Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thực hiện "mục tiêu kép" là khả thi với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả và sự chủ động, sáng tạo của các địa phương trong buổi họp trực tuyến chiều 26/6 với lãnh đạo TP.HCM và các địa phương lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang.
Buổi họp còn nhằm động viên, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh, bàn và đưa ra các giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Cuộc họp còn có sự tham gia của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên, lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo TP tại điểm cầu TP.HCM, và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại điểm cầu TP Hà Nội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi họp trực tuyến chiều 26/6 với lãnh đạo TP.HCM và các địa phương lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang |
Tại điểm cầu 7 tỉnh và TP có Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban ngành, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn.
Xu hướng lây nhiễm cộng đồng đang giảm
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về cơ bản tình hình dịch trên cả nước đang được kiểm soát nhờ kinh nghiệm khi có dịch phải khoanh nhanh, khoanh gọn qua tất cả các đợt chống dịch vừa rồi. Tuy nhiên, các địa phương cũng phải rất lưu ý nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.
Khi đề cập về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Nếu chỉ nghe báo cáo về số lượng ca nhiễm lớn thì có thể thấy tình hình thành phố nóng lên nhưng phân tích trên dữ liệu cho thấy, ngoài số ca lây nhiễm trong khu vực cách ly thì xu hướng lây nhiễm bên ngoài cộng đồng bắt đầu giảm. Như vậy, Chỉ thị 10 của TP đã đúng hướng”.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh điều quan trọng hàng đầu của TP.HCM hiện nay là phải có sự kết nối dữ liệu thông suốt, thống nhất, đầy đủ từ truy vết, đến xét nghiệm, thông tin các ca F0, F1, F2… để đánh giá chính xác, toàn diện đúng mức độ nguy cơ dịch bệnh ở từng quận, huyện, thậm chí đến từng phường. Nhờ đó, lực lượng phòng chống dịch xác định được những khu vực nguy cơ để tổ chức xét nghiệm đón đầu, tập trung làm sạch những địa bàn trọng điểm.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý bài học ở một số nước đã tiêm vaccine cho 50% dân số nhưng dịch vẫn có thể bùng phát, vì vậy, dù đã có vaccine phòng Covid-19, chúng ta vẫn phải coi như chưa có vaccine trong các biện pháp phòng chống dịch.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục quyết liệt triển khai đồng bộ các biện pháp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, công nhân, doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Phấn đấu đến cuối năm nay, 70% người dân thành phố được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Dự kiến GRDP của Thành phố sẽ tăng khoảng 5,2% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn nhiều so với cùng kỳ (1,02%). Thành phố xây dựng 4 kịch bản tăng trưởng cho cả năm, cao nhất là 6,05% và thấp nhất là 3,24%.
Cũg trong buổi họp, ãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước phát biểu khái quát về kết quả phòng chống dịch bệnh tại địa phương, nêu những khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân, đánh giá các nguy cơ. Dựa vào các thông tin và dữ liệu thu thập được, lãnh đạo các tỉnh cũng đã đề xuất một loạt các giải pháp cần tập trung thực hiện để chủ động ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Lãnh đạo các Bộ đã phát biểu giải đáp các đề xuất và kiến nghị của địa phương, đồng thời khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ các địa phương trong phòng chống dịch bệnh. Lãnh đạo các Bộ cũng đề nghị địa phương phối hợp để quản lý chặt chẽ biên giới, người cách ly; căn cứ thực tiễn địa phương và chỉ đạo của Trung ương xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Đồng thời, các địa phương cũng cần triển khai đồng bộ các biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong khu công nghiệp, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong phòng chống dịch bệnh, cung cấp dịch vụ công, sản xuất kinh doanh, thương mại điện tử, y tế, giáo dục, làm việc trực tuyến.
Lãnh đạo các địa phương cũng phải chấp hành nghiêm hướng dẫn của Trung ương về vận hành giao thông trong điều kiện dịch bệnh, tránh tình trạng “ngăn sông cấm chợ”, đứt gãy chuỗi sản xuất, tiêu thụ hàng hoá; điều phối hài hoà các nguồn lực, phân cấp mạnh trong phòng chống dịch bệnh theo đúng phương châm “bốn tại chỗ”; bảo đảm kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch.
Không chủ quan, nhưng có thể lạc quan
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, TP.HCM và 7 tỉnh chiếm 20% dân số, nhưng tạo ra 45% GDP và 40% thu ngân sách của cả nước, là trung tâm giao dịch quốc tế lớn nhất cả nước. Đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại TP và gây tác động tới các tỉnh xung quanh.
