Thủ tướng Phạm Minh Chính: Mở rộng chính sách nhà ở xã hội cho gia đình đông con
Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 5 diễn ra ngày 22/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì và chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng liên quan đến định hướng chính sách phát triển dân số, phân cấp quản lý và cải cách pháp luật.
Đối với đề nghị xây dựng Luật Dân số, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết chuyển đổi tư duy từ "kế hoạch hóa dân số" sang "phát triển dân số bền vững", đồng thời chủ động thích ứng với thực trạng già hóa dân số.
Trong định hướng này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, mở rộng chính sách nhà ở xã hội, đặc biệt ưu tiên các gia đình đông con và nhóm đối tượng yếu thế đang nuôi con nhỏ, nhằm đảm bảo an sinh xã hội và công bằng phát triển.

Tại cuộc họp, Chính phủ cũng tập trung cho ý kiến nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình xây dựng nghị định liên quan đến phân cấp, phân quyền, và xác định rõ thẩm quyền gắn với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Phân tích nhiều trường hợp thực tiễn, Thủ tướng nêu rõ, việc chậm trễ trong phân cấp, phân quyền là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “ôm đồm” công việc tại cấp trên, gây quá tải và hạn chế hiệu quả quản lý. Ông dẫn chứng trường hợp Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về cho Hà Nội quản lý như một mô hình điển hình cho sự cần thiết của việc giao quyền cho địa phương, qua đó kiến tạo điều kiện để hình thành thêm nhiều khu công nghệ cao trên toàn quốc.
Thủ tướng khẳng định: "Phân cấp, phân quyền cần được thực hiện quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, đi đôi với việc phân bổ hợp lý nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và xây dựng công cụ kiểm tra, giám sát hiệu quả. Từ đó, tiến tới cơ chế hậu kiểm thay vì tiền kiểm".
Về dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi), Thủ tướng yêu cầu chuyển đổi cách tiếp cận từ thụ động xử lý sang chủ động phòng ngừa và ngăn chặn. Đặc biệt, Thủ tướng đề xuất bổ sung quy định xác định rõ các hành vi gây lãng phí, bao gồm cả việc lãng phí thời gian và bỏ lỡ các cơ hội phát triển.
Đối với Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), Thủ tướng nêu rõ, đây là lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân, vì vậy, Bộ Y tế cần giữ vai trò chủ trì, trong khi các bộ, ngành liên quan phải phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả quản lý, đồng thời không cản trở nhu cầu phát triển.