Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Không thể chờ đợi cả rừng thủ tục để rồi đánh mất cơ hội”
Sáng ngày 23/5, trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và công tác tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những vướng mắc trong cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính, gây cản trở nghiêm trọng đến tiến trình phát triển và tận dụng cơ hội.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt nhiều thách thức, các định chế tài chính quốc tế và nhiều nền kinh tế lớn đều dự báo mức tăng trưởng năm nay sẽ sụt giảm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng 8% - cao hơn kế hoạch ban đầu 6,5 - 7%, nhằm hướng đến các cột mốc phát triển dài hạn và mục tiêu trăm năm.
Đặt ra câu hỏi: “Làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng khi đang đi ngược lại xu thế thế giới?”, Thủ tướng nhấn mạnh cần quyết liệt tháo gỡ ba điểm nghẽn chiến lược: thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Năm 2025, Chính phủ đặt trọng tâm vào cải cách thể chế nhằm biến những quy định pháp lý vốn là rào cản trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia. Cùng với đó, chiến lược phát triển hạ tầng đồng bộ cả năm phương thức vận tải được thúc đẩy nhằm giảm chi phí logistics từ mức 10 - 11% GDP xuống thấp hơn.
Trong lĩnh vực nhân lực, Thủ tướng yêu cầu nâng cao năng suất lao động thông qua đào tạo kỹ năng nghề và trình độ chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và hội nhập sâu rộng.

Chính phủ sẽ đẩy mạnh thực thi 4 nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế, xây dựng pháp luật và phát triển kinh tế tư nhân, được xem là “bộ tứ chiến lược” thúc đẩy sự chuyển mình của nền kinh tế.
Đồng thời, các động lực tăng trưởng sẽ được tái cấu trúc, gồm: làm mới các động lực truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.
Một trong những chuyển biến quan trọng là chuyển đổi mô hình chính quyền hai cấp theo hướng chủ động, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Việc giảm thủ tục, giảm trung gian và mở rộng không gian phát triển sẽ là nguyên tắc cốt lõi.
“Chính quyền không chỉ cấp phép, mà phải chủ động hậu kiểm, giám sát, đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn công khai minh bạch, nơi pháp luật không cấm, người dân và doanh nghiệp được quyền làm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng khẳng định, phân cấp phải đi kèm với phân bổ nguồn lực thực chất, nâng cao năng lực thực thi và kiểm tra giám sát. “Nếu chỉ phân cấp mà không phân bổ nguồn lực thì chẳng làm được gì, còn phải xin cho, mất nhiều thời gian và cơ hội”.
Ông cảnh báo tình trạng “lãng phí cơ hội và thời gian” đang diễn ra phổ biến do quy trình thủ tục phức tạp. “Cơ hội đến và đi rất nhanh, không thể xử lý bằng lối tư duy chờ đợi thủ tục”, Thủ tướng nói rõ.
Trong công tác chống lãng phí, Thủ tướng nêu rõ cần mạnh dạn giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng kéo dài, dù có thể phải chấp nhận thiệt hại nhất định. Điển hình là các dự án điện gió, điện mặt trời phát triển ồ ạt, không đúng quy hoạch do chính sách bất cập, nay phải xử lý theo nghị quyết của Chính phủ.
Ông dẫn chứng hơn 2.200 dự án với tổng vốn khoảng 235 tỷ USD, tương đương 50% GDP đang vướng mắc, cần được tháo gỡ trên tinh thần không hợp thức hóa sai phạm, nhưng phải “mổ xẻ đau đớn” để tìm ra giải pháp thực tế, hiệu quả.
“Khi đứng trước lựa chọn giữa sự trì trệ và hành động quyết đoán, chúng ta cần chấp nhận tổn thất có kiểm soát để giải phóng nguồn lực phát triển. Học phí đôi khi là cần thiết, nếu nó mang lại bài học và tiền đề để tiến lên” Thủ tướng kết luận.