Ngoài nguyên nhân khách quan là chủng virus mới mạnh hơn, lây lan nhanh hơn và khó kiểm soát hơn, thì còn nguyên nhân chủ quan là tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch và khi dịch đã đi qua; có những sơ hở trong quản lý cách ly và sau cách ly, nhập cảnh và cư trú trái phép, dẫn tới mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam khiến Việt Nam có đa nguồn lây, đa ổ dịch, đa chuỗi lây nhiễm.
Trong bối cảnh tiếp tục phải phòng chống dịch bệnh, việc phát triển kinh tế gặp nhiều trở ngại, đời sống người lao động, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán hàng rong, vỉa hè đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số DN bị đình đốn trong sản xuất kinh doanh và cung ứng vật tư, hàng hóa. Các KCN, KCX, các chuỗi cung ứng dễ bị tác động, thậm chí đứt gãy nếu không có giải pháp hiệu quả.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, chính quyền các cấp đã bám sát tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. “Nhờ đó, chúng ta vẫn đang thực hiện được mục tiêu kép dù chưa ngăn chặn triệt để được dịch bệnh. Với hơn 10 triệu dân, hoạt động giao thương hết sức sôi động, TP.HCM không tránh khỏi lây lan dịch bệnh và khó kiểm soát hơn so với các tỉnh khác,” Thủ tướng cho biết.
“Cái khó của TP.HCM như vậy, nên việc kiểm soát được tình hình như hiện nay là nỗ lực rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết Việt Nam có được nhiều bài học thực tiễn và kinh nghiệm quý báu trong công tác vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong đợt bùng phát dịch lần này |
TP.HCM và 7 tỉnh đều đạt tăng trưởng GRDP trên 5% trong 6 tháng đầu năm 2021, cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này có được nhờ sự kế thừa từ các năm trước và nỗ lực của các địa phương, cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng. Thu ngân sách 6 tháng của TP.HCM và 7 tỉnh đạt cao hơn so với dự toán được giao.
Thêm vào đó, về đời sống nhân dân, không có ai bị thiếu ăn, thiếu mặc. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được kiểm soát tốt. Cả hệ thống chính trị vào cuộc rất tích cực và người dân tham gia hưởng ứng tích cực để thực hiện mục tiêu kép.
Các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai về cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, vẫn còn có nơi, có lúc, có bộ phận lơ là, chủ quan, mất cảnh giác hoặc lo sợ, mất bình tĩnh, hoảng hốt, đưa giải pháp chưa thực sự phù hợp tình hình, nên hiệu quả chống dịch và sản xuất kinh doanh đều thấp, tác động tiêu cực tới việc thực hiện mục tiêu kép và đời sống nhân dân.
“Rất đáng mừng là các địa phương, đơn vị đã có kịp thời nhận ra bất cập, điều chỉnh phù hợp,” Thủ tướng nêu rõ.
Dự báo thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, có yếu tố khó lường, chưa kiểm soát hết; sản xuất kinh doanh có thể gặp khó khăn hơn do tác động từ các biện pháp phòng chống dịch. Thủ tướng yêu cầu, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, TP.HCM và 7 tỉnh phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, dập tắt đợt dịch này càng nhanh, càng sớm, càng hiệu quả càng tốt. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế để đặt mục tiêu cho phù hợp. Nhanh chóng ổn định tình hình, khắc phục hậu quả và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu.
Nhiều bài học được rút ra Thủ tướng nêu rõ, bài học kinh nghiệm thứ nhất được rút ra từ đợt dịch hiện nay là phải nắm chắc tình hình thực tế để lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiệm vụ giải pháp khả thi, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Không máy móc, không hành chính đơn thuần trong phong tỏa, giãn cách xã hội và tổ chức sản xuất kinh doanh. Bài học thứ hai là các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy tính tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền, đối tượng, địa bàn quản lý, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định chung để thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, nhuần nhuyễn giữa các lực lượng tuyến đầu dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng. Thứ ba là bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động có vai trò rất quan trọng để người dân tích cực tham gia phòng chống dịch và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Bài học thứ tư là không để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”- phong tỏa chặt bên ngoài nhưng để lây nhiễm trong khu vực cách ly, phong tỏa. Nhiều địa phương của TP.HCM như TP. Thủ Đức, Cần Giờ đã làm tốt… Thủ tướng lưu ý về bài học quý về khoanh vùng ổ dịch theo "3 lớp”: Kiểm soát nghiêm ngặt lớp lõi bên trong có ca F0 với khả năng lây nhiễm lớn; giãn cách, quản lý chặt chẽ ở lớp thứ 2; thực hiện phòng ngừa mức độ cao ở lớp ngoài cùng. Một bài học khác là kiểm soát chặt chẽ các cơ sở y tế, nhà thuốc, nơi cách ly và sau cách ly; kiểm soát, xử lý nghiêm nhập cảnh và cư trú trái phép theo đúng quy định. |