Trăm người bán, một người mua

HẢI VÂN| 25/05/2011 07:01

Giai đoạn đầu của thị trường điện cạnh tranh sẽ được thí điểm từ 1/7/2011 đến cuối năm 2011 và chính thức vận hành từ 2012. Tuy nhiên, một thị trường có trăm người bán, chỉ một người mua, liệu có tạo được cơ chế điều tiết minh bạch trong kinh doanh và chống độc quyền?

Trăm người bán, một người mua

Giai đoạn đầu của thị trường điện cạnh tranh sẽ được thí điểm từ 1/7/2011 đến cuối năm 2011 và chính thức vận hành từ 2012. Tuy nhiên, một thị trường có trăm người bán, chỉ một người mua, liệu có tạo được cơ chế điều tiết minh bạch trong kinh doanh và chống độc quyền?

Theo ông Trần Tuệ Quang, Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, các nhà máy điện công suất từ 30MW trở lên sẽ trực tiếp tham gia cạnh tranh phát điện (CTPĐ). Các nhà máy điện công suất dưới 30MW không được chào giá trực tiếp, mà bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo hợp đồng dài hạn.

Các nhà máy điện BOT sẽ gián tiếp tham gia thị trường, công ty mua bán điện sẽ chào giá thay. Một số nhà máy thủy điện đa năng như Hòa Bình, Trị An, Sơn La.... không tham gia chào giá, bởi ngoài nhiệm vụ phát điện, các nhà máy này còn có nhiệm vụ chống lũ, thủy lợi...

Việt Nam có nhu cầu tăng 15% điện năng mỗi năm. Việc thiết lập thị trường điện cạnh tranh sẽ góp phần ổn định tình hình cung, cầu ngành điện, giảm độc quyền và thu hút vốn đầu tư.

Viện sĩ Trần Đình Long, Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, triển khai CTPĐ không chỉ liên quan đến các đơn vị thuộc EVN mà còn đến các nguồn điện bên ngoài EVN, hiện chiếm hơn 30% tổng công suất điện cả nước. Các nhà máy phát điện cùng cạnh tranh để giảm giá thành sản xuất, không ai dám bảo đảm giá điện năm sau sẽ thấp hơn năm trước, nhưng người sử dụng sẽ được hưởng giá điện hợp lý.

Theo Cục điều tiết điện lực, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) sẽ quyết định sản lượng điện huy động, bảo đảm cân đối giữa việc cung cấp điện sản xuất và sinh hoạt, phù hợp với khả năng chịu tải của lưới điện. Các nhà máy điện chào giá thấp nhất sẽ được ưu tiên trong lịch huy động. Mọi giao dịch chào giá sẽ được thông tin công khai...

Muốn có một thị trường thực sự cạnh tranh, nguồn cung phải vượt cầu, công suất điện dự phòng phải từ 25 - 30%. Nhưng trên thực tế, nguồn điện hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, tiêu dùng.

Đặc biệt, vào mùa khô, EVN vẫn phải huy động tất cả các nguồn điện, mua điện với các loại giá khác nhau. Điều này có thể dẫn đến tình trạng các nhà máy điện cùng chào giá cao. Ngược lại, vào mùa mưa, khi nhu cầu sử dụng điện giảm, cũng là lúc các nhà máy thủy điện đủ nguồn nước để phát hết công suất. Trong bối cảnh “trăm người bán, một người mua”, EVN lúc này với vai trò công ty mua buôn điện duy nhất, hoàn toàn có thể dùng thế độc quyền “gây khó dễ” cho các nhà cung cấp điện.

Hiện, sản lượng điện được cung cấp bởi các nhà máy thủy điện giảm, nhưng số lượng nhà máy điện lại đang tăng nhanh chóng. Chỉ tính riêng số nhà máy điện công suất trên 30MW trên cả nước đã lên tới con số 82. CTPĐ, EVN không còn độc quyền trong khâu phát điện, nhưng vẫn chiếm phần chi phối trong tổng công suất nguồn (khoảng 65%), đồng thời nắm giữ toàn bộ các khâu truyền tải, phân phối điện và mua điện từ nước ngoài khi thiếu điện.

TS. Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế -xã hội, cho rằng, về nguyên tắc, cùng với việc thực hiện giá điện thị trường, Chính phủ phải thúc đẩy EVN thực hiện phát điện cạnh tranh sớm hơn. “Chúng ta đã làm chậm, khiến lộ trình về giá tăng nhanh hơn lộ trình cạnh tranh. Đây là một trong những dấu hiệu đi ngược quy luật, gây sự thiếu đồng thuận, thiếu minh bạch trong thị trường điện”, ông Phong nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Trăm người bán, một người mua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO