Xuất khẩu hàng hóa: Chú trọng tham vấn, thẩm định đối tác

Ngọc Quỳnh| 26/04/2022 06:00

Mới đây, hạt điều của Việt Nam xuất khẩu sang Ý có dấu hiệu bị lừa đảo, cho thấy xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung, xuất khẩu hàng hóa vào Ý nói riêng, nhất là đối với đối tác mới, mặt hàng mới, doanh nghiệp cần phải cẩn trọng thẩm định, tham vấn các bên liên quan để được hỗ trợ trước khi chính thức giao dịch". Đó là ý kiến của ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM).

Ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM

Ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc Điều hành Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam (ICHAM)

* Thương mại hai chiều Việt Nam - Ý tăng mạnh cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Theo ông, đâu là yếu tố thúc đẩy?

- Cuối năm 2020, khi Covid-19 mới bùng phát, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ý sụt giảm 13%, do Ý là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch khiến thương mại bị đình trệ. Tuy nhiên, sang năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Ý đã đạt con số kỷ lục, hơn 5,6 tỷ USD, tăng hơn 21% so với năm 2020. Yếu tố thúc đẩy chính đó là sự bổ sung cho nhau các chủng loại hàng hóa thiếu hụt giữa hai bên.

* Ông đánh giá thế nào về năng lực kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Ý?

- Ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam thiết lập quan hệ kinh doanh với doanh nghiệp Ý. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị tốt về tâm thế, kiến thức ngoại thương với doanh nghiệp Ý nên vẫn còn nhiều hạn chế. Với sự mở rộng cơ hội giao thương giữa hai nước theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), doanh nghiệp Việt Nam cần phải chủ động nâng cao năng lực kinh doanh quốc tế. 

dieu-xuat-khau-8873-1650876555.jpg

* Mới đây, một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hạt điều sang Ý đã có dấu hiệu bị đối tác nhập khẩu lừa đảo. Theo ông thì điều này có ảnh hưởng gì tới uy tín của thị trường Ý cũng như uy tín trong kinh doanh quốc tế của doanh nghiệp Ý?

- Sự việc đang được các cơ quan có chức năng điều tra để xác định đúng bản chất. Rủi ro này có thể xảy ra ở bất cứ thị trường nào, không riêng thị trường Ý. Căn cứ vào diễn biến vụ việc cho thấy, hiểu biết và kinh nghiệm trong kinh doanh quốc tế của doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều Việt Nam còn hạn chế. Tôi không đặt vấn đề sự việc này có ảnh hưởng đến uy tín của thị trường Ý, bởi thực tế Ý vẫn luôn là một quốc gia hàng đầu trên thế giới về giao thương quốc tế. Trong thương mại hai chiều, hiện Ý đang xuất siêu sang Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã, đang và sẽ giao dịch thành công với thị trường Ý.

* Kinh doanh quốc tế rủi ro là khó tránh khỏi, bao gồm rủi ro bị lừa đảo. Ông có khuyến nghị gì với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Ý?

- Tôi nghĩ, những khuyến nghị có thể áp dụng chung cho doanh nghiệp muốn giao thương quốc tế, không riêng với Ý, đó là cần tìm hiểu kỹ về thị trường xuất khẩu, cẩn trọng đánh giá, thẩm định đối tác và áp dụng những phương thức giao dịch đảm bảo an toàn cao. 

Doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang Ý, nhất là khi làm ăn với các đối tác mới, xuất khẩu chủng loại hàng hóa mới, nên tham vấn các cơ quan chuyên trách như Thương vụ Việt Nam tại Ý hay các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp độc lập như Phòng Thương mại Ý (ICHAM) để được hỗ trợ, tư vấn trong bước đầu thực hiện giao dịch.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu hàng hóa: Chú trọng tham vấn, thẩm định đối tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO