng hát Việt nhí, Thần tượng âm nhạc nhí, Tuyệt đỉnh song ca nhí..., có thể khiến các em (gồm cả thí sinh lẫn khán giả) có suy nghĩ lệch lạc về thị hiếu đám đông và cảm thụ nghệ thuật.

Hay một số gameshow đã lạm dụng sự trong sáng và nước mắt của trẻ em cho mục đích gây sự chú ý với khán giả, khiến dư luận xã hội bất bình, lên tiếng phê phán.

Việc phát triển ồ ạt gameshow thi tài năng na ná nhau cũng gây nên sự nhàm chán và vắt kiệt, vét cạn dần những gương mặt nhí có tài năng thiên bẩm. Bởi vậy, làm thế nào để có sự cân bằng giữa học và chơi ở các sân chơi dành cho trẻ em trên truyền hình luôn là vấn đề quan tâm của nhiều bậc phụ huynh và đông đảo khán giả.

Nói chung, khi trẻ em được nghỉ hè dài ngày mà cha mẹ vẫn quá bận rộn với công việc, nỗi lo của rất nhiều gia đình là làm sao để con trẻ được hưởng thụ những ngày nghỉ thú vị và có ích.

Tivi vẫn đang là một trong những phương tiện giải trí vừa an toàn, vừa tiện lợi tại nhà cho trẻ. Vì thế, giữa một rừng gameshow dành cho trẻ em, phụ huynh nên định hướng cho con trong việc lựa chọn và thưởng thức gameshow phù hợp để cân bằng được giữa giải trí, nghỉ ngơi và học hỏi kiến thức, kỹ năng sống. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thực đơn giải trí hè 2018: Cần lựa chọn gameshow phù hợp cho khán giả nhí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO