VEPR: Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong 2017

THANH HUYỀN| 11/04/2017 01:22

Tăng trưởng kinh tế quý II có thể chỉ ở mức 5,7% và cả năm khoảng 6,1% - thấp hơn so với mục tiêu 6,7% do Chính phủ đề ra.

VEPR: Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong 2017

Tăng trưởng kinh tế quý II có thể chỉ ở mức 5,7% và cả năm khoảng 6,1% - thấp hơn so với mục tiêu 6,7% do Chính phủ đề ra.

Đọc E-paper

Đó là nhận định của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) sau khi đưa ra bức tranh khá đầy đủ về kinh tế Việt Nam trong quý I - 2017 chỉ rõ mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. 

Sự phục hồi trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp ở mức 2% và tăng trưởng ổn định của khu vực dịch vụ 6,5% vẫn không đủ bù đắp tăng trưởng thấp bất thường của ngành công nghiệp, chỉ 4,2%. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp chế tạo cũng chỉ tăng trưởng ở mức 8,3%, thấp hơn cùng kỳ các năm trước.

Xét về cơ cấu, thông thường tăng trưởng công nghiệp ở mức thấp trong quý I là điều bình thường, do hiệu ứng Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, mức tăng trưởng thấp như quý I năm nay là điều đáng lo ngại, đặc biệt công nghiệp suy giảm ở hầu hết các ngành chính. Tăng trưởng chỉ số công nghiệp và chỉ số tiêu thụ thấp nhất trong 5 năm trở lại đây trong khi lượng hàng tồn kho tăng đáng kể.

Lý giải nguyên nhân tăng trưởng không đạt kỳ vọng, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho rằng, GDP của Việt Nam ngày càng phụ thuộc sâu hơn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Theo phân tích của VEPR, một nguyên nhân chính của việc suy giảm tăng trưởng được cho là bắt nguồn từ tính thời vụ trong sản xuất và xuất khẩu của Samsung.

Điều đó cho thấy một khuynh hướng ngày càng rõ nét về sự lệ thuộc của nền kinh tế vào một số ít tập đoàn đa quốc gia và ngành hàng chính. Trong khi đó, nền công nghiệp trong nước ngày càng kém cạnh tranh. Thương mại tăng trưởng cao nhưng chưa phục hồi thực sự về lượng, trong khi tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục giảm chỉ còn 28%.

Những thực tế trên cho thấy khu vực sản xuất trong nước trở nên yếu hơn trong quá trình hội nhập quốc tế đang mở rộng.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, quý I, lượng vốn FDI giải ngân đạt 3,62 tỷ USD, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức trung bình 10%/quý trong năm 2015. Nhưng VEPR cho rằng, luồng vốn FDI vào Việt Nam đã có dấu hiệu suy giảm từ tháng 11/2016, có thể do kỳ vọng TPP mất đi, đồng USD lên giá và dịch chuyển đầu tư sang các quốc gia khác.

Lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong quý I, ở mức 4,65% so với cùng kỳ năm ngoái, hứa hẹn môi trường kinh tế vĩ mô ổn định trong năm 2017. Tuy nhiên, chênh lệch giữa lạm phát toàn phần và lạm phát lõi vẫn ở mức cao, 1,6%, cho thấy vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng trở lại.

Theo TS. Thành, trong bối cảnh giá cả hàng hóa cơ bản thế giới tiếp tục phục hồi và giá cả các dịch vụ công vẫn cần phải điều chỉnh, các nhà điều hành cần duy trì điều hành thận trọng để đạt lạm phát mục tiêu 4%. Việc điều chỉnh giá các dịch vụ y tế, giáo dục cần thực hiện theo đúng lộ trình đã đặt ra để ổn định mặt bằng giá chung trên thị trường. Điều này dù gây khó khăn cho kiểm soát lạm phát trong ngắn hạn nhưng tạo tiền đề cho ổn định hơn trong dài hạn.

Được biết, không chỉ VEPR, Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADB) 2017 được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố hôm đầu tuần cũng cho thấy, tăng trưởng của Việt Nam được dự báo tiếp tục nhích lên mức 6,5% trong năm nay, song vẫn thấp hơn so với mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đề ra. ADB cho rằng đến năm 2018, Việt Nam mới đạt được mức tăng trưởng này.

>>ADB: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,5% trong 2017

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
VEPR: Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong 2017
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO