Tin kinh tế ngày 1/10: Doanh nghiệp TP.HCM thêm khó vì thiếu hụt lao động

HT| 01/10/2021 07:00

Năm 2021, cả nước vẫn có thể xuất siêu; tín dụng đang tăng trưởng âm; cân nhắc giảm thuế để hạ giá xăng trong nước; du lịch TP.HCM bắt đầu kích hoạt lại thị trường... là loạt tin nổi bật trong ngày.

Doanh nghiệp TP.HCM thêm khó vì thiếu hụt lao động

1-JPG-2663-1633077856.jpg

Nhiều doanh nghiệp sau ngày 1/10/2021 chưa thể đưa sản xuất trở lại như trước dịch vì nguồn lao động đang thiếu trầm trọng. Trước đó, nhiều DN quy mô nhỏ, không đủ điều kiện thực hiện phương án "ba tại chỗ" nên đã dừng sản xuất trong nhiều tháng qua vì giãn cách xã hội.

Việc các địa phương không đồng bộ về phương án mở cửa khiến nhiều DN rơi vào tình thế bị động, không sẵn sàng nhân lực, cơ sở vật chất và nguyên vật liệu để hoạt động ổn định. Một số DN chưa tiêm phủ hết vaccine nên người lao động băn khoăn không biết có được trở về nhà hay tiếp tục ở lại, kéo theo thiếu hụt nhân sự dây chuyền cho DN.

Năm 2021, cả nước vẫn có thể xuất siêu

2-6178-1633077856.jpg

Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương cho biết, năm 2021, cán cân thương mại của cả nước có thể cân bằng. Thậm chí nếu thuận lợi, cán cân thương mại cả nước có thể nghiêng về hướng xuất siêu. Mặc dù đã chịu ảnh hưởng mạnh của dịch Covid-19 trong hai tháng gần đây, tính chung 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu vẫn ước đạt 240,5 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 9 tháng qua, xuất khẩu vẫn tăng cao. Đây là một trong những nguyên nhân đóng góp vào tăng trưởng GDP 3 quý đầu năm. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đây là sự nỗ lực rất lớn của các ngành, địa phương và cộng đồng DN.

Tín dụng đang tăng trưởng âm

3-5726-1633077856.jpg

Số liệu về hoạt động ngân hàng ba quý đầu năm của Tổng cục Thống kê mới công bố ghi nhận dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã ảnh hưởng tới mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành ngân hàng. Theo đó, đến ngày 20/9/2021, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đã đạt 7,17%, cao hơn so với mức tăng cùng kỳ nhưng so với tháng 8, chỉ số này đã giảm 0,25 điểm phần trăm.

Tổng phương tiện thanh toán toàn hệ thống mới tăng 4,95% so với cuối năm 2020, trong khi cùng kỳ năm trước tăng được 7,58%. Theo đánh giá của cơ quan thống kê, mức tăng trưởng tín dụng kể trên vẫn hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm nay.

Cân nhắc giảm thuế để hạ giá xăng trong nước

4-9325-1633077857.jpg

Bộ Công Thương đang cùng Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất phương án giảm thuế, như thuế bảo vệ môi trường, để giảm giá xăng trong nước. Đề xuất giảm giá một số mặt hàng thiết yếu như giảm 10-30% với xăng được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra tại hội nghị trực tuyến Thủ tướng với DN tuần trước, nhằm hỗ trợ DN sản xuất bớt khó khăn vì dịch bệnh.

Thủ tướng sau đó đã chỉ đạo Bộ Công thương và Bộ Tài chính nghiên cứu, tính toán các yếu tố, dư địa có thể khai thác để giảm giá xăng. Liên bộ sẽ phối hợp điều hành giá xăng dầu phục vụ tốt nhất nền kinh tế, đảm bảo hỗ trợ tốt nhất cho người dân, DN khi mở cửa trở lại.

Du lịch TP.HCM bắt đầu kích hoạt lại thị trường

5-9860-1633077857.jpg

Một số công ty du lịch ở TP.HCM đã bắt đầu đưa khách đi tour trở lại, phát triển sản phẩm du lịch nội vùng và chuẩn bị liên kết các tỉnh, thành để xây dựng tour khép kín. Cần Giờ, Củ Chi hiện là những "vùng xanh" và đang bắt đầu mở lại nhiều điểm tham quan. Du khách có thể đăng ký theo tour nếu có thẻ xanh vaccine và bảo đảm 5K…

Những ngày qua, nhiều tour đưa lực lượng tuyến đầu chống dịch ở TP.HCM đi tham quan Cần Giờ, Củ Chi đã được tổ chức. Đó có thể được xem là những sản phẩm khởi động cho việc trở lại của ngành du lịch TP.HCM sau thời gian "đóng băng".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tin kinh tế ngày 1/10: Doanh nghiệp TP.HCM thêm khó vì thiếu hụt lao động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